[Kỳ 5] Từ vụ Hồ Văn Cường bị đồn qua đời: Để không trở thành nạn nhân

07/12/2022 14:00 GMT+7

Hiện nay, mạng xã hội dần trở nên phổ biến, thu hút nhiều người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, khi tham gia người dùng dễ gặp các thông tin giả, bịa đặt và không ít người thành nạn nhân của những tin đồn thất thiệt này.

Vậy nên, việc sử dụng mạng xã hội thế nào cho thông minh là vấn đề được nhiều người trẻ quan tâm hiện nay.

Những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang

Tin giả gây hậu quả rất nghiêm trọng

Mạng xã hội ngày càng được nhiều người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Ở trên không gian mạng, mọi người có thể tiếp cận, cập nhật, chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, cũng có những thông tin thiếu chính xác, độc hại không được kiểm chứng gây tác hại không nhỏ cho người sử dụng.

Từng đọc những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội và thấy bất an khi đọc thông tin này, Nguyễn Như Huỳnh, sinh viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, chia sẻ: "Trong lúc dịch CoVid-19, mình có nghe thông tin nghệ sĩ Trấn Thành qua đời vì nhiễm bệnh trên các nền tảng mạng xã hội. Mình lên YouTube tìm kiếm thì thấy vô vàn tin tức về Trấn Thành qua đời. Mình cảm thấy "sốc" bởi vì một diễn viên, MC tài năng như thế mất đi thì rất tiếc nuối. Sau đó, mình thấy anh Thành đăng bài trên Facebook cá nhân rằng thông tin đó sai sự thật, mình mới nhẹ nhỏm".

Nguyễn Thủy Tiên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng thông tin chưa được kiểm chứng khi lan truyền sẽ gây hoang mang cho người dùng. Thủy Tiên nói: "Mình đã từng hoang mang, lo sợ bởi những tin đồn thất thiệt về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sẽ gây ra tác dụng ngược, nguy cơ mất trí nhớ, ảnh hưởng đến sinh lý. Khi đọc các thông tin ấy, mình cảm thấy e dè rằng có nên tin vắc xin hay không?”, Thủy Tiên chia sẻ.

Trần Thảo Vy, sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết những những thông tin giả lan truyền này gây ảnh hưởng tiêu cực với người dùng mạng xã hội. “Những tin tức chưa kiểm chứng được phổ biến rộng rãi sẽ gây nhiễu thông tin ảnh hưởng đến quyết định của người dùng, gây ra hiệu ứng lan truyền tin giả, ảnh hưởng niềm tin của người dân hội đối với các cơ quan truyền thông chính thống, hoặc các trung tâm tin tức. Từ đó, người dùng sẽ có những hành động, suy nghĩ chưa chuẩn mực”, Thảo Vy chia sẻ.

Không nhấn vào đường link độc hại, chia sẻ bài viết mà mình không kiểm chứng

Mạng xã hội là môi trường ảo nhưng cuộc sống là thật. Vì thế, tham gia mạng xã hội, khi thấy vấn đề nóng được nhiều người chia sẻ, cần tỉnh táo, nghiên cứu kỹ nội dung, tính chất sự việc, không xem qua tiêu đề, hùa theo đám đông mà dễ bị các phần tử xấu lợi dụng.

“Mình phải có những suy nghĩ, nhận định riêng trước một thông tin mà mình chưa chắc nó đã đúng. Bản thân cũng nên trang bị các kiến thức về xã hội, pháp luật và trau dồi các kỹ năng chắt lọc thông tin trên mạng xã hội. Khi quyết định trở thành một người dùng mạng xã hội, mình phải là người sử dụng thông minh, luôn giữ cái đầu lạnh trước “bể thông tin” trên internet”, Nguyễn Minh Thông (19 tuổi), ngụ 441/86/15, đường Điện Biên Phủ, P.25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM nói.

Tương tự Minh Thông, Trần Thảo Vy cho biết khi dùng mạng xã hội bản thân phải luôn nâng cao khả năng tự nhận thức, tiếp nhận thông tin để phân biệt thông tin thật, giả, đúng, sai và không để dư luận dắt mũi… Vì chân lý đôi khi không thuộc về số đông.

Người dùng mạng xã hội cần kiểm tra thông tin chính xác trước khi tìm hiểu, chia sẻ

N.V

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, anh Ngô Minh Hiếu, đang công tác tại Trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia cho biết: “Người trẻ không cung cấp hay chia sẻ bất kỳ thông tin nhạy cảm nào trên mạng xã hội. Chia sẻ thông tin danh tính, số điện thoại là cực kỳ nguy hiểm trên không gian mạng. Tin tặc có thể lấy toàn bộ thông tin danh tính, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, tài khoản email. Tin tặc chỉ cần tra cứu trên các diễn đàn của hacker, tốn khoảng 20.000 đồng sẽ có ngay các thông tin cá nhân”.

Theo anh Minh Hiếu, khi cảm thấy tin tức có vấn đề, mình có thể kiểm chứng, lấy tựa đề hoặc nội dung bài viết đó, tìm kiếm trên Google hoặc trên web của những trang báo chính thống để xem có bài viết đó hay không. Về hình ảnh, mình có thể dùng Google Image để truy vết hình ảnh đó có sử dụng cắt ghép hay là sao chép từ những nguồn khác hay không. Khi mà truy vết là hình trên Google, không liên quan, tìm kiếm nội dung bài viết này trên những trang báo chính thống cũng không có, chứng tỏ thông tin có độ tin tưởng rất là thấp.

Cũng theo anh Hiếu, người dùng mạng xã hội nên lưu ý các trường hợp kêu gọi từ thiện vì có nhiều trường hợp đánh vào tình thương, sự tin tưởng của con người, dựng lên những câu chuyện không có thật . Khi thấy một bài kêu gọi từ thiện dù đó là nghệ sĩ, KOL… cần phải kiểm tra, xác minh rõ thông tin trong nội dung bài viết, “trăm nghe không bằng mắt thấy”. Cách từ thiện tốt nhất là không nên từ thiện trên mạng xã hội. Hãy liên lạc với các cơ quan từ thiện chính thống như là Hội chữ thập đỏ, những trung tâm từ thiện chính thống...

Anh Hiếu cho biết để có thể báo cáo và kiểm chứng tin giả, người dùng lên trang web canhbao.ncsc.gov.vn của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia hoặc trang web tingia.gov.vn của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam(thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông). Đồng thời, nhận thấy tin xấu, giả mạo, độc hại trên mạng xã hội có thể gửi nội dung đó lên những trang báo chính thống để họ tìm hiểu, có thể đăng bài cảnh báo hoặc báo cáo cơ quan Nhà nước để ngăn chặn kịp thời.

“Khi dùng mạng xã hội không nhấn vào đường link độc hại, chia sẻ bài viết mà mình không kiểm chứng để tránh trở thành nạn nhân và người tung tin cho kẻ muốn lan truyền”, anh Hiếu lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.