Đồ họa đẹp mắt, nhịp phim kịch tính khiến Kung Fu Panda 3 chinh phục khán giả thành công, nhưng nó cũng là phần phim cho thấy Dreamworks nên cân nhắc đến việc dừng lại.
Trong phần phim này, chú gấu Po tìm thấy người cha thất lạc của mình - Ảnh: CGV cung cấp |
Sự giao thoa văn hóa hài hòa
Trong các loạt phim hoạt hình mà hãng Dreamworks từng tạo nên, có lẽ chỉ có Kung Fu Panda là mang đậm các yếu tố văn hóa nhất. So với series phim Madagascar đầy vui nhộn nhưng hơi thiếu khoảng lặng hay How To Train Your Dragon vẫn đang loay hoay đi tìm chất riêng thì Kung Fu Panda vốn từ năm 2008 đến nay đã định hình được vị trí riêng trong lòng người hâm mộ. Hình ảnh chú gấu trúc Po béo ú, vụng về bỗng nhiên được chọn là Thần Long đại hiệp và hết lần này đến lần khác chiến thắng kẻ ác đã trở thành biểu tượng của sự phóng khoáng, tự do và niềm tin vào những điều bất khả. Kung Fu Panda là một loạt phim mà ở đó cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể khám phá được bài học cho riêng mình.
Với phần 3 này, các nhà làm phim của Dreamworks vẫn đáp ứng được đầy đủ các yếu tố hài hước, tình cảm, đẫm chất văn hóa mà cũng tràn ngập những phân cảnh hành động. Và có lẽ, chính vì biết được khán giả đang bắt đầu hơi cảm thấy nhàm chán với những nhân vật cũ, ê-kíp đã rất thông minh khi tung ra hàng loạt nhân vật mới vô cùng đáng yêu, dễ mến. Cả một ngôi làng gấu trúc hiện ra trên màn ảnh rộng khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ thích thú. Và khi được kết hợp với sự đẹp mắt về mặt đồ họa, chúng đã âm thầm “xóa gọn” những khuyết điểm trong kịch bản mà bộ phim này mắc phải, chỉ để lại những ấn tượng đẹp về một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn người xem từ đầu đến cuối.
Phim vẫn hài hước và đậm chất văn hóa như hai phần trước - Ảnh: CGV cung cấp
|
Tuy nhiên, điểm mạnh lớn nhất ở Kung Fu Panda rốt cuộc vẫn là một yếu tố then chốt: văn hóa. Sau hai phần phim “cày nát” khái niệm kung fu thì giờ đây các nhà sản xuất bắt đầu chuyển sang xoay quanh câu chuyện của khí công. Võ học Trung Hoa vốn rất bao la nên cũng là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim Hollywood thỏa sức sáng tạo, điều này vô tình biến Kung Fu Panda 3 trở thành một món ăn lạ mà dù đã thưởng thức 2 phần người ta vẫn còn "thòm thèm". Hiếm khi nào điện ảnh thế giới lại có được sự giao thoa hài hòa và chỉn chu đến vậy. Và đó mới chính là lý do khiến loạt phim này nổi tiếng, còn Kung Fu Panda 3 lại tiếp tục thành công.
Nên tiếp tục hay dừng lại?
Trước và cả sau khi Kung Fu Panda 3 công chiếu, khán giả vẫn luôn không ngừng đặt ra câu hỏi: Liệu series này đã kết thúc tại đây chưa? Kỳ thực, 3 phần chưa phải là quá dài đối với một loạt phim thành công, nhưng với trường hợp này, rất dễ thấy nếu tiếp tục kéo dài, Kung Fu Panda có thể sẽ rơi vào lối mòn và chịu tình cảnh thất bại bi đát.
Bởi lẽ, Kung Fu Panda 3 dù được đáp ứng rất tốt về mặt kỹ thuật, cài cắm tình tiết, đồ họa công phu, nhạc phim hay tiết tấu dồn dập, nhưng cái cốt lõi là một ý tưởng mới lạ thì tác phẩm lại không hề có. Nó chỉ dễ thương và đáng yêu chứ chưa thể tạo ra đột phá, và cũng chính vì thế mà nhiều nhà phê bình cho rằng Kung Fu Panda nên dừng lại ở đây cho tròn trịa.
Nhiều nhân vật mới xuất hiện trong phần 3 - Ảnh: CGV cung cấp
|
Trong khi đó, nhà sản xuất của phim lại từng công bố rằng có thể hãng Dreamworks sẽ cân nhắc đến việc thực hiện thêm 3 phần nữa, nghĩa là Kung Fu Panda sẽ có đến 6 phần. Một con số mà bất cứ loạt phim hoạt hình nào cũng phải mơ ước. Nếu giả thuyết này là thật, thì Kung Fu Panda có lẽ nên được chuyển sang một hướng đi khác mang tính đột phá hơn nhằm giữ chân người xem.
Bởi công chúng đôi khi có thể dễ dãi bỏ qua sự cũ kỹ vì thích thú trước những hình ảnh của những nhân vật đáng yêu, dễ thương, nhưng đó là điều mà các nhà làm phim không bao giờ nên lạm dụng. Chủ đề “Tôi là ai” vốn là chiếc xương sống xuyên suốt 3 phần phim nên được tạm gác sang một bên. Chú gấu Po đã đến lúc trưởng thành và thôi loay hoay trước những chất vấn bản thân, thay vào đó, chú ta cần sống một cuộc đời của một anh hùng trưởng thành thực thụ.
Bình luận (0)