Khổ vì một phút bốc đồng
P.N.T, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, đã từng xăm mình khi ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, lớn lên T. luôn cảm thấy hối hận vì hình xăm của mình. Vạch hình xăm ở phía trong cánh tay, T. bộc bạch: “Tôi xăm vào năm 16 tuổi. Sau khi nhậu tăng 2 ở đám cưới anh họ, tầm 7 giờ tối, tôi cùng bạn chạy một mạch 13 cây số ngay trong mưa đến tiệm xăm”. Có hơi men trong người nên T. ngẫu hứng chọn xăm một hình trên mạng và xăm với giá 350.000 đồng.
Tuy nhiên, điều không ngờ là chỉ sau 3 tháng, chỗ xăm bị hoại tử. “Vết thương bị mưng mủ, phồng rộp cùng với những cơn ngứa và đau vô cùng khó chịu. Nhiều lúc tôi không chịu nổi phải gãi đến chảy máu, do vậy hình xăm bị lồi lõm và mất thẩm mỹ”, T. rùng mình nhớ lại.
Xăm mình thì dễ, còn xóa rất khó |
Phạm Hữu |
T. chia sẻ lý do một phần vì da độc và lúc vừa xăm cậu không kiêng cữ những thức ăn dễ làm lên sẹo. Bên cạnh đó, tiệm xăm cũng không đảm bảo vệ sinh hay sát trùng kỹ sau xăm. “Vì giấu gia đình nên tất cả tiền khám bệnh và thuốc men tôi đều tự chi trả trong suốt 3 tháng với tổng thiệt hại lên đến 3 triệu đồng. Mỗi sáng đi học, mẹ chỉ cho tôi 10.000 đồng nhưng tiền thuốc mỗi ngày lên đến 30.000 đồng. Nhiều hôm tôi phải ngưng thuốc vì túng thiếu tiền bạc”, T. kể lại.
Hối hận lớn nhất của T. khi xăm mình là bị dang dở ước mơ thi vào sư phạm văn. “Văn là môn tôi giỏi và cũng rất thích dạy học, nên khi bị cản trở vì hình xăm làm tôi nhiều tiếc nuối. Nhưng biết làm sao được, tuổi trẻ bồng bột thì phải tự làm tự chịu”, T. tâm sự. Cùng với đó là hy vọng của gia đình cho T. học ngành an ninh và luật cũng tan thành mây khói.
Không nghĩ kỹ cho tương lai
Tìm kiếm trong một nhóm xóa xăm, tôi bắt gặp chị H.T (ngụ tại Hà Nam). Chị chia sẻ cần kiếm nơi xóa 2 hình xăm cho đứa em gái chỉ mới 16 tuổi. “Em gái tôi bị bạn bè dụ dỗ nên dám trộm tiền bố mẹ đi xăm. Hình ban đầu có từ lớp 9, dù bị mẹ la mắng nhưng mới gần đây nó lại xăm thêm một hình màu đỏ”, chị bức xúc giãi bày. Chị H.T cho biết ban đầu em của chị không muốn xóa. Nhưng sau khi nghe mẹ đau đớn nói: “Giả sử bây giờ người xăm là mẹ. Chẳng phải con sẽ bị xa lánh, đánh giá bởi những người xung quanh vì có người mẹ xăm hình. Con có thấy xấu hổ không?”, em chị mới biết sai và đồng ý xóa.
“Nhưng đâu phải muốn xóa là xóa. Nhà tôi ở Hà Nam, muốn xóa phải tốn thêm tiền xe đến Hà Nội. Vốn dĩ giá gốc để xóa 2 hình cho em gái chỉ 3 triệu đồng nhưng độn với tiền xe đã lên gần 8 triệu đồng”, chị H.T bộc bạch.
Chị H.T còn cho biết cũng có nhiều chủ spa nhận xóa hình xăm, nhưng chị không yên tâm, nên chọn những tiệm xóa xăm chuyên nghiệp ở Hà Nội với mong muốn xóa giúp hình xăm của em gái mà không để lại sẹo, tránh ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai.
Một liệu trình xóa xăm cho em gái chị H.T cần đến Hà Nội 8 lần và mỗi lần cách 20 ngày. Ngoài bắn tia laser, gia đình chị phải tốn thêm những chi phí như uống thuốc kháng sinh chống viêm, bôi kem dưỡng da phục hồi. Và cũng cần kiêng ăn những thực phẩm dễ để lại sẹo. “Suốt quá trình xử lý, em tôi phải chịu đau đớn, thậm chí em còn giật bắn người. Đối với hình có màu còn chảy máu”, chị H.T cho biết.
Chị H.T tâm sự: “Hình xăm là thứ ngáng đường sự nghiệp mà nhiều trẻ em không biết. Khi đã xăm mình thì không thể làm những ngành như: công an, giáo viên, luật... Bên cạnh công việc, trong hôn nhân, nhiều gia đình cũng không chấp nhận có con dâu hoặc rể xăm mình. Vì vốn tư tưởng người Việt Nam nghĩ xăm là xấu, là ăn chơi”.
Tương tự, D.T.V (21 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng hối hận và phải xóa gấp một hình xăm dưới vành tai vì sắp tới V. dự định đăng ký vào một dự án thuộc ngành dịch vụ. Từng chi 1 triệu đồng cho hình xăm, nay cô phải tốn tận 3 triệu đồng để xóa. Liệu trình của V. sẽ xóa đến khi nào hình xăm mất hẳn và mỗi buổi cách nhau tầm 7 - 10 ngày. V. chia sẻ: “Nếu bạn có ý định xăm thì nên suy xét công việc trong tương lai, vì xóa xăm tốn một số tiền không nhỏ và mất nhiều thời gian”.
Không phù hợp với trẻ dưới 18 tuổi
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (TP.HCM), cho biết: “Pháp luật không có quy định cấm đối với học sinh đang theo học ở các cấp học từ THCS, THPT xăm mình. Nhưng điều 34 “nhiệm vụ của học sinh” được quy định tại Thông tư 32/2020: học sinh phải thực hiện điều lệ, nội quy của nhà trường. Như vậy, thông tư này cũng cho phép nhà trường được xây dựng nội quy để học sinh tuân thủ. Và trường nào có xây dựng nội quy mà theo đó nghiêm cấm học sinh xăm mình, thì khi đi học tại trường đó bắt buộc học sinh không được xăm mình”.
Ông Phát nói thêm: “Theo tôi, xăm hình không phù hợp với trẻ dưới 18 tuổi, đặc biệt là các cháu đang còn học tập. Bởi việc này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sống, học tập hằng ngày của trẻ và có thể một số trẻ sẽ không được tham gia học ở những trường có nội quy quy định về việc không được xăm mình”.
Nhìn nhận dưới góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng: “Ý thức làm người lớn khiến trẻ dưới 18 tuổi có nhu cầu khẳng định mình, muốn thể hiện cá tính một cách độc đáo, muốn người khác chú ý đến mình. Tuy nhiên, tuổi này trẻ chưa thật sự ổn định nhận thức, chưa tự ý thức cũng như có cái nhìn thế giới quan rõ nét về cuộc sống nên việc xăm hình từ những lời rủ rê, bắt chước, thách đố của bạn bè… sẽ dẫn đến những hệ lụy về sau”.
Theo thạc sĩ Thanh Trà, ở góc độ nhà trường, ngoài việc đề ra các quy định, cũng nên tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về xăm mình với sự góp mặt của các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này, hoặc những bạn trẻ đã từng xăm mình, họ sẽ là những người đưa ra lời khuyên chân thành và xác thực nhất. Đây cũng có thể là hướng nghiên cứu mới cho các nhà nghiên cứu hoặc các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học.
Bình luận (0)