Tên và số
Văn Biển chậm rãi: “Cuốn sách là lời kể của con bê mang số hiệu 20 nhưng thông qua “tự thuật” của con vật này, chân dung người anh hùng lộ sáng với tất cả vẻ đẹp lam lũ mà thuần khiết. Ở đó có một Hồ Giáo công nhân luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao là nuôi đàn bò và vắt sữa mỗi ngày nhưng cũng có một Hồ Giáo nông phu rất nhân văn khi đối xử với những con vật thân quen của mình. Anh đã cứu sống con bê mang số hiệu 20 trong một hoàn cảnh ngặt nghèo để sau này nó thành con vật hữu ích. Tôi muốn nói đến dòng-sữa-mùa-xuân của một con vật bất hạnh được chính con người chìa bàn tay của mình ra cứu rỗi. Hồ Giáo đã làm cái việc mà không một công nhân nào của Nông trường Ba Vì ngày ấy làm được”.
|
Hồ Giáo là công nhân Đội 8 của Nông trường Ba Vì. Bây giờ ông cũng không nhớ là hồi ấy, đội sản xuất của ông “phụ trách” bao nhiêu con bò sữa, chỉ biết rằng, ông cùng với các chị “thiếu nữ Đội 8” đã đặt tên cho từng con, hoặc là gọi theo số thứ tự, hoặc là gọi theo đặc tính của chúng. Ví như con “Mười Hổ” chẳng hạn, vì con bò này rất hung hăng như… hổ. Riêng con bê số 20 có một số phận rất bi thương.
Một sáng nọ, con bò mẹ bỗng nhiên trở dạ, trong khi theo nhẩm tính của Hồ Giáo thì chưa đến ngày sinh. Thế là con bê ấy bị đẻ non, rơi đánh bẹp cạnh một con suối cạn. Vừa lọt lòng mẹ, con bê lạng quạng một đỗi rồi nằm im, không nhấc lên được. Như thế này thì chỉ còn cách là bỏ nó vô nồi rồi nấu cháo! Ai cũng bảo thế, riêng Hồ Giáo thì không. Ông quyết định mang về phòng để ủ ấm cho nó. Không biết bằng cách nào mà con bê ấy đã thoát hiểm rất nhanh. Nó phổng phao như bao con bê đủ tháng đủ ngày. Khi nó “đi mẫu giáo” - chữ của nhà văn Văn Biển, cả Đội 8 rồi cả nông trường ai cũng ngạc nhiên. Khi bê 20 thành “thiếu nữ”, nó là một trong những con bò sữa cho năng suất cao nhất của nông trường. Bấy giờ, người ta mới bắt đầu tò mò tìm hiểu xem thử Hồ Giáo có “phương thuốc” kỳ diệu nào mà “hồi sinh” được con vật chỉ đáng để nấu cháo lúc mới lọt lòng. Chẳng có bí quyết nào cả. Hồ Giáo đã ấp ủ nó, chăm nó như chăm đứa con của mình, bằng tất cả tình thương của một người mẹ. Chả thế mà khi Giáo gọi tên từng con một, tất cả đều răm rắp “vâng lời”.
Cứ tưởng nhà văn Văn Biển “thêm mắm thêm muối” cho mặn mà câu chuyện, mãi sau này, khi chứng kiến ông Giáo gọi tên từng con trâu Mura tại trại trâu Nghĩa Hành, chúng lao tới xúm xít quanh ông, tôi mới xác tín cái điều mà nhà văn đã viết về ông từ hơn 40 năm trước.
Anh hùng lần thứ nhất
Chuẩn bị tiến tới Đại hội anh hùng - chiến sĩ thi đua vào đầu năm 1967, các đơn vị bộ đội và các xí nghiệp, nhà máy, nông trường đều chọn những “gương điển hình tiên tiến xã hội chủ nghĩa” để giới thiệu cho ban tổ chức đại hội. Hồ Giáo là công nhân nuôi bò duy nhất ở Ba Vì được chọn làm “gương điển hình”. Tôi hỏi ông: “Bác có bất ngờ khi nghe xướng tên mình không?”. Ông Giáo từ tốn: “Bất ngờ chớ anh! Vì tôi nghĩ, nuôi bò sao cho mập khỏe và cho nhiều sữa là việc của mình chớ phải ráng sức gì đâu mà để được anh hùng?”. Nghe Hồ Giáo nói thì có vẻ đơn giản vậy, song sự chăm chỉ và trách nhiệm với công việc không phải là điều làm nên danh hiệu anh hùng của ông.
Hồ Giáo có cái cách nuôi bò mà không một công nhân nào ở Ba Vì cũng có thể làm được. Việc cứu “cô bê 20” khỏi bàn tay thần chết để trở thành một con vật hữu ích sau này chỉ là phần nhỏ của công việc nuôi bò sữa của Hồ Giáo. Điều làm nên sự khác biệt giữa Hồ Giáo với hàng vạn người nuôi bò khác là ở chỗ, ông đã “thuần dưỡng” tất cả chúng, biến chúng thành “lính” của mình, nói đâu nghe đó, lại vừa là “bè bạn” của chính ông. “Anh hùng” ở chỗ là biết tạo nên sự khác biệt đó.
“Hỏi anh anh thích nghề gì? Anh rằng thích nhất nghề đi chăn bò”. Câu thơ từng quen thuộc với bao thế hệ học trò, giờ đã mất hút mù tăm trong sách giáo khoa nhưng hình ảnh “anh Hồ Giáo” thì chưa bao giờ bị bôi xóa trong ký ức của một lớp người những năm đất nước còn chia cắt. Tôi đọc lại câu thơ và chợt nhận ra rằng, không phải nhà thơ đã “gán” cho ông sự yêu thích ấy mà chính Hồ Giáo đã chọn cho mình, đúng hơn là số phận đã chọn ông làm cái “nghề” mà chỉ có “yêu thích” ghê gớm thì mới gắn bó cả đời mình như thế.
Hỏi Hồ Giáo nhớ gì nhất trong những năm nuôi bò ở Ba Vì? Những tưởng ông sẽ nói rằng “tôi được làm đại biểu Quốc hội” hoặc “tôi được gặp, ăn ở và trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ lừng danh” nhưng không phải. Hồ Giáo nói rằng ông nhớ nhất là mấy tập vở của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tặng ông.
Ông kể: “Có một lần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghé thăm nông trường. Tôi được phân công báo cáo cho Thủ tướng công việc nuôi bò. Nghe giọng nói của tôi, Thủ tướng biết tôi là người Quảng Ngãi. Sau buổi “báo cáo”, ông gặp riêng tôi và vỗ vai: “Đồng chí học lớp mấy rồi?”. “Dạ, cháu không biết chữ ạ”. Nghe tôi nói thật thà thế, gương mặt ông thoáng buồn, rồi chỉ nói một câu: “Đồng chí cố gắng nhé!”. Đúng một tuần sau, tôi nhận một gói quà, ngoài bì thư ghi từ Văn phòng Chính phủ. Mở ra thì thấy cả chục tập vở, bút và kèm một lá thư. Tôi nhờ người “dịch thư” và biết Thủ tướng dặn tôi phải cố gắng học chữ. Tôi toát mồ hôi khi nghe nói “học chữ”, còn hơn cả việc nhận lãnh chăm sóc hàng trăm con bò!”.
Lá thư ông Phạm Văn Đồng gửi Hồ Giáo vừa là tình cảm “đồng hương” lại vừa như “mệnh lệnh” khiến Hồ Giáo không thể cho qua. Ông nhớ lại: “Lúc mới về nông trường, cứ dăm ba tháng là họ bắt tôi phải “khai lý lịch” một lần, mỗi lần như thế, tôi lại phải nhờ người viết hộ. Cũng ức lắm nhưng vì “không có năng khiếu học chữ” nên luôn cáo ốm mỗi khi nghe vận động ra lớp. Sẵn dịp này, tội hạ quyết tâm”. Và rồi, Hồ Giáo đã “hạ quyết tâm”, ông học một mạch đến xong lớp 7 (hệ 10 năm) rồi dừng. Vốn liếng “học chữ” của ông chỉ đủ để đọc thư và không nhờ người khác viết giùm lý lịch nhưng suốt đời Hồ Giáo, ông luôn ơn nghĩa mấy tập vở với lời dặn chí tình của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người mà ông vẫn xem như “cha” của mình. Để đến khi có dịp, ông lại “trả ơn”.
Trần Đăng
>> Anh hùng Hồ Giáo - Bên ngoài trang sách
Bình luận (0)