Gian nan đường vận chuyển nông sản
Hiện nay, ĐBSCL đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, mỗi năm, các nhà máy tại ĐBSCL phải vận chuyển từ 2 - 3 triệu tấn thủy hải sản, 6 - 7 triệu tấn gạo, khoảng 3 triệu tấn trái cây đến hệ thống kho và cảng ở TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu để xuất khẩu, khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40%. Thời gian vận chuyển lâu hơn cũng khiến chất lượng không ít lô hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
|
Theo ghi nhận của Bộ Công thương, 5 năm trở lại đây, chi phí logistics cho xuất nhập thủy sản và trái cây của Việt Nam khoảng 20 - 25% giá thành sản phẩm, trong khi các nước trong khu vực chỉ 10 - 15%. Trên thực tế hiện nay, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Chưa kể, tình trạng một số cảng trọng điểm tại TP.HCM thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng…
Đại diện một tập đoàn thủy sản tại ĐBSCL cho biết: “Chi phí vận chuyển cao khiến cho giá tôm Việt Nam luôn cao hơn tôm Ấn Độ và Indonesia từ 1 - 2 USD/kg, làm giảm lợi thế cạnh tranh.
Giải bài toán “logistics nông sản”
Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và Đại học Fulbright, phần lớn các dịch vụ logistics liên quan đến sản xuất, thương mại và cung cấp dịch vụ tại ĐBSCL đang được thực hiện một cách tự phát theo truyền thống. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ. Đặc biệt, trên 85% các cảng còn phân tán, manh mún, phần lớn có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/năm. Vấn đề liên kết vùng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, đặc biệt là vận chuyển đường sông, đường biển. Chính điều này đã làm cho chi phí logistics ở ĐBSCL còn cao.
|
Thêm vào đó là thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng…
Ngoài ra doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại ĐBSCL có nhu cầu chiếu xạ, hấp nhiệt sản phẩm phải đưa hàng lên TP.HCM, khiến chi phí bị “đội” lên chóng mặt.
|
Theo các chuyên gia, cần sớm có các phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam, từ canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển - làm sạch - lưu trữ - chiếu xạ, cho đến thông quan - xuất khẩu, để tối ưu hóa chi phí, tránh tình trạng nguồn nông sản di chuyển qua quá nhiều khâu, khiến chất lượng hao hụt. Giải pháp cấp bách là hình thành trung tâm logistics “tất cả trong một” ngay giữa tâm điểm ĐBSCL, có khả năng thực hiện trọn gói khép kín tất cả các quy trình phục vụ xuất khẩu nông sản; giúp tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh, từ đó tạo đầu ra bền vững cho nông dân.
|
“Trung tâm logistics nông sản ra đời càng sớm bao nhiêu thì doanh nghiệp và người nông dân đỡ vất vả bấy nhiêu. Đồng thời, sản phẩm của họ cũng được tiêu thụ, xuất khẩu nhanh chóng với giá thuận mua vừa bán. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để trung tâm này hoàn thiện và đi vào vận hành trọn vẹn tất cả các hạng mục càng sớm càng tốt”, ông Tô Thái Thành, Trưởng ban Kinh doanh Hanh Nguyen Logistics - thành viên Tien Thinh Group cho biết. Trước mắt, Hanh Nguyen Logistics đã triển khai dịch vụ cho thuê kho để đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo quản nông sản rất cấp thiết tại ĐBSCL.
Bình luận (0)