Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Văn hoá ẩm thực vốn là cái đạo sống, đạo cư xử, có quan hệ chặt chẽ với những lĩnh vực tâm lý, tâm thức và tâm linh. Do vậy, pha lọc cà phê chẳng phải là chế tác đơn thuần một thức uống mà dù muốn dù không đã tạo dựng một phương thức trình hiện lối suy tư, cách sống của mỗi con người, mỗi dân tộc.
Cà phê là một ý nguyện sống
Cách pha chế cà phê cổ xưa nhất là văn minh cà phê Ottoman, phổ quát ở lãnh địa đế chế Ottoman, những nước Ả Rập thuộc các vùng trung cận đông và bắc Phi. Khởi nguyên từ một niềm tin có từ thời cổ đại: Thượng đế sinh ra vũ trụ vạn vật và con người, con người phải thuận theo Thiên ý, cả trong mọi hoạt động ăn mặc ở và sống.
Văn minh cà phê Ottoman hình thành trong cung điện đế chế Ottoman, nơi nhà bếp (Matbah-ı Şerif) được xem là “tu viện” giáo dục lý tưởng đạo đức và tinh thần Hồi giáo thông qua quy trình và nguyên tắc nấu - ăn. Thực phẩm được chọn lẫn thủ thuật chế biến luôn có sự gắn kết với các biểu tượng tinh thần.
Người Hồi giáo tin rằng, Thiên thần Gabriel đã tiết lộ cho nhà tiên tri vĩ đại Mohammed biết cách sử dụng cà phê trong một đoạn Kinh Koran. Và có rất nhiều truyền thuyết về “những người trung thành” với Thượng đế đã được cứu rỗi khi uống cà phê. Dù từ huyền thoại nào thì nguồn gốc cà phê cũng đã liên thông với thế giới thần thánh. Thế nên việc pha nấu và thưởng lãm văn minh cà phê Ottoman trở thành nghi lễ tâm linh thể hiện lòng sùng kính Thượng đế, nguyện được ban phước lành, được gần hơn với cõi thiên đàng.
Trong đức tin Hồi giáo, Thượng đế là Đấng toàn năng biết tất cả quá khứ lẫn tương lai, số phận cuối cùng của mỗi linh hồn được Thượng đế định đoạt. Vì thế, khi thưởng thức cà phê, tâm trí con người khởi lên một ý nguyện sống, gửi gắm một ước vọng về tương lai của chính mình. Để sau khi uống gần cạn cà phê thì úp ngược tách cà phê xuống đĩa, từ hình dạng tạo bởi bã cà phê mà tiên tri số mệnh và đường hướng dẫn dắt đến tương lai mong ước.
Cà phê là một khát vọng sống
Văn minh cà phê Roman ra đời ở châu Âu trong thời khai sáng, một thời đại phổ quát quan niệm phận số con người phải đặt trên cơ sở một lối sống được định hướng bởi lý trí. Con người khao khát làm chủ vận mệnh, thống trị tự nhiên, khẳng định vị trí trung tâm của mình đối với phần còn lại của vạn vật. Quan niệm này bắt nguồn từ những tiến bộ kỹ nghệ trong thời kỳ Phục Hưng, đặc biệt là từ các cuộc cách mạng công nghiệp khởi nguồn ở Tây Âu và sau này lan sang Bắc Mỹ, những khám phá khoa học và các ứng dụng kỹ thuật làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người ứng xử với tự nhiên và với đời sống của chính mình.
Năng lượng hơi nước là phát minh mở màn cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, các nhà khoa học trên khắp châu Âu nghiên cứu ứng dụng hơi nước trong việc pha chế cà phê. Năm 1884, “Máy hơi nước pha cà phê kinh tế và tức thời” của nhà phát minh người Ý - Angelo Moriondo được cấp bằng sáng chế, đây được xem là máy pha chế cà phê Espresso tiên phong sử dụng cả nước và hơi nước. Những năm đầu thế kỷ 20, máy Espresso tiếp tục được các nhà khoa học cải tiến cơ chế hoạt động bằng hơi nước. Cho đến năm 1938, Milanese Achille Gaggia (1895 - 1961) kết hợp nguyên lý hoạt động của piston tạo ra máy pha cà phê Espresso áp suất đầu tiên, mở ra kỷ nguyên cà phê Espresso hiện đại.
|
Công nghệ mang đến cho con người một tâm thế siêu vượt, một ý thức “nổi trội” hơn với các loài khác, với thiên nhiên và với vũ trụ. Trong trường hợp của cà phê Espresso, sáng tạo trong công nghệ chế biến cà phê góp phần vào tiến trình vinh thăng chất lượng cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế của con người. Con người từ sức mạnh sáng tạo, sức mạnh tri thức của chính mình, không còn nương tựa vào bất kỳ một lực lượng siêu nhiên nào bên ngoài cũng có thể cải thiện thế giới để đi tới một tương lai tốt đẹp trên trần thế.
Có thể khẳng định một điều, từ chiều kích tâm linh hay chiều sâu triết học, ngay trong nội hàm cách thức chế tác một tách cà phê ẩn tàng cả một đường hướng đối đãi với nhân sinh, vạn vật và vũ trụ. Cà phê đã là tấm lòng sống, đạo lý sống, khơi gợi một chí hướng hẳn hoi về sứ mệnh làm người.
|
Bình luận (0)