[Kỳ 3] Chọn nghề theo xu hướng: Gen Z làm nghề huấn luyện viên thể hình thu nhập cao

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
21/12/2022 06:00 GMT+7

Huấn luyện viên thể hình là một trong những nghề được gen Z yêu thích nhất hiện nay. Nghề này mang lại thu nhập tốt và được đánh giá là có khả năng phát triển bền vững vì đi đôi với sức khỏe con người.

Nghề mang lại thu nhập tốt

Với kinh nghiệm 9 năm tập luyện thể hình và 5 năm làm huấn luyện viên cá nhân, Nguyễn Hoàng Tùng (24 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận định đây là một nghề rất “hot” và sẽ phát triển lâu dài trong tương lai vì nghề này đi đôi với sức khỏe con người.

Chàng trai từng đoạt 2 huy chương vàng hạng mục Men Physique Class A chiều cao 1m80 và hạng mục Sport Physique Model do Liên đoàn Cử tạ thể hình Việt Nam tổ chức vào tháng 9.2022 cho biết nghề này có mức thu nhập khá tốt. Một người khi mới vào nghề sẽ có mức lương dao động từ 8 - 15 triệu đồng/tháng, có thể cải thiện lên 20 - 25 triệu đồng/tháng nếu tạo được uy tín với khách hàng.

“Đây là công việc có thu nhập tốt so với mặt bằng chung. Những người làm nghề này còn có thời gian tập luyện, chăm sóc cho bản thân nên có thêm lợi thế về ngoại hình. Ngoài ra các bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với các khách hàng làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó có cơ hội học hỏi, trau dồi vốn sống, kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra, cơ hội thăng tiến trong nghề này rất khả quan, nếu bạn trẻ có kiến thức chuyên sâu về thể hình sẽ được nâng lên các chức vụ quản lý, giám sát… với mức lương hấp dẫn từ 30 - 40 triệu đồng/tháng hoặc hơn”, Tùng chia sẻ và cho rằng khi xã hội phát triển, đời sống được nâng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe, vóc dáng sẽ được mọi người chú trọng, vì vậy nhu cầu tìm đến các huấn luyện viên cá nhân là rất cao. Đây là lý do khiến nghề này đang rất “hot” với người trẻ.

Tùng cho biết hiện tại ở Việt Nam chưa trường học nào đào tạo, cũng như chưa có ngành học về huấn luyện viên cá nhân. Vì vậy, để có chứng chỉ hành nghề, các bạn trẻ phải theo học các khóa đào tạo của các hiệp hội đào tạo huấn luyện viên cá nhân trong nước hoặc nước ngoài để bổ sung kiến thức về dinh dưỡng, giải phẫu, chuyển động cơ học… Sau khi theo học các khóa đào tạo này, người học sẽ có được chứng chỉ hành nghề huấn luyện viên cá nhân và được công nhận trên toàn thế giới.

Theo Tùng, để trở thành một huấn luyện viên cá nhân cần rất nhiều yếu tố về chuyên môn, có kinh nghiệm tập luyện từ 3 năm, kỹ năng truyền đạt, giao tiếp và ngoại ngữ. Ngoài những yếu tố chuyên môn ra thì người làm huấn luyện viên phải trau dồi về vốn sống, khả năng thuyết phục vì phải là người truyền cảm hứng, là tấm gương cho học viên về lối sống tích cực.

Tuy nhiên, Tùng cho biết nghề này cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, cám dỗ, đòi hỏi những người trẻ phải tỉnh táo để không dẫn tới đánh đổi đạo đức nghề nghiệp. Theo Tùng, ở những trung tâm lớn các huấn luyện viên cá nhân sẽ rất bị áp lực về doanh số, nếu không đạt được sẽ bị trừ lương, vì vậy buộc nhiều người phải bất chấp mọi thứ để qua mặt khách hàng. Tùng cho rằng nếu như đủ đam mê và nhiệt huyết thì người làm nghề huấn luyện viên sẽ đủ tỉnh táo và bản lĩnh để lựa chọn giữa tiền bạc hay giá trị của bản thân.

Huấn luyện viên thể hình hiện được xem là một nghề “hot”, thu hút nhiều bạn trẻ

NVCC

Phải am hiểu rất nhiều kiến thức

Đã có 4 năm kinh nghiệm huấn luyện thể hình, Trần Thiên Bảo (24 tuổi), làm việc tại Bloodflame Fitness Studio (Q.3, TP.HCM) cho biết để trở thành một huấn luyện viên thì ngoài kiến thức chuyên môn còn cần có sự nhiệt tình và hứng thú nhất định trong việc giúp đỡ người khác, cộng với tinh thần luôn học hỏi và cập nhật những kiến thức mới để vận dụng cho bản thân cũng như khách hàng của mình.

Tuy đang là một nghề “hot”, được nhiều bạn trẻ lựa chọn, nhưng theo anh Bảo, trong tương lai những yêu cầu của nghề sẽ ngày càng khó hơn, vì mối liên hệ giữa tập luyện, y khoa và tâm lý trong lĩnh vực này là rất mật thiết. Điều này đòi hỏi ngoài việc tập luyện và xây dựng bài tập cho khách, còn phải am hiểu rất nhiều kiến thức để kịp thời đưa ra những lời khuyên và cải thiện việc tập luyện cũng như sức khỏe cho khách hàng.

“Ngoài ra, kiến thức về thể hình ngày càng phổ cập trên mạng xã hội nên việc thông tin nhiễu loạn, kiến thức không rõ nguồn gốc rất phổ biến. Nếu như bạn không có kỹ năng sàng lọc thông tin và chỉ dạy bằng kinh nghiệm cá nhân chứ không vận dụng những kiến thức khoa học thì khả năng cao khách hàng sẽ không đạt được hiệu quả, cũng như rất dễ gặp chấn thương”, anh Bảo chia sẻ.

Trần Thiên Bảo nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang có dự định theo đuổi nghề huấn luyện viên cá nhân là cần chú trọng đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Chàng trai gen Z này quan niệm sẽ luôn tư vấn những điều thật nhất, cung cấp những thông tin chính thống đã được kiểm chứng, dự trù được những khó khăn và áp lực để liên tục lên kế hoạch kề vai sát cánh giúp đỡ khách hàng vượt qua.

“Liên tục học hỏi, cập nhật những kiến thức mới trong chuyên môn cũng như đời sống để ngoài việc giảng dạy còn là một người bạn đồng hành đích thực. Luôn tạo động lực và thúc đẩy khách hàng chinh phục mục tiêu mà họ đặt ra”, Thiên Bảo chia sẻ.

Trả lời thắc mắc về việc nghề huấn luyện viên cá nhân có tuổi nghề rất ngắn, anh Bảo cho biết nếu nghiêm túc, yêu nghề thì một người có thể làm công việc này đến năm 35 tuổi. Và sau đó nếu có thêm kiến thức chuyên sâu thì có thể làm tiếp công việc đào tạo huấn luyện viên thể hình, làm giám sát, quản lý phòng tập…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.