Kỳ 29: Ngôi chùa của ân nhân chúa Nguyễn

22/01/2013 03:00 GMT+7

Được xây dựng vào năm 1802, chùa Sắc tứ Tam Bảo (P.Vĩnh Bảo, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) là nơi gắn liền với cuộc đời tu hành của hòa thượng Thích Trí Thiền. Đây còn là trụ sở, tòa soạn Tạp chí Tiến hóa của Hội Phật học kiêm tế vào năm 1936.

Được xây dựng vào năm 1802, chùa Sắc tứ Tam Bảo (P.Vĩnh Bảo, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) là nơi gắn liền với cuộc đời tu hành của hòa thượng Thích Trí Thiền. Đây còn là trụ sở, tòa soạn Tạp chí Tiến hóa của Hội Phật học kiêm tế vào năm 1936.

Chúa Nguyễn ở Phú Quốc

Sách Đại Nam thực lục chép rằng, tháng 7 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ nghe tin Nguyễn Phúc Ánh đang ở đảo Côn Lôn, bèn sai phò mã Trương Văn Đa đem thủy binh đến vây ba vòng. Bỗng mưa to gió lớn nổi lên, bốn bề mây mù giăng kín. Trận bão đã nhấn chìm đội thủy binh của Trương Văn Đa. Thuyền của chúa Nguyễn nhân đó vượt vòng vây, đến hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc. “Ở đây quân lương thiếu thốn, binh sĩ phải hái cỏ tìm củ mà ăn. Bấy giờ có người đàn bà tên là Thị Uyển chở một thuyền gạo đến dâng. Thuyền vua gặp gió, buồm và cột buồm bị hỏng, lại có thuyền buôn đem lá buồm đến dâng”.

 Chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá - Ảnh: H.P
Chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá - Ảnh: H.P

Thị Uyển mà Đại Nam thực lục nói đến chính là bà Dương Thị Oán, người Rạch Giá. Nhà văn Sơn Nam trong quyển hồi ký của mình thì cho rằng bà Oán đã dâng cho Nguyễn Phúc Ánh những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển, thay cho loại quai chèo thắt bằng gai. Về sau, bà Oán cất một ngôi chùa ở Rạch Giá để tu hành. Khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, có nhã ý trả ơn nhưng bà từ chối. Nhớ công lao xưa, vua đã sắc tứ ngôi chùa do bà lập.

Vào giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Ánh ở đảo Côn Lôn cũng có nhiều huyền thoại được người đời sau thêu dệt. Năm 1964, trên Tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vĩ có đăng bài viết về bà Phi Yến của tác giả Sơn Vương. Theo Sơn Vương, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn truy đuổi ra Côn Đảo có đem theo bà thứ phi tên là Phi Yến, tên tục là Răm. Bà thứ phi có một con trai với chúa Nguyễn là hoàng tử Cải. Trong lúc khó khăn, chúa Nguyễn bàn với quần thần định đưa hoàng tử Cải sang Pháp cầu viện nhưng bị bà Phi Yến ngăn cản. Tức giận, chúa định đưa ra chém nhưng quần thần can gián kịp thời. Song chúa Nguyễn vẫn nghi ngờ bà thông đồng với Tây Sơn nên cho nhốt vào hang đá.

Hoàng tử Cải biết mẹ bị oan ức nên khóc lóc, chúa tức giận bắt quăng xuống biển. Dân làng Cỏ Ống vớt xác lên chôn cất và lập miếu thờ. Rồi khi quân Tây Sơn tấn công, chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy về Phú Quốc. Bà Phi Yến thoát ra được. Dân làng bèn làm cho một ngôi nhà gần mả Cậu. Giai thoại này giải thích câu ca dao: “Gió đưa cây Cải về trời/Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”.

Theo Đại Nam thực lục thì chúa Nguyễn Ánh có bị Tây Sơn vây ở đảo Côn Lôn như đã nêu trên, còn chuyện bà Phi Yến có lẽ là câu chuyện dân gian hư cấu.

Các nhà sư đi tù...

Lịch sử phát triển của chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp của hòa thượng Thích Trí Thiền, thế danh là Nguyễn Văn Đồng. Vì vậy chùa còn có tên gọi là chùa Ông Đồng. Ông sinh năm 1882 tại làng Vĩnh Thanh Vân,

Rạch Giá, xuất gia tu học từ năm 30 tuổi. Năm 1913, ông được phật tử địa phương thỉnh về trụ trì ngôi chùa sắc tứ do bà Dương Thị Oán lập. Năm 1915 ông vận động phật tử đóng góp, xây dựng lại ngôi chùa và đổi tên là chùa Tam Bảo. Ông là người có công trùng tu lại ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Nhiều tượng Phật bằng gỗ quý được lưu giữ nguyên trạng đến ngày nay.

Ngày 26.8.1931, Thống đốc Nam kỳ Kratreimer cho phép thành lập Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học. Thời bấy giờ, thực dân Pháp hạn chế việc thành lập hội đoàn và xuất bản báo chí, nên các sư phải nhờ Trần Nguyên Chấn - ở dinh Đốc lý cùng đứng đơn xin phép. Hoạt động được hai năm, một số cao tăng trong hội cảm thấy có điều bất thường, xin rút ra khỏi hội. Rời Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, sư Thiện Chiếu tìm gặp hòa thượng Trí Thiền vận động thành lập Hội Phật học kiêm tế, xuất bản tờ Tiến hóa, thế là chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở hội và tòa soạn báo. Lúc này hòa thượng Trí Thiền giữ chức Chánh tổng lý của Phật học kiêm tế, chủ trương mở viện mồ côi ngay tại chùa, lớp học bình dân, phòng thuốc miễn phí, cứu trợ nạn nhân thiên tai...

Trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ cuối năm 1940, Liên tỉnh ủy Hậu Giang đã chọn chùa Tam Bảo làm nơi liên lạc và tàng trữ vũ khí sản xuất tại vùng U Minh chuyển ra, để phân phối đi các nơi. Lúc này, cách mạng đã phân công Trần Văn Thâu (pháp danh Thích Thiện n) đến ở chùa với hòa thượng Trí Thiền để hoạt động.

Tháng 6.1941, do có chỉ điểm, mật thám Pháp dẫn theo một số người bị bắt như Phan Văn Bảy, Lưu Nhơn Sâm tới chùa lục soát và thu được 59 trái lựu đạn cùng một số tài liệu. Chúng đem số lựu đạn thu được để trên một chiếc bàn, đồng thời dẫn hai nhà sư cùng các ông Phan Văn Bảy, Lưu Nhơn Sâm... đều bị trói, đứng gần bàn để thẩm vấn, tra khảo. Trong lúc tra khảo thì một quả lựu đạn phát nổ làm bị thương nhiều người. Báo cáo chính trị tháng 6.1941 của Mật thám Nam kỳ (hồ sơ B42-v/1443) miêu tả sự việc như sau: “Trong khi tra khảo nơi cất giấu bom và truyền đơn, y (tức sư Thiện n) đã giả vờ ngất và trong khi mọi người săn sóc, y đã nhảy về phía chiếc bàn trên có xếp những trái bom và không thể dùng các cánh tay bị trói, y đã tìm cách dùng người hất đổ chiếc bàn. Đương sự làm rơi một trái bom, trái bom phát nổ và các mảnh của nó đã làm bị thương nặng một viên cảnh sát...”.

Sau vụ này, chính quyền thực dân Pháp đã đưa ra tòa và kết án tử hình các ông Phan Văn Bảy, Lưu Nhơn Sâm và sư Thích Thiện n. Hòa thượng Thích Trí Thiền bị đày đi Côn Đảo. Năm 1943, hòa thượng đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Chùa Tam Bảo bị đóng cửa, không ai được lui tới và không có sư trụ trì cho đến năm 1956. Năm 1988, chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ngọc Phan - Hoàng Phương

>> Ngôi chùa lâu đời nhất trên đảo Phú Quốc
>> Kỳ 28: Áo cưới trước cổng chùa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.