Cơ duyên gắn tên tuổi chị Nga với hạt bắp bắt đầu từ chuyện vợ chồng chị làm ăn thất bát. Nuôi thủy sản dưới đầm Ô Loan không thành công, vốn mất sạch. Sau nhiều đêm suy nghĩ chị nảy sinh ý định kinh doanh bắp. Đầu năm 1996, với số vốn vay ít ỏi 500.000 đồng, chị thành lập cơ sở sản xuất bắp chiên tại nhà. Bắp hạt chị mua là do nông dân trong vùng trồng.
|
Lúc đầu, việc kinh doanh còn nhỏ lẻ, các khâu chế biến đều thủ công. Lao động chỉ có vài người, chủ yếu là những người thân trong gia đình. Sản phẩm làm ra ít, chỉ đủ bỏ hàng ở các quán trong xã và các huyện lân cận. Non nghề, ít kinh nghiệm nên chất lượng bắp chiên của chị chưa đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Chị Nga phải đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, thăm dò thị trường. Từ đó, chất lượng chế biến bắp chiên của cơ sở chị Nga bắt đầu được nâng lên, hạt bắp dần dần đi xa và có thương hiệu riêng.
Những năm gần đây, chất và lượng bắp được chế biến của cơ sở tăng lên đáng kể. Quy trình chế biến theo tuần tự các bước: bắp hạt phơi khô, sau đó luộc rồi phơi, tẩm gia vị và cuối cùng là chiên và đóng gói. Hiện mỗi kg bắp thành phẩm, chị bỏ sỉ với giá từ 25.000 - 30.000 đồng. Bao bì đơn giản, đẹp.
Chất lượng cao đã làm nên thương hiệu, hạt bắp từ cơ sở Thiên Nga đã đi khắp nơi trong cả nước, nhiều nhất là thị trường Tây nguyên, Hà Nội, Lạng Sơn và còn xuất sang Trung Quốc. Trong siêu thị Co.op Mart ở Tuy Hòa, Nha Trang, Sài Gòn cũng có một gian hàng riêng dành cho sản phẩm này.
|
Việc phát triển cơ sở vừa tạo được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương vừa tạo đầu ra cho nông sản ở vùng quê nghèo khó một cách bền vững. Mới đây, vợ chồng chị Nga đã thành lập DNTN Thiên Nga với số vốn lên đến tiền tỉ, kinh doanh nhiều mặt hàng, trong đó có sản phẩm hạt bắp chiên.
Ngoài làm kinh tế, chị Nga còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, xã hội. Chị tâm sự: Gia đình hạnh phúc, làm ăn khá giả, được tham gia công tác xã hội, từ thiện chị rất vui mừng, song chị còn dự định nhiều việc phải làm. Chị mong sao hạt bắp của mình ngày một chiếm lĩnh thị trường.
Tuy An
Bình luận (0)