JCI yêu cầu mọi thứ diễn ra và có thể diễn ra đều phải được kiểm soát, không bỏ sót bất cứ thứ gì.
Chị Nguyễn Thị Hương, thư ký y khoa của FV nói: “Khi thấy nước đổ ra sàn bọn em không ai được phép lau mà trước hết phải báo cho đội vệ sinh, chỉ có họ mới được phép lau chùi. Họ sẽ đến ngay, nhưng trong khi chờ họ đến bọn em phải quan sát xung quanh để ngăn không cho bệnh nhân đến gần. Việc lau chùi một chút nước là quá dễ, nhưng bọn em không được phép. Vì thứ nhất là chưa biết nước ấy có nhiễm khuẩn, có hóa chất nguy hiểm hay không, thứ hai là bọn em không được tiếp xúc với mọi thứ chất thải. Ngay cả sau khi tiếp xúc với các thứ giấy tờ được coi là sạch nhất, bọn em cũng phải rửa tay bằng xà phòng theo đúng quy định”.
Nhiệm vụ của các thư ký y khoa là hỗ trợ bệnh nhân đến khám chữa bệnh và hỗ trợ các bác sĩ trong quan hệ với bệnh nhân, chị Hương thông hiểu mọi thứ về an toàn. Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và an toàn cho chính nhân viên của mình, FV phải có những quy định đến tận những chi tiết vô cùng nhỏ nhặt như vậy.
Đội vệ sinh làm việc tại FV do nhà cung cấp Pan Pacific Sài Gòn đưa tới theo hợp đồng với bệnh viện. Đây là công ty vệ sinh chuyên nghiệp, nhưng nhân viên của họ tới làm việc tại đây phải được đào tạo để làm việc theo đúng chuẩn của JCI.
Ông Monojit Mitra, Giám đốc kỹ thuật và thiết bị y tế của FV là một chuyên gia đặc biệt lành nghề. Ông thạo việc đến mức không có bất cứ thứ gì liên quan đến lĩnh vực phụ trách của mình mà ông không biết rõ. Ông chịu trách nhiệm chính không chỉ về sự vận hành thông suốt của thiết bị máy móc mà còn bảo đảm an toàn cho cả bệnh viện, bao gồm bệnh nhân, nhân viên làm việc tại đây và người đến thăm bệnh.
Toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị của bệnh viện phục vụ cho việc khám chữa bệnh đều là những máy móc, thiết bị hiện đại và đồng bộ. FV trang bị những thiết bị y khoa tiên tiến nhất thế giới và luôn thay đổi để bảo đảm không lạc hậu. Khi những bác sĩ hàng đầu thế giới đến khám chữa bệnh tại đây họ không cần phải đem theo thiết bị, FV có đủ mọi thứ. Tất cả đều được kiểm định, bảo trì và dán nhãn để người sử dụng biết được trạng thái của chúng, đồng thời có hệ thống cảnh báo khi gặp sự cố để các nhân viên kỹ thuật xử lý nhanh nhất.
Việc phòng ngừa cháy nổ được bảo đảm nghiêm ngặt, mọi nhân viên đều phải thuộc lòng những quy định về phòng cháy chữa cháy và các hướng dẫn cứu người khi gặp bất trắc. Ngay đến một ổ cắm điện trong phòng bệnh hay phòng làm việc cũng được kiểm định kỹ càng để loại bỏ rủi ro cho bệnh nhân và nhân viên. Tất cả các thiết bị liên quan đến điện của nhân viên bệnh viện đều được kiểm định.
|
Nước, không khí và nhiệt độ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bệnh nhân và nhân viên, cũng tuân thủ chuẩn mực JCI. Ông Mitra bảo, hằng tháng FV phải thu thập mẫu nước, mẫu không khí gửi đến cơ quan nhà nước để kiểm định chất lượng, trung bình mỗi tháng gửi đi cả trăm mẫu như vậy. Sự thay đổi về nhiệt độ, về độ ẩm và áp suất không khí cũng được kiểm soát và điều chỉnh. Tại nhiều khu vực, phải bảo đảm các điều kiện bắt buộc về nhiệt độ, độ ẩm, giới hạn nồng độ CO2 và áp suất không khí, có hệ thống đo và cảnh báo nếu có thay đổi. “Ở một nơi nào đó, khi số lượng người hiện diện tăng lên thì nồng độ CO2 tăng lên, thiết bị đo lường sẽ tự động cảnh báo, chúng tôi sẽ ngay lập tức xử lý bằng cách cung cấp O2 để cân bằng, đó là một ví dụ. Tại các khu vực đặc biệt như phòng mổ, chúng tôi phải điều chỉnh áp suất để bảo đảm không khí luôn ở trạng thái tốt nhất cho bệnh nhân, đồng thời ngăn chặn vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong”, ông Mitra nói.
Môi trường bệnh viện luôn tồn tại vi khuẩn, việc bảo đảm chuẩn JCI trong công tác vệ sinh, trong kiểm định nước và không khí được thực hiện đồng bộ với nhiều quy định khác nhằm chống nhiễm khuẩn và nhiễm trùng chéo. Yêu cầu chống nhiễm khuẩn và nhiễm trùng chéo còn lồng ghép trong các quy định về tiếp xúc bệnh nhân, di chuyển bệnh nhân, chẳng hạn việc tiếp xúc với bệnh nhân ở khoa nội khác với ở khoa ngoại, ở phòng cấp cứu phải khác với bệnh nhân ở các khoa phòng khác. Vì phòng cấp cứu là tuyến đầu tiên mà ở đó nhân viên y tế chưa biết chắc là bệnh nhân đang mắc bệnh gì. Tại tất cả các quầy, kệ trong bệnh viện đều có đặt các bình xịt xinh xắn chứa dung dịch rửa tay nhanh, chị Hương bảo dung dịch đó chỉ dùng cho nhân viên hoặc người đến thăm rửa tay sau khi tiếp xúc với các thứ giấy tờ hoặc vật dụng trong bệnh viện, còn trường hợp phải vô trùng khi tiếp xúc với bệnh nhân thì phải rửa tay theo các bước ghi trên quầy.
Dân gian có câu “bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng”. Tại FV, họ không chỉ “thấy” và dù có “thấy” hay không họ vẫn kiểm soát, không để diễn ra những sự cố không dự đoán được do vi khuẩn. Còn có quá nhiều những luật lệ ở đây nhằm kiểm soát những con vi khuẩn không ai nhìn thấy. Việc thực hiện các luật lệ đó đương nhiên cũng góp phần làm tăng chi phí của bệnh viện, nhưng chị Nguyễn Thị Hương bảo rằng các quy định mà FV đưa ra theo chuẩn JCI trong việc phòng chống nhiễm khuẩn là phương pháp hiệu quả nhất và rẻ tiền nhất. (Còn tiếp)
Bình luận (0)