Bao đời nay, ngư dân Vàm Nao không lạ lùng gì các loài cá sông nhưng bất lực không hiểu vì sao cá mập, cá đao vốn là loài hung tợn ở biển khơi lại xuất hiện ở Vàm Nao.
Những câu chuyện huyền bí...
Sông Vàm Nao kỳ bí bởi từng được mệnh danh là ổ cá mập, cá đao khiến dân hải hồ rợn óc. Theo sách Tân Châu xưa, năm 1819, Thoại Ngọc Hầu cho đào kinh Vĩnh Tế, dân phu ngán rừng thiêng nước độc đã bỏ trốn, chạy tới Vàm Nao, gặp sông nên đốn cây chuối ôm bơi qua. Đâu dè bơi tới giữa dòng bị nước xoáy cuốn chìm, cá mập lao tới xâu xé, ăn thịt.
Chuyện xưa kể rằng có đôi vợ chồng trẻ khi chạy ghe tới Vàm Nao trời đã sụp tối. Thấy sông to, gió lớn dữ dằn nên neo lại. Đang đêm đứa con ỉa, người vợ bèn nhúng con xuống sông rửa đít thì đứa bé đau đớn ré lên. Chị vợ giật mình kéo con lên thấy hai chân trẻ tươm máu ròng ròng, đưa con lên bờ tìm người giúp, chị muốn rụng rời khi dân bản xứ cho biết con chị bị cá mập táp, rất may không bị cắn đứt ngang.
|
Lão ngư Ba Trường kể hồi nhỏ ông bà hay kể cá dữ quấy phá quá nên dân lành sợ ra sông, bèn nghĩ kế diệt trừ. Để giết các loài cá dữ, họ nảy sáng kiến để nguyên trái bí đao đem nấu chín quăng xuống sông, thấy động cá hung hăng lao đến há mõm nuốt trái bí và bị bỏng ruột chết…
Chúng tôi xuôi dòng đến cuối bờ Vàm Nao, gặp ngư dân Năm Thứ - người nổi tiếng “sát cá” một thời ở cù lao Bình Thủy, H.Châu Phú. Ngồi tư lự nhìn ra bến sông, Năm Thứ kể: "Mấy năm trước cá mập, cá đao hay xuất hiện trên đoạn sông này. Tôi không biết cá mập hồi xưa ở Vàm Nao mà ông bà kể to hay nhỏ, giống cá mập biển hay không nhưng tới đời hậu bối thì cá mập nhỏ lắm, hình thù khác cá mập biển, có vây nhỏ trên lưng như vây cá da trơn”. Cũng theo lời Năm Thứ, lạ cái là chẳng ai rõ giống cá dữ đó từ đâu tới, có người nói do đáy sông Vàm Nao có lòng chảo sâu ăn thông với biển nên lâu lâu có cá mập, cá đao bơi lạc vào! Bởi vậy chỉ vùng Vàm Nao mới có chúng, hiếm hoi lắm mới nghe sông Tiền hay sông Hậu có cá đao, cá mập. Ngư dân còn gọi cá mập sông là cá biệt động vì màu da nó vằn vện như áo lính biệt động. Thường ngư dân chỉ bắt được cá mập, cá đao nhỏ, con nặng khoảng 7 kg trở xuống.
Theo lời Năm Thứ, khi bắt được cá dữ, chẳng ai dám dùng tay bắt mà phải dùng vợt hớt, sau đó lanh lẹ túm vợt lại rồi dùng chày vồ đập tới tấp vào đầu cá. Năm Thứ nhớ lại mũi đao của cá đao dài hơn 1,5 tấc rất cứng, phải dùng kìm, mỏ lết vặn khá lâu mới bẻ gãy được mũi đao, ngư dân lấy đem về treo ngó chơi. Năm Thứ quả quyết, trong đời ngư dân ông đã nếm đủ món ngon từ mọi loài cá, nhưng không có món nào tuyệt ngon như cá mập nhúng giấm, còn thịt cá đao cũng như cá ngát.
Nhưng lâu rồi Năm Thứ không còn thưởng thức được món ngon sông nước. Bởi lũ cá mập, cá đao bặt bóng lâu nay, bỏ lại bao hoài nghi cùng những câu chuyện huyễn hoặc không hồi kết.
Nơi hội ngộ "ngũ bá" sông ngòi
Nghe chúng tôi nhắc lại chuyện mới đây ngư dân H.An Phú (An Giang) lần lượt bắt được hai con cá tra dầu nặng trên 80 kg, lão ngư Sáu Viên (ngụ cù lao Bình Thủy) đang bị bệnh nằm ỉu xìu trên võng vội bật dậy to giọng: “Cá cỡ đó ở Vàm Nao có lủ khủ”. Rồi ông gượng dậy, lục tìm cái lưỡi câu khá to được cất kỹ, hắng giọng: “Đây là lưỡi để câu cá vồ cờ, cá tra dầu đó. Nó được đặc chế bằng căm cây dù, chứ lưỡi câu thường nó táp kéo một cái gãy liền”.
Các lão ngư khẳng định sông Vàm Nao là hang ổ của thủy quái miền Tây và “ngũ bá” trên dòng Mê Kông gồm cá hô, cá tra dầu, cá nược (hay còn gọi cá heo), cá vồ cờ, cá đuối theo ma lực của dòng chảy Vàm Nao gom hội về đây vẫy vùng, phá nước. Cá hô được ngư dân ví von là cá vua, cá tra dầu được xem là loài cá nước ngọt lớn nhất địa cầu, cá vồ cờ là loài cá nước ngọt khỏe nhất thế giới… Sáu Viên nói: “So với các loài cá da trơn, cá vồ cờ rất kỳ dị nhờ cái vây dài như cây cờ, khi nổi lên mặt nước, vây lưng rẽ nước nhấp nhô như vây cá mập nên người ta gọi chúng là cá mập sông”.
Nghe nói hiện nay các nhà khoa học đang khổ tâm tìm cá vồ cờ bảo tồn vì chúng sắp tuyệt chủng, Sáu Viên cả quyết dòng Vàm Nao còn nhiều cá vồ cờ, bằng chứng là xác mèo, xác gà hay chó trôi sông hay bị cá vồ cờ theo rỉa thịt. Giờ thịt cá vồ cờ chẳng ai còn chê như hồi xưa, nên thấy vây kỳ chúng nổi lên là ngư dân theo dấu giăng câu. Ngoài ra, dòng Vàm Nao còn nhiều cá có tên trong Sách đỏ vẫn hay bị mắc lưới, mắc câu như cá trà sóc, cá tra dầu, cá hô…
Nghe theo lời Sáu Viên, chúng tôi luẩn quẩn quanh chợ cá Bình Thủy rồi qua chợ cá xã Mỹ Hội Đông (H.Chợ Mới) tìm cá quý. Dịp may đưa đến, quá bất ngờ chúng tôi giáp mặt loài cá trứ danh nằm lẫn lộn với bầy cá vồ đém. Đó là con cá vồ cờ con nặng khoảng 1 kg, hỏi giá, chị chủ cá cho biết giá 1 kg là 30.000 đồng.
Định móc điện thoại báo tin vui cho bạn là nhà khoa học đang truy tìm thu gom cá vồ cờ nghiên cứu, nhưng đành gác lại bởi tiếng chị bán cá thẽ thọt: “Nó bị mắc lưới hồi khuya qua nên chết rồi, để tôi mần cá giùm luôn nghe”.
Thanh Dũng
>> Kỳ 1: Nghiệt súc Năm Chèo
>> Bắt được cá hô hơn 130 kg
>> “Thủy chiến” trên sông Tiền
>> Luồng tàu vào sông Hậu vẫn chưa thông
>> Ngược dòng sông Hậu
>> Tấm lòng người miền Tây
>> Mưu sinh trên “nóc nhà miền Tây”
Bình luận (0)