Kỳ 1: Tầm nhìn của ông bác sĩ kỳ lạ

08/08/2016 07:00 GMT+7

Bệnh viện FV có một chiến lược truyền thông bài bản và chuyên nghiệp. Người phụ trách là chị Nguyễn Thị Lệ Thu.

Chị Lệ Thu không chỉ phụ trách truyền thông, chức danh của chị là Giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh, một chức danh hơi lạ lẫm đối với một bệnh viện.
“Phát triển kinh doanh” ở một bệnh viện là làm những việc khác biệt gì so với phát triển kinh doanh của một doanh nghiệp tôi sẽ đề cập sau. Riêng về truyền thông, việc quảng bá dịch vụ của một bệnh viện khác với một doanh nghiệp thông thường ở chỗ: Tại FV, nó không chỉ tuân thủ quy định của pháp luật mà còn tuân thủ chuẩn mực về y đức do chính FV quy định, chuẩn mực này yêu cầu cao hơn quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Chuẩn mực y đức của FV không chỉ áp dụng cho các thầy thuốc mà áp dụng cả cho hoạt động của bệnh viện, trong đó: “Giới hạn việc quảng bá các dịch vụ chuyên môn trong phạm vi vừa đủ cung cấp thông tin cần thiết cho bệnh nhân hay đồng nghiệp để họ quyết định lựa chọn dịch vụ y khoa phù hợp”.
Chị Lệ Thu bảo, FV không cho phép nói quá về mình, toàn bộ hoạt động truyền thông của FV chỉ giới hạn ở việc xây dựng “độ nhận biết” cho cộng đồng, nghĩa là FV có khả năng điều trị được những bệnh gì, những bệnh đó do ai điều trị. Ngay cả khi bệnh nhân chia sẻ với cộng đồng cảm nghĩ sau khi điều trị, FV cũng hoàn toàn tôn trọng cảm nghĩ khách quan của họ, không bao giờ gợi ý theo hướng có lợi cho FV. Tiếp xúc với hàng chục người ở FV, gồm bác sĩ, người quản lý, chuyên viên kỹ thuật và nhân viên y tế, tôi thấy đúng như chị Lệ Thu nói, chẳng có ai “nói quá về mình”, chẳng có ai nói một điều gì không hay về dịch vụ y tế ở các bệnh viện khác.
Kỳ 1: Tầm nhìn của ông bác sĩ kỳ lạ 1
Khai trương vào ngày 11.4.2003, chỉ hơn 5 năm sau, ngày 7.8.2007, FV đã trở thành bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế HAS (Haute Autorité De Santé). Không dừng lại ở đó, ngày 5.3.2016, FV đạt chứng nhận JCI - “con dấu vàng” chất lượng y tế quốc tế, trở thành nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu khu vực. Việc FV được lựa chọn là bệnh viện dự phòng hỗ trợ y tế cho Tổng thống Mỹ Obama và phái đoàn trong chuyến thăm Việt Nam mới đây cũng nói lên nhiều ý nghĩa.
Khắp các khoa phòng ở bệnh viện, từ người đứng đầu cho tới nhân viên nhà bếp hay chị lao công vệ sinh, ai ai cũng làm theo chuẩn JCI, mặc dù JCI có tới 360 tiêu chuẩn với hơn 1.200 tiêu chí đo lường.
Tôi đã có các cuộc trao đổi thú vị với bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng giám đốc FV và nhiều người khác xung quanh những tiêu chí đó. Tôi sẽ cố gắng diễn đạt bằng thực tế sinh động mà tôi quan sát được tại FV, nhưng trước hết phải nói đến một chi tiết kỳ lạ của vị bác sĩ kỳ lạ này khi khởi động lập ra bệnh viện. Chị Lệ Thu kể, bác sĩ Guillon “không bắt đầu từ một nhà lãnh đạo”, nhưng với sự thôi thúc cháy bỏng “mang tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe của thế giới đến Việt Nam”, ông đã tự tay gửi hàng chục ngàn bức thư ngỏ đến các bác sĩ hàng đầu thế giới, kêu gọi họ hợp tác xây dựng bệnh viện. Và FV ra đời với 10 sáng lập viên và 499 cổ đông. Tầm nhìn của Guillon thật là đáng nể. Kêu gọi góp vốn là chuyện nhỏ, vả lại các bác sĩ thì đâu có thể góp được nhiều vốn, mục đích chính của ông khi gửi hàng chục ngàn bức thư đó là để tranh thủ chuyên môn. 499 cổ đông của FV là những nhà chuyên môn đẳng cấp quốc tế hoặc có quan hệ mật thiết với các nhà chuyên môn đẳng cấp quốc tế. Chính họ đã hỗ trợ, tiếp sức cho FV nhanh chóng tiếp cận những thành tựu mới nhất của y học và cung cách quản lý hiện đại. Và nhiều thầy thuốc tài danh trong số họ đã trực tiếp đến khám chữa bệnh tại FV.
Kỳ 1: Tầm nhìn của ông bác sĩ kỳ lạ 2
Cách khởi đầu tưởng như kỳ lạ của bác sĩ Guillon trong thực tế đã rút ngắn đáng kể con đường đưa FV trở thành một bệnh viện đạt chuẩn JCI, một chuẩn mực mà không ít các bệnh viện tiên tiến lâu đời trên thế giới phải phấn đấu “mướt mồ hôi” cũng chưa đạt.
Trước đây, người Việt Nam khá giả khi mắc bệnh nan y thường phải ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí rất đắt. Giờ đây, nhiều bệnh nan y có thể được điều trị tại FV với hiệu quả không hề thua kém nhưng chi phí lại thấp hơn nhiều so với việc ra nước ngoài điều trị, chỉ bằng khoảng 1/2 so với Singapore, nơi có dịch vụ y tế tốt vào loại nhất nhì thế giới. Tất nhiên, không phải bệnh nan y nào FV cũng chữa khỏi, trên thế giới cũng không có một bệnh viện nào có thể chữa được mọi căn bệnh nan y. Để bổ khuyết cho vấn đề này, FV triển khai hoạt động liên kết theo hướng “2 bệnh viện chữa cho 1 bệnh nhân”. Đó là trường hợp FV hợp tác với Trung tâm mắt quốc gia Singapore (SNEC) và Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore (NUH). Về chương trình liên kết với SNEC để ghép giác mạc cho bệnh nhân, bác sĩ Jean-Marcel Guillon nói việc phẫu thuật ghép giác mạc là rất khó, trong khi SNEC là một trong những trung tâm về mắt nổi tiếng nhất thế giới. Sau gần 10 năm hợp tác với Singapore, nay FV đã có thể ghép giác mạc cho bệnh nhân tại FV do giáo sư hàng đầu thế giới Donald Tan thực hiện. Trên cơ sở hợp đồng liên kết giữa hai bên, FV thực hiện song song hai cách: ghép giác mạc tại FV để giảm chi phí cho người bệnh, những trường hợp quá khó được gửi sang Singapore, cả hai cách đều đảm bảo hiệu quả và an toàn. Về quan hệ với NUH, là nơi tập trung nhiều vị giáo sư bác sĩ đầu ngành của Singapore, FV tranh thủ tư vấn của các chuyên gia đầu ngành, đối với những ca ghép gan, FV không thực hiện mà gửi sang Singapore điều trị. Các ca khó liên quan đến xơ gan và ung thư gan đều được hội chẩn với các bác sĩ NUH, những trường hợp quá phức tạp cũng gửi bệnh nhân sang NUH nhưng ít hơn gửi sang SNEC. Đây cũng là tầm nhìn và hành động khôn ngoan của bác sĩ Guillon nhằm phục vụ tốt nhất với chi phí thấp cho bệnh nhân. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.