Kỳ 26: Il Caffè - diễn ngôn của giới trí thức khai sáng

05/03/2020 11:45 GMT+7

Giữa thời đại Khai sáng, giới trí thức nhận định rằng truy cầu và chia sẻ tri thức chính là nền tảng thay đổi vận mệnh mỗi người, mỗi dân tộc, quốc gia.

Những tư tưởng được khởi xướng bên tách cà phê trở thành xúc tác quan trọng trong tiến trình chuyển hóa tư duy quảng đại quần chúng.
Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là còn là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Hàng quán cà phê - không gian hội tụ những tinh thần tự do bất khuất

Thế kỷ 17, khi châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng tâm thức (La Crise de la conscience européenne), con người mất phương hướng và niềm tin về tương lai mà các định chế thần quyền cũng như thế quyền hứa hẹn. Phong trào Khai sáng được khởi xướng, đặc trưng bởi ý chí đấu tranh vì chân lý, tư duy và hành động để thay đổi cuộc đời. Tư tưởng tự do nẩy mầm trong thời đại này là cội nguồn xung lực mở đầu những sáng tạo vĩ đại, thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển mọi lĩnh vực từ văn hóa, khoa học, kỹ thuật đến kinh tế, chính trị... dẫn đến sự thay đổi căn bản diện mạo của châu Âu và cả thế giới phương Tây.
Tại Ý, do đặc trưng quốc gia, phong trào Khai sáng còn mang một sắc thái khác biệt. Cuối thế kỷ 17, lãnh thổ Ý vẫn còn chia năm xẻ bảy và chịu sự thống trị của Tây Ban Nha, Áo, Pháp... Sứ mệnh phong trào Phục hưng chưa thành toàn. Phong trào Khai sáng tại Ý ngoài mở đường cho sự đổi mới khoa học kỹ thuật và văn hóa, còn phải tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong thời Phục hưng, đồng thời hiện thực hóa khát vọng thống nhất quốc gia, hợp nhất dân tộc dưới cùng một bản sắc Ý.
Tuy nhiên trong bối cảnh phong kiến, tự do ngôn luận bị kiểm soát ngặt nghèo bởi lãnh chúa và giáo sĩ cao cấp. Giới trí thức uyên bác di chuyển giữa Pháp, Anh, Đức… tìm phương cách phá vỡ các rào cản để con người bình thường cũng có thể tiếp cận với tri thức. Và họ đã tìm thấy câu trả lời trong những hàng quán cà phê.
Quán cà phê từ lúc xuất hiện tại Ottoman đã đóng vai trò là nơi trao đổi kiến thức và được gọi là “Mekteb-i ‘irfan” - trường học cung cấp, phổ biến các ý tưởng mới. Khi du nhập vào châu Âu, hàng quán cà phê tiếp tục là không gian thảo luận các vấn đề mang tính thời cuộc, đổi mới tư tưởng. Có thể nói, trong thời đại Khai sáng, hàng quán cà phê là không gian đặc biệt, vượt lên mọi áp bức, mọi mâu thuẫn để hun đúc tinh thần tự do. Các quan điểm, các lĩnh vực kiến thức khác nhau được phổ biến trong quán cà phê, thậm chí là khởi xướng những cải cách vĩ đại, minh định nên đường hướng xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Do đó, những cuộc trò chuyện bên tách cà phê trở thành biểu trưng cho khát vọng khai sáng nhân văn, và hàng quán cà phê là nơi hội tụ những tinh thần tự do bất khuất.
Ví như quán Caffè Florian tại Venice, Antico Caffè Greco tại Rome, Caffè Tommaseo và Antico Caffè San Marco tại Trieste, Caffè San Carlo và Caffè Torino tại Turin, Gran Caffe Gambrinus tại Naples… đều là những quán cà phê đi vào lịch sử, nơi tập trung trí thức trên mọi lĩnh vực, quảng bá tư tưởng tự do, đóng vai trò then chốt trong tiến trình thống nhất quốc gia, xoay chuyển vận mệnh nước Ý.

“Il Caffè” - nền tảng tri thức được hình thành bên tách cà phê

Cốt lõi của phong trào Khai sáng là tri thức. Những tâm hồn lớn của thời đại mang tinh thần tự do bất khuất, nhận diện được chân lý và dũng cảm sử dụng quyền tự do nguyên vẹn nhất - quyền công khai sử dụng trí tuệ của chính mình để dẫn dắt công chúng vận dụng tri thức chuyển hóa xã hội, tiến tới lối sống tiến bộ. Nhu cầu truy cầu và chia sẻ chân lý, tri thức vì thế càng trở nên cấp thiết.
Tại Anh - quốc gia đầu tiên khởi xuất phong trào Khai sáng, giới tri thức đã cùng nhau sáng lập tờ tạp chí “The Tatler” (năm 1709) và “The Spectator” (năm 1711) mô phỏng những cuộc đàm thoại trong quán cà phê, biểu dương khát vọng chuyển hóa lối sống bằng đức hạnh và sự thông thái. Giới tri thức Pháp tập trung tại quán cà phê Café Procope khảo luận viết nên cuốn “Encyclopédie” - bách khoa toàn thư truyền bá tri thức nhân loại.
Từ cảm hứng đó, năm 1764, các triết gia vĩ đại Pietro Verri, Alessandro Verri, Cesare Beccaria, Alfonso Longo, Pietro Secchi… thuộc nhóm trí thức khai sáng Ý thành lập tờ tạp chí “Il Caffè” nhằm xây dựng nền tảng trí tuệ cho cộng đồng thông qua những tư tưởng được hình thành bên tách cà phê.
Trong phần giới thiệu tạp chí “Il Caffè”, triết gia Pietro Verri (1728 - 1797) - chủ biên tạp chí, đã dẫn chứng chiều dài lịch sử và ảnh hưởng của cà phê đối với xã hội phương Đông lẫn phương Tây để đưa ra kết luận “Cà phê tái tạo tâm hồn, đánh thức tâm trí và đặc biệt hữu ích cho những nhà tư tưởng và những người nghiên cứu khoa học”. Từ chiều hướng đó, sứ mạng của “Il Caffè” là cung cấp tri thức trên tinh thần sáng tạo như đặc tính của cà phê. Có thể hiểu là phổ biến nền tảng nhận thức lý luận và phương hướng tư duy nhằm đánh thức bổn phận của mỗi người trong toàn quá trình tham gia tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội.
Như thế, những khảo luận đăng trên tạp chí “Il Caffè” mô phỏng cuộc đàm thoại bên tách cà phê là cái cớ kích xúc khát vọng, làm nảy sinh những hành động chuyển hóa vấn đề nhân sinh như lối sống, văn hóa, kinh tế, chính trị… cùng hướng tới đời sống văn minh, hạnh phúc hơn.
Tạp chí “Il Caffè” là diễn ngôn của giới tri thức khai sáng, đại diện cho tư tưởng văn minh dẫn dắt lý tưởng thời đại. Từ sức ảnh hưởng của “Il Caffè”, phong trào Khai sáng lan rộng từ Milan đến Venice, Naples, Florence và toàn nước Ý. Đặc biệt, tinh thần dân tộc được “Il Caffè” truyền bá đã làm trỗi dậy mạnh mẽ khát vọng thống nhất quốc gia Ý, mỗi cá nhân nhận rõ trách nhiệm của mình trong vận mệnh chung của đất nước. Từ đây khởi lên ý chí toàn kết, phá vỡ sự khác biệt văn hóa giữa các vùng đang chia năm xẻ bảy, hợp nhất dân tộc dưới một bản sắc chung. Sự thống nhất về văn hóa chính là thành tố quan trọng đưa đến sự hoàn thiện về lãnh thổ Ý như ngày nay.
Đón đọc kỳ sau: Đại văn hào Gasparo Gozzi: “Quán cà phê là tổ chức văn hóa đặc biệt!”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.