Mùa “heo nước” hội
Chúng tôi gặp may vì ngay lúc các ngư dân đang làm lễ hội xuống lưới cá bông lau, chiều hôm ấy, căn nhà của Tám Hổ (ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, H.Phú Tân, An Giang) trở nên náo nhiệt bởi các tay lưới bông lau đang tụ hội bàn tán rôm rả. Rất trịnh trọng, Tám Hổ cùng Ba Trường, đại diện cánh ngư dân ấp Vàm Nao, thắp nén nhang van vái, cúng thần sông bằng 4 cặp vịt. Nhìn khói nhang thơm bay quyện lên, những gương mặt đen đúa tươi rói hy vọng một mùa cá hội (bắt đầu từ tháng 11 tới tháng 4 âm lịch năm sau).
Tám Hổ (56 tuổi), hơn 30 năm bắt cá bông lau giải thích nghề hạ bạc có luật riêng. Như ngư dân mới vào nghề thả mẻ lưới bắt được con cá hô đầu tiên dù lớn hay nhỏ phải xẻ thịt khao cả xóm ăn đến hết mới thôi. Sau đó tới những con cá hô sau thì họ tự quyền định đoạt. Còn với nghề cá bông lau, ngư dân mới vào nghề bắt được con cá đầu tiên cúng bà cậu bằng cặp vịt. Theo Tám Hổ, cá bông lau xuất hiện ở nhiều sông rạch nhưng Vàm Nao mới đúng là rốn cá bông lau. Tám Hổ nói: “Ngư dân gọi nó là heo nước vì cứ độ gần tết cổ truyền chúng xuất hiện lội từng bầy trên Vàm Nao. Lúc này cá béo ú, con nhỏ nhất cũng nặng trên 3 kg, nhờ vậy dân nghèo đeo theo chúng là có tiền ăn tết”.
Xong lễ, những chiếc xuồng con lặng lẽ tiến ra Vàm Nao. Ở đây có quy luật, ngư dân nào ra bến trước thì được quyền bủa lưới trước, ai tới sau cứ theo thứ tự không tranh giành nhau. Sông Vàm Nao có hàng chục bến cá, mỗi bến có từ 10-20 tay lưới bông lau. Các ngư dân nói ở Vàm Nao không ai câu cá bông lau mà hầu hết đều dùng lưới. Lưới bắt cá bông lau dài 400-500 m, mắt lưới rộng khoảng 14 cm, chỉ bắt được cá to. Thả lưới bông lau phải theo con nước đêm, còn về sáng cá lặn trốn sâu ở tận nơi nào.
|
|
Sông Vàm Nao về đêm sáng lóa ánh đèn dầu giăng ngang dọc như mắc cửi trên sông, nhìn từ xa con sông lóng lánh như đêm hội hoa đăng. Gió sông lạnh lẽo, những câu chuyện tự sự về đời hạ bạc tăm tối càng buồn nao. Tám Hổ bật quẹt soi nhìn đồng hồ. Đã 21 giờ đêm, tức hơn 3 tiếng đồng hồ xuống lưới. Tôi hồi hộp khi Tám Hổ ra hiệu kéo lưới và vụt thất vọng khi trong lưới trơ rác rến. Đã quá quen, Tám Hổ cười móm xọm, rít thuốc cho ấm người, nói: “Nghề hạ bạc vậy đó. Thức trắng cả đêm hứng sương gió, mưa to nhưng có bữa về tay không”. Vài chiếc xuồng câu lướt qua, những tiếng thở dài khắc khoải thay câu trả lời có dính cá không.
Lần kéo mẻ lưới sau ánh mắt Tám Hổ tươi tỉnh, mặt thoáng nét vui khi lưới hơi rung nhẹ. Oa, một chú cá bông lau to đùng dính lưới cố vẫy vùng. Tám Hổ cười toe, cầm cá phỏng đoán con này không dưới 6 kg và nhẩm tính: “Cá đầu mùa có giá lắm, 1 kg bán nguyên con không dưới 200.000 đồng/kg đâu, còn xẻ khúc bán thì giá từ 220.000 - 250.000 đồng/kg tùy theo khúc đầu, đuôi hay mình cá”. Tám Hổ khá vui, sáng mai có thể ngủ ngon vì mẻ lưới đầu dính cá là hên lắm.
Loài cá bí hiểm
Ông Tư Đựng (ngư dân ở Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới) có thâm niên trên 30 năm trong làng hạ bạc, thủng thỉnh nói: “Năm nay lũ nhỏ, kinh nghiệm cho thấy có thể mùa này luồng cá bông lau đi nhiều à nghe”. Theo Tư Đựng, đây là điểm lạ lùng của cá bông lau vì thường lũ lớn tôm cá mới tràn nhiều về sông rạch, còn bông lau lũ càng lớn chúng càng thưa thớt. Một chuyện lạ khác là cứ tháng 11 âm lịch không biết từ đâu cá bông lau xuất hiện dày đặc trên sông Vàm Nao, đến tháng 4 âm lịch năm sau chúng tan biến như chưa từng tồn tại.
Nghe đến chuyện lạ cá bông lau, các ngư dân xúm xít bàn cãi râm ran hành tung bí ẩn của chúng. Ngư dân Bảy Thiện nói ông đã 25 năm trong nghề lưới bông lau, nhưng chưa bắt được con cá nào dưới 3 kg trên sông Vàm Nao. Cũng bấy nhiêu năm trong nghề, Bảy Thiện chưa từng nghe hay thấy ngư dân nào bắt được cá bông lau ôm trứng. Một điểm khác không thể bỏ qua, tuy cùng họ cá da trơn nhưng cá bông lau rất sạch, thịt cá rất thơm, lúc mổ bụng bộ lòng, bao tử trắng phau… Có người suy luận chúng là tiền thân của cá dứa ở vùng nước mặn, có người nói chúng xuất thân ở Biển Hồ nhưng thông tin này bị phản bác vì chưa thấy, chưa nghe ngư dân bắt được cá bông lau ở vùng đó có trứng…
Tám Hổ nói ngày xưa đi đò, đi tàu qua Vàm Nao là đi trên đầu ổ cá, nay nghe như nói dóc. Cá bông lau là loài cá da trơn nhưng thịt của chúng xếp vào loại cao cấp nên giá luôn đắt đỏ. Do vậy nhiều người không rõ chuyện cứ suy đoán rằng ngư dân Vàm Nao giàu lắm vì mỗi mùa bắt được cơ man nào là cá bông lau. Thế nhưng về nơi mệnh danh là ổ cá thì đời ngư dân cũng đâu khác gì, cũng mái nhà tuệch toạc, cũng đói no theo luồng cá… Ngày xưa ngư dân hào sảng lắm, đãi khách bằng cá bông lau, nay thì…
Các nhà khoa học phỏng đoán cá bông lau là cá di cư, từ Biển Hồ (Campuchia) cá con theo nước trôi trên dòng Mê Kông ra biển đụng luồng nước mặn lội ngược về Biển Hồ. Cá bơi đến Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh hãy còn nhỏ nên ngư dân bắt được gọi là cá dứa. Bơi tới Cần Thơ, An Giang đã lớn, có con nặng trên 17 kg, nhưng vẫn chưa có trứng... |
Thanh Dũng
>> Loài cá có cú táp vô địch
>> Phát hiện loài cá mới
>> Phát hiện loài cá voi hiếm có
Bình luận (0)