Kỳ 3: Lễ kết nghĩa và 'bắt chồng' kỳ lạ ở Tây nguyên

29/01/2017 13:00 GMT+7

Người Ba Na ở Kon Tum hiện vẫn duy trì tục kết nghĩa làm cha/con, anh/chị với kiểu 'bú vú' lạ lẫm. Còn người Rơ Măm ở xã Mô Rai, Sa Thầy (Kon Tum) thì có lễ cưới 'bắt chồng' cầu kỳ.

Mặc dù trải qua bao vật đổi sao dời, nhưng người Ba Na ở tỉnh Kon Tum đến nay vẫn duy trì tục kết nghĩa và thổi tai cho con trẻ mới ra đời. Họ tin điều đó sẽ kết nối tình người thêm đẹp hơn trong cuộc sống.
Lể kết nghĩa người Ba Na luôn có mặt song thân của hai gia đình Ảnh: T.H
Bú vú kết nghĩa
Bà Y Đê ở làng Kon Klor (P.Thắng Lợi, TP.Kon Tum) nay tóc đã bạc, nhưng trong lòng vẫn nhớ như in cái ngày làm lễ kết nghĩa cách đây 50 năm. Hồi đó, bà Y Đê còn ở làng Kon Rờ Bàng (xã Vinh Quang, TP.Kon Tum) được được một phụ nữ Ba Na trong làng nhận làm con nuôi.
Đã nhận làm mẹ con thì nhất định người Ba Na sẽ làm lễ mời thần linh chứng giám. Ngày hôm đó, khi người mẹ nuôi mổ heo xong, người đàn ông Ba Na làm mai mối cho hai người kết nghĩa lấy máu từ tim heo hòa với rượu, sau đó khấn thần linh.
Khấn thần xong, phần rượu đó được rót từ vai mẹ nuôi chảy xuống ngực còn bà Y Đê quỳ xuống ngửa miệng dòng rượu từ vú mẹ nuôi, uống vào bụng, trước sự chứng kiến của mọi người.
"Nó như thay sữa mẹ. Mình không được mẹ sinh ra, nhưng đã bú vú mẹ có dân làng, thần linh chứng giám, xem như mình là con mẹ rồi", bà Y Đê nói. Bú vú xong, hai người từ nay chia buồn sớt vui đến khi về với Yàng. Sau lễ, dân làng cùng ăn uống, ca hát đến hết ngày.
Theo bà Y Đê, với dân tộc Ba Na, người cùng họ tộc, trong làng, trong vùng tuyệt đối không đặt tên trùng nhau. Thế nhưng nếu vô tình đặt trùng tên sẽ phải kết nghĩa làm cha/mẹ/con, anh/chị/ em với nhau. Ngoài ra, nếu thương mến, quý nhau như ruột thịt thì cũng làm lễ kết nghĩa.
Già làng Apik, chồng bà Y Đê,  cho hay lễ kết nghĩa quan trọng nhất của người Ba Na là lễ kết nghĩa làm cha (mẹ): lễ bú vú kết nghĩa. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà lễ kết nghĩa giết trâu, bò, heo hay gà. Nếu người được nhận làm con hành lễ bằng bò, trâu thì cha hoặc mẹ nuôi sau này cũng phải chia của cho đứa con kết nghĩa. Còn cha mẹ nuôi, sau đó cũng làm một lễ gọi là trả ơn cha mẹ đẻ ra người con nuôi ấy.
"Phong tục lâu đời của người Ba Na là người con kết nghĩa sẽ không được lấy một ai trong gia đình người mình nhận làm cha hoặc mẹ. Ai phạm lỗi này bị phạt rất nặng và bị đuổi ra khỏi làng", già A Pik nói.

Phụ nữ Rơ Măm "bắt chồng"

Trao vòng cầu hôn cho trai gái trước khi làm lễ cưới Ảnh: P.A

Hỏi về tục "bắt chồng" của người Rơ Măm ở vùng biên giới giáp với Campuchia, già làng A Reng (làng Le, xã Mô Rai, H.Sa Thầy) cười toét miệng: Bắt chồng hay lắm.

Già A Reng kể, khi người con gái quyết định gắn bó cả đời với một người con trai, sẽ đi nhờ người mai mối. Đám cưới theo trình tự: người mai mối ướm hỏi cho đôi trai gái, cha mẹ hai bên đồng ý cùng thống nhất lễ cưới, cuối cùng là lễ ăn cơm thành vợ chồng ngay sau lễ cưới.

"Người mai mối phải là người có uy tín trong làng. Sau đó, người này còn thử thách tình yêu đôi trai gái, xem chúng có thực sự thương nhau và ở suốt đời bên nhau không, mới đến gia đình 2 bên để định ra lễ thức hôn nhân", ông A Reng nói.

 
Gìa làng A Reng làm mai mối cho đôi trai gái Ảnh: P.A

Đến lúc ấn định ngày tổ chức lễ cưới, những người bà con và dân làng sẽ gác lại toàn bộ công việc nương rẫy để ăn cưới. Hai bên gia đình giết heo, gà, cúng ghè rượu và những lễ vật khác để tạ ơn thần linh.

Dân làng còn lên rừng hái rau, chặt ống lồ ô đựng nước, cần uống rượu, củi đốt, xuống suối bắt cá… rồi mang về chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc mình như cơm lam, cháo, rau đắng, cá nướng.

Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho hay lễ cưới của người Rơ Măm có rất nhiều nghi thức, gồm phần lễ và phần hội. Theo đó, lễ cưới được tổ chức bên nhà trai trước mới đến nhà gái. Lễ cưới ở nhà gái có nghi thức quan trọng là đôi trai gái trao vòng cho nhau. Chiếc vòng được làm bằng đồng, thể hiện sự thề nguyền son sắt trọn đời. Tục "bắt chồng" một phần vì các lễ thức quan trọng thường diễn ra ở đằng nhà gái.

Trong lễ cưới, người Rơ Măm lúc nào cũng có ghè rượu thiêng, cùng vật cúng thần linh. Người mai mối chịu trách nhiệm dẫn hai vợ chồng đến chỗ ghè rượu thiêng làm lễ, sắp xếp vị trí ngồi của đôi trai gái và hai bên gia đình trước khi làm lễ cưới.

Người Rơ Măm còn tổ chức nghi thức cắn con dao vót nan cho đôi vợ chồng; cha, mẹ của đôi trai gái cầu khấn thần linh và dặn dò con cái. Sau đó, người mai mối rút cần rượu thiêng ra trước nhà làm lễ xin các thần linh rồi mới ấn ống rượu vào ghè rượu thiêng cho đôi trai gái uống trước, mới đến hai bên gia đình và người làng.

 
Uống rượu cần mừng lễ cưới của người Rơ Măm Ảnh: P.A

Trong lễ cưới, thầy cúng còn xem quẻ cho hai vợ chồng. Sau đó, người mai mối đưa cô dâu chú rể ngồi gần ghè rượu lễ để làm lễ ăn cơm, chính thức thành đôi: Ông mai cầm 2 nắm cơm, 2 đùi gà đưa cho cô dâu, chú rể, sau đó cô dâu và chú rể đổi nắm cơm và đùi gà cho nhau rồi ăn tại chỗ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.