>> Thần khuyển đại tướng quân ! - Kỳ 1: Công ngang với công thần khai quốc !
Người Thái muốn “dìm hàng”
Trên thế giới hiện chỉ có 3 giống chó có xoáy lưng, là chó Phú Quốc của Việt Nam, chó xoáy Thái Lan và chó xoáy Nam Phi (Rhodesian Ridgebacks). Ba giống chó này có “bà con họ hàng” gì với nhau hay không chưa ai biết chắc. Nhiều nhà khuyển học quan tâm đến chó xoáy đang cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Tuy nhiên, đã có một số kết luận chủ quan từ những người Thái và một vài nhà nghiên cứu Mỹ.
Họ cho rằng, chó Phú Quốc Việt Nam có nguồn gốc từ chó xoáy Thái, người thì bảo có một vị vua Việt Nam từng sang Thái, khi về đã mang theo giống chó này và chó Phú Quốc từ đó mà sinh ra, người thì nói có thể ba bốn trăm năm trước những người đánh cá Thái ngẫu nhiên đến đảo Phú Quốc và đã để lại giống chó xoáy tại đảo này.
|
Sự tranh chấp về nguồn gốc chó xoáy đặc biệt rộ lên sau khi giáo sư Dư Thanh Khiêm, Viện trưởng Viện Giáo dục Woluwe SaintPierre ở Brussels (Bỉ), công bố những tài liệu quý giá của thế giới về chó Phú Quốc từ hơn 100 năm trước và sự kiện 2 con chó Phú Quốc Đốm và Vện được những người nuôi chó trên thế giới ngưỡng mộ tại cuộc thi chó đẹp quốc tế diễn ra ở Paris vào năm 2011. Những người yêu chó Phú Quốc Việt Nam, nhất là giáo sư Dư Thanh Khiêm đã kiên quyết phản bác những lập luận thiếu sức thuyết phục này.
Cần biết, người Thái tiếp thị và lobby giỏi hơn người Việt chúng ta rất nhiều. Chó xoáy của họ đã được Liên đoàn các Hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI) công nhận, còn chó Phú Quốc Việt Nam thì chưa.
Tại cuộc thi chó đẹp quốc tế nói trên, do chưa được FCI công nhận, nên hai em Đốm và Vện chỉ được đặc cách làm “khách mời”, giải thưởng chỉ là giải thưởng ở “vòng ngoài”, chứ chưa đủ tư cách tham dự cuộc thi chính thức ở “vòng trong”.
Người Thái nuôi chó xoáy có đủ trình độ để nhận ra sự nổi trội của chó Phú Quốc Việt Nam và hình như họ đang muốn “dìm hàng”, cố tình làm cho thế giới thấy rằng chó Phú Quốc chẳng qua là một “nhánh” của chó xoáy Thái. Họ có đủ tiềm lực tiếp thị để đạt được mục đích đó. Còn chúng ta thì sao?
Chúng ta có quá ít nỗ lực và có quá nhiều cản trở. Những người mê chó Phú Quốc như giáo sư Khiêm hầu như phải đơn thương độc mã để tìm cách đưa con chó Phú Quốc trở lại vị trí mà nó từng được quốc tế vinh danh hơn 100 năm trước.
Rất có thể các chú quân khuyển ra ngoài “tìm gái”…
Với tư cách là người yêu chó Phú Quốc và có tìm hiểu về giống chó này, chúng tôi xin cung cấp thêm vài thông tin. Người Thái nói rằng từng có một vị vua nào đó của Việt Nam sang Thái và mang chó xoáy Thái về gầy giống thành chó Phú Quốc Việt Nam, có lẽ họ muốn ám chỉ vua Gia Long.
|
Đúng là vua Gia Long lúc sa cơ có sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) trú ngụ. Nhưng trước khi sang Xiêm ông đã nuôi 4 con chó Phú Quốc rồi. Nói ông Gia Long mang chó xoáy Thái về, sao ông không mang về nơi khác mà phải mang về Phú Quốc trong khi Phú Quốc không phải là trọng trấn của ông?
Trong thời gian trú ngụ tại Xiêm, ông có quân đội riêng của ông, ông đã từng đem quân giúp vua Xiêm đánh quân Miến Điện xâm chiếm nước Xiêm. Quân đội của ông hẳn phải có chó Phú Quốc làm quân khuyển, chưa nói đến việc ông có thể mang theo 4 con chó của ông sang Xiêm, vì 4 con chó đó “đã theo ông suốt những năm bôn tẩu”.
Đó là sự thật. Và điều gì đã xảy ra từ sự thật đó?
Rất có thể, một số chú quân khuyển đêm hôm ra ngoài “tìm gái”, đã để lại những hậu duệ là những con chó xoáy Thái ngày nay. Hoặc giả khi ông Gia Long và đội quân của ông về nước, một số chú quân khuyển đã ở lại và sinh con đẻ cái với chó bản địa. Chúng tôi chỉ suy luận như vậy chứ chưa đủ tài liệu thực tế để khẳng định điều đó, nhưng sự suy luận này có sức thuyết phục gấp trăm ngàn lần lập luận cho rằng “có một vị vua Việt Nam sang Thái và mang chó xoáy Thái về nước”, cũng như lập luận “những ngư dân Thái đến Phú Quốc và để lại chó xoáy”.
|
Tóm lại, chó Phú Quốc có đẻ ra chó xoáy Thái hay không thì chưa chắc lắm (mặc dù rất có thể), nhưng điều chắc chắn là chó xoáy Thái chưa bao giờ đẻ ra chó Phú Quốc.
Hơn nữa, trước ông Gia Long, quân đội Tây Sơn đã từng dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển rồi, mà nhà Tây Sơn thì không có vị vua nào đặt chân đến Thái Lan cả.
Về lập luận “những ngư dân Thái đến Phú Quốc để lại chó xoáy” thì giáo sư Khiêm đã bác bỏ rồi, chúng tôi không cần nhắc lại nữa.
Câu chuyện đưa chó Phú Quốc trở lại vị trí mà nó từng được vinh danh trên đấu trường quốc tế là câu chuyện còn dài, nhằm mục đích “xây dựng thương hiệu”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chúng ta không nên quá bận tâm về “thương hiệu chó Phú Quốc”, bởi nó không giống như những thương hiệu hàng hóa khác. Nó từng là bí mật quân sự của cha ông ta, ngày nay phải được coi là “quốc bảo”, là “của riêng” của dân tộc, là thứ cần được bảo tồn một cách cẩn trọng.
Và cần lưu ý điều này: Nhiều người đem chó Phú Quốc từ đảo về hoặc đem từ nơi này đến nơi khác phần lớn đều bị bệnh hoặc chết. Hoàn toàn không phải giống chó này khó nuôi, ngược lại chó Phú Quốc rất dễ nuôi. Khó nuôi là do không biết cách. Nuôi chó Phú Quốc như nuôi chó tây là chết chắc…(còn tiếp).
Hoàng Hải Vân
Kỳ sau: “Bí quyết” nuôi chó Phú Quốc
>> Chó Phú Quốc du đấu xứ người
>> Cơ hội cho chó Phú Quốc ra thế giới
>> Đề nghị thế giới công nhận giống chó Phú Quốc
>> Nâng tầm thương hiệu chó Phú Quốc
Bình luận (0)