Kỳ 36: Quán cà phê văn học trong tiến trình tái cấu trúc tư tưởng thời đại

14/05/2020 08:00 GMT+7

Khí quyển văn hóa cà phê Viên thúc đẩy con người nhận chân chính mình trong diễn trình hiện sinh, làm chủ trí tâm của mình để cảm thấu lý do của sự tồn tại.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là còn là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!


Đặc trưng của Viên trong những năm cuối thế kỷ 19 là sự va chạm. Va chạm văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia khi chế độ quân chủ Áo - Hungary thống trị lãnh thổ rộng lớn đứng thứ 2 châu Âu. Va chạm tư tưởng giữa Chủ nghĩa Tự nhiên, Chủ nghĩa Lãng mạn, Chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Biểu hiện... Va chạm niềm tin tiền hiện đại, hiện đại và phản hiện đại cùng tồn tại song song. Xã hội đa nguyên ấy lại là chất liệu sống kích xúc con người nghiệm sinh thực tại để hướng vọng về tương lai. Từ đây, một lớp trí thức đã nhận lãnh sứ mệnh tái cấu trúc tư tưởng theo hướng vinh thăng đời sống mới.
Tiến trình tái cấu trúc tư tưởng mới trong bối cảnh căng thẳng va chạm được sáng rõ từ những cuộc đối thoại trong hàng quán cà phê. Không chỉ tranh biện các vấn đề thời cuộc, tìm kiếm cái đúng đắn chung trong vô vàn sự khác biệt, quán cà phê còn là nơi chốn tự đánh giá bản thân để thấu cảm ý nghĩa của sự tồn tại. Khí quyển văn hóa cà phê đó đã thúc đẩy khát khao thể hiện phong cách, đồng thời khẳng định thần thái văn hóa của người thưởng lãm. Đây cũng chính là một trong những nguyên do hình thành nên kỷ nguyên văn học Viên, có ảnh hưởng toàn cầu xuyên suốt từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20.
Năm 1891, tại quán cà phê Café Griensteidl, nhóm văn học Jung-Wien (Viên Trẻ) được thành lập. Các tác gia Jung-Wien như Hermann Bahr, Hugo von Hofmannsthal, Arthur Schnitzler, Peter Altenberg, Felix Salten... từ sự chồng chéo trong phong cách đã cùng ngồi lại để phát triển văn học hiện đại. Tác phẩm của nhóm Jung-Wien xuất bản trên tạp chí Moderne Dichtung (1890), Moderne Rundschau (1891), Die Zeit (1894) đã tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến hệ tư tưởng đương thời.
Quán cà phê Café Central luôn có sẵn 250 tờ báo bằng 22 ngôn ngữ là nơi khởi xuất những tác phẩm vang danh thời đại. Kịch gia Arthur Schnitzler làm sáng rõ trạng thái tâm trí của xã hội tư sản Viên qua tác phẩm Con đường cô đơn (1896), Đất nước rộng lớn (1911)... Tác gia Peter Altenberg vốn là một thương nhân, từng học y khoa, luật sư nhưng cuối cùng đã trở thành nhà văn Chủ nghĩa Hiện đại nổi tiếng của Viên với những tác phẩm thuần túy quan sát chặt chẽ các sự kiện diễn ra trong quán cà phê Café Central.
Sau thế chiến I, quán cà phê Café Herrenhof là nơi các văn hào Hermann Broch, Robert Musil, Franz Werfel, Leo Perutz, Joseph Roth, Otto Soyka, Alfred Polgar… chọn làm nơi an trú và làm việc. Những năm 1950, Café Hawelka là một trong những nơi gặp gỡ quan trọng nhất của giới nghệ thuật Viên. Đây cũng là nơi nhóm nhà văn nhà thơ Wiener Gruppe nghiên cứu bản chất ý nghĩa ngôn ngữ và thúc đẩy văn học Baroque cũng như Chủ nghĩa Biểu hiện, Chủ nghĩa Dada, Chủ nghĩa Siêu thực…
Ngoài quán cà phê Café Griensteidl, Café Central, Café Herrenhof, Café Hawelka được gọi là “nơi gặp gỡ trung thành” của giới văn nhân, những quán cà phê khác như Café Imperial, Café Schwarzenberg, Café Prückel, Café Korb,… cũng đã đóng góp vai trò lớn trong đời sống văn học, tạo nên kỷ nguyên văn học Áo rạng danh. Loại hình quán cà phê văn học ảnh hưởng đến cả những thành phố lớn đương thời, từ Budapest (Café Abbazia) đến Pressburg (Café Continental), Prague (Café Arco)… làm cho văn hóa cà phê Viên nổi danh với thuật ngữ “Kaffeehausliteratur”, được hiểu là toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học đã được hoàn thành trong quán cà phê.
Không gian hàng quán cà phê - nơi chuyển hóa tâm thức thời đại đã được khẳng định trong rất nhiều tác phẩm văn học như Quán cà phê như một ý chí và một ý tưởng” - Hans Weigel, Đó là cách tôi trở thành - Peter Altenberg, Quán cà phê như một tổ chức giáo dục - Stefan Zweig, Văn hóa quán cà phê - Ludwig Hirschfeld, Zeitgeist trong quán cà phê văn học - Anton Kuh, Về Adolf Loos, sự nghiệp tại Café Centra - Oskar Kokoschka,…
Trong tác phẩm Thế giới của ngày hôm qua, văn hào Stefan Zweig mô tả bầu không khí học thuật trong quán cà phê: “Quán cà phê Viên là một tổ chức rất đặc biệt không thể so sánh với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Đây thực sự là một loại câu lạc bộ dân chủ, mọi người đều có thể uống một tách cà phê, ngồi hàng giờ thảo luận, viết. Trên hết là tiếp cận một số lượng báo và tạp chí không giới hạn. Và vì vậy, chúng tôi đã biết tất cả mọi thứ đang diễn ra trên thế giới, chúng tôi đã tìm hiểu về mọi cuốn sách, mọi hoạt động và so sánh đánh giá. Không có gì đóng góp nhiều cho sự phát triển trí tuệ của người Áo hơn là trong quán cà phê”.
Vai trò định hình tư tưởng của quán cà phê trong bối cảnh va chạm văn hóa đã biểu thị khát khao được khẳng định sự tồn tại, được diễn ngôn triết lý sống của mỗi người đan lồng trong khí quyển cà phê đang hiện hữu những khát vọng thời đại. Điều này đã làm cho không gian hàng quán cà phê dù muốn dù không đã gắn liền với tiến trình nghiệm sinh thực tại, cảm thấu ý nghĩa sự sống, tái cấu trúc cảm thức để hướng về tương lai.
Đón đọc kỳ sau: Đại văn hào Peter Altenberg - quán cà phê thăng hoa số phận đời người
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.