Kỳ 25: Trang trại “bốn thứ con”

08/01/2013 02:58 GMT+7

Với 60 triệu đồng khởi nghiệp, sau 6 năm xây dựng trang trại nuôi “bốn thứ con”, hiện anh Nguyễn Thanh Tuấn (36 tuổi, trú tại thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, H.Núi Thành, Quảng Nam) đã có trong tay sản nghiệp trên 6 tỉ đồng.

“Bốn thứ con” ở đây là 4 loại vật nuôi thuộc lớp bò sát gồm: kỳ nhông, kỳ đà, kỳ tôm và rắn mối. Khi mới lên ngọn đồi cạnh khu công nghiệp (KCN) Chu Lai để lập trang trại nuôi 4 loài vật này, nhiều người nghi anh Tuấn đang làm chuyện không đâu. “Nhưng tôi đã chứng minh là mình đúng khi thành công với nghề. Nuôi những loài bò sát này không khó vì bỏ ra ít vốn để làm chuồng trại nuôi thử, tôi thu về cả trăm triệu đồng chỉ 1 năm sau đó”, anh Tuấn chia sẻ.

 

Địa chỉ liên lạc của anh Nguyễn Thanh Tuấn: thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, H.Núi Thành, Quảng Nam. ĐT: 0914680920.

Năm 2006, anh Tuấn làm khoảng 1.000 m2 chuồng trại rồi thả hơn 300 con kỳ nhông. Nhờ đặc tính sinh sản nhanh nên một năm sau, anh xuất ra thị trường hàng ngàn con nhông thịt, thu lãi ròng gần cả trăm triệu đồng. Tiếp tục mở rộng quy mô trang trại lên đến 8.000 m2, anh tự mình mày mò nhân giống kỳ nhông lên hơn 20.000 con bố, mẹ. Anh Tuấn cho biết: “Nhông thịt sau 6 tháng tuổi là có thể xuất chuồng với giá 450.000 đồng/kg. Còn nhông giống được bán với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/con. Vì thịt kỳ nhông được nhiều người ưa chuộng nên việc thu hồi vốn là rất nhanh”.

Khi đã có vốn kiến thức vững chắc về nuôi kỳ nhông, anh Tuấn tiếp tục nuôi kỳ đà và kỳ tôm. Theo anh Tuấn, hai loại động vật này có cách nuôi tương tự như kỳ nhông nên việc cho ăn và chăm sóc cũng khá đơn giản. Mỗi ngày, người nuôi chỉ cần cho ăn một lần với các loại thức ăn sẵn có như rau, củ, quả các loại. “Riêng kỳ đà cần phải cho ăn thêm các loại thịt như nội tạng động vật khác hoặc phế phẩm trong chế biến, giết mổ nên có phần vất vả hơn. Tuy nhiên, do thịt kỳ đà có giá tới 500.000 đồng/kg nên tôi vẫn thả nuôi loại này”, anh Tuấn nói.

Anh cho biết thêm, nuôi các loài bò sát này khó nhất là cách làm chuồng trại làm sao để chúng không thể thoát ra ngoài. Để có thể quản lý và tận thu tốt, chuồng nuôi phải được xây cao trên 1 mét, phần mặt trong thành chuồng phải ốp gạch men để tránh thất thoát con giống. Nền cát phải được trải lưới trước khi đổ đất, cát lên trên. “Ngoài ra, điều tiên quyết là phải đắp đất thành từng ụ để nhông có thể sinh sản và có nơi ẩn trú, cũng như giúp chúng có điều kiện sinh trưởng tốt nhất”, anh Tuấn nói.

Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ
Trang trại nuôi kỳ nhông của anh Tuấn (trái) mỗi năm thu về 500 triệu đồng - Ảnh: Hoàng Sơn

Năm 2010, anh lập Công ty TNHH MTV Ân Cát để bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Từ đây, anh đứng ra thu mua các loại vật nuôi này để xuất ra các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Đến nay, mỗi năm anh Tuấn thu về trên dưới 500 triệu đồng tiền lãi. Thành công từ mô hình này, đầu năm 2012, anh Tuấn nuôi thêm 300 con rắn mối. Sau gần 1 năm, anh có khoảng 5.000 rắn mối giống. Nếu xuất ra thị trường, rắn mối thương phẩm có giá không dưới 300.000 đồng/kg.

Hiện anh Tuấn đang xây thêm một trang trại rộng 7.000 m2 tại P.An Phú, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam). “Vốn đầu tư bỏ ra ít, tỷ lệ rủi ro thấp, đây cũng là nghề 1 vốn sinh 1 lời. Nhưng không vì thế mà người mới nuôi ôm đồm, chỉ nên thả khoảng vài trăm con giống trong diện tích từ 200 - 300 m2 để vừa nuôi vừa tự rút kinh nghiệm sẽ tốt hơn”, anh Tuấn nói.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.