Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Không đơn thuần là thức uống, cà phê là lối sống
Văn minh vật chất là một trong những phương tiện cho sự tiến bộ của thế giới loài người. Tuy nhiên, tính nhân văn của vật chất chỉ có khi đời sống vật chất ấy giúp con người nhìn ra giá trị của tinh thần trong bản thể của vật chất, tạo điều kiện để con người hướng đến những mục đích cao cả hơn. Điều này có nghĩa vật chất phải chứa tinh thần và tinh thần cần vật chất để vinh thăng chính nó.
Theo chiều hướng đó, cà phê không bao giờ chỉ là cà phê. Mỗi loại cà phê có nghi thức thưởng lãm, chiều sâu văn hóa, giá trị biểu tượng… khác nhau. Thậm chí ngay cả bản chất của chiếc cốc được sử dụng để uống cà phê cũng hàm chứa một thông điệp riêng, biến cà phê thành một phương tiện thể hiện tư tưởng, cái hồn sự sống của con người. Do đó mà sự lựa chọn cà phê của một cá nhân luôn mang tính biểu thị văn hóa, phong cách sống của họ.
Trong việc tạo ra giá trị biểu tượng cho cà phê, các nhà sản xuất phương Tây đã tham chiếu căn tính văn hóa, các giá trị nghệ thuật, tính hiệu dụng cho đến mối tương tác của con người với tự nhiên. Có thể thấy phong cách thưởng lãm cà phê phương Tây, tiêu biểu là Espresso của Ý đã được kiến tạo từ nhân sinh quan, vũ trụ quan và sự tự ý thức về cuộc truy tìm căn tính của một bộ phận không nhỏ các quốc gia phương Tây.
Dụng phép so sánh để nhận diện rõ ràng hơn. Văn hóa trà Trung Hoa thấm đượm tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo và triết học Phật giáo. Cung cách thưởng trà là hiện thân đầy đủ những quan niệm đạo đức, lễ nghi của tam giáo. Trật tự chuẩn bị ẩm trà từ bản thân chất trà, không gian xung quanh, thời gian chuẩn bị, chén uống cũng như bộ đồ trà đều hài hòa tinh mỹ để tạo nên bối cảnh đạt tới lễ nghi – là căn cốt của một đời sống đức hạnh. Nội hàm cơ bản của Trà đạo Nhật Bản thì được minh định bởi các triết lý Thiền tông. Thưởng trà mà không phải thưởng trà, bởi cái huyền bí không nằm ở hương vị mà được tôn sùng trong đức tinh khiết và sự hòa hợp trong thao tác pha trà. Trà đã được coi trọng hơn là một thức uống, thưởng trà ẩn chứa cả một đạo lý sống, tu tâm dưỡng tính để tìm được chính bản thân mình. Đó là cái tinh thần của Đông phương.
Còn văn minh phương Tây vốn coi trọng năng lực chinh phục ngoại vật và tự do tư duy. Phẩm giá con người trước hết là sự thức tỉnh của mỗi người về bản chất của vạn vật, sáng tạo từng bước mở rộng biên giới của khoa học, làm nên sự phồn vinh xã hội. Trong thời kỳ hiện đại, văn minh phương Tây đạt những bước tiến nhảy vọt, vượt xa bất kỳ nền văn minh nào khác. Gần như mọi phát minh có ảnh hưởng sâu sắc lên đời sống nhân loại đều xuất phát tại phương Tây. Đặc biệt, từ cuối thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra tại châu Âu với quy mô chưa từng có đã làm xã hội thay đổi toàn diện các giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.
Cuộc cách mạng công nghiệp khởi sinh làn sóng công nghiệp hóa, tôn vinh quyền năng khoa học kỹ thuật. Tự do cá nhân từng bước chiếm thế thượng phong, con người sống theo lựa chọn lý tính hơn là tuân phục những triết lý thần học ngự trị thế giới phương Tây suốt hơn một ngàn năm trước. Các sản phẩm sáng tạo từ giai đoạn này cung ứng giá trị đặc biệt vì chúng góp phần giải quyết những khao khát và sự tự ý thức cá nhân cao độ. Những sản phẩm phổ quát có chức năng như biểu tượng văn hóa, mang đến sự khai thông trong tư duy, gieo mầm cho một cuộc chuyển đổi hệ giá trị mới, lối sống mới. Cà phê cũng đã nằm trong số đó.
Định dạng văn hóa cà phê phương Tây
Vào cuối thế kỷ 19, cà phê bắt đầu chuyển từ một sản phẩm mang đậm dấu ấn Ottoman sang sản phẩm công nghiệp biểu trưng cho văn minh Tây phương. Các nhà phát minh ứng dụng thành tựu động cơ hơi nước để sáng chế thiết bị pha chế cà phê. Năm 1844, Angelo Moriondo được cấp bằng sáng chế cho máy pha cà phê đầu tiên sử dụng hơi nước. Đến năm 1906, Luigi Bezzera và Desiderio Pavoni cải tiến thiết kế của Moriondo và giới thiệu cho cả thế giới về “Caffè Espresso - cà phê có thể phục vụ ngay lập tức”, mở ra kỷ nguyên văn minh cà phê Roman.
Những năm 1930, Espresso đã lan rộng trên toàn châu Âu và Mỹ Latinh. Khi cà phê trở thành một mặt hàng tiêu dùng đại chúng vào thế kỷ 20, các phong cách cà phê định danh quốc gia đã phát triển khắp Tây phương và bắt đầu vạch ra ranh giới khu vực. Người Đức có bộ lọc giấy Melitta. Người Ý có thêm ấm Moka. Người Pháp có bình pha cà phê French Press. Người Mỹ có Mr. Coffee và cà phê hòa tan,…
Công nghệ là nền tảng cơ bản cho những tiến bộ trong sản xuất cà phê phương Tây, nhưng bản thân điều này không đủ để tạo ra điểm bùng phát văn hóa thưởng lãm cà phê. Cuộc cách mạng cà phê phương Tây là câu chuyện về một loạt thay đổi hành vi xã hội và thực hành văn hóa xung quanh nó. Vốn dĩ, con người đón nhận hay không đón nhận một sản phẩm khi nhận ra giá trị chuyển tải trong sản phẩm có liên quan mật thiết đến sự sinh tồn và phát triển của bản thân. Cà phê mang trong mình năng lượng phát huy phẩm chất sáng tạo của con người, vì thế mà được chọn là thức uống “mẫu mực” trong giai đoạn nhảy vọt của phương Tây.
Kể từ buổi bình minh của văn minh nhân loại, thế kỷ 20 là thời kỳ mà khoa học công nghệ lẫn khoa học xã hội đều đạt đến độ chín hoàn toàn về trí tuệ, tiến bộ hơn tất cả các thế kỷ trước đó cộng lại. Quá trình cách mạng kỹ thuật nảy sinh các quy trình làm việc và hình thức tổ chức mới. Máy móc được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp. Xã hội chuyển đổi theo hướng công nghiệp, đô thị hóa và đại chúng hóa. Để đảm bảo cho khả năng tồn sinh, cạnh tranh và phát triển, các quốc gia buộc phải tăng cường năng lực sáng tạo, trao đổi trí tuệ và xã hội hóa tri thức. Có thể nói, năng lực sáng tạo là nguồn lực quan trọng cải thiện vị thế của một quốc gia và có lẽ là yếu tố quyết định đối với sự mở rộng tầm ảnh hưởng nền kinh tế quốc gia đó.
Cùng với sự thống trị của một bộ phận lực lượng sáng tạo, thế hệ cà phê mới đã được hình thành. Nếu thời đại khoa học công nghiệp làm thay đổi hẳn lối pha chế và thưởng lãm cà phê, thì đến lượt mình, cà phê lại là chất xúc tác thiết yếu cho sự vận hành của một xã hội công kỹ nghệ, khởi nguyên trên nền tảng triết lý sống và hành động kỷ cương, tốc độ của nền kinh tế. Đồng thời, cà phê còn là năng lượng phát huy năng lực sáng tạo, thăng hoa trí tuệ - là những tính chất cần thiết để con người đạt đến ngày mai của chính họ.
Văn hóa thưởng thức cà phê tăng đáng kể về chất và lượng, cả trong gia đình và ngoài hàng quán. Cà phê có mặt khắp các ngã đường, trong phòng làm việc, nhà máy, bếp ăn của các hộ gia đình, được uống dưới dạng đen hay pha với các nguyên liệu khác như đường, sữa, kem,… Cà phê là một phần nội tại của văn hóa phương Tây, đến nỗi thức uống này trở thành sản phẩm tiêu dùng chủ yếu, được truyền thông rầm rộ, biểu dương cho lối sống năng động, sáng tạo, dấn thân. Nửa cuối thế kỷ 20, khi nhận thấy cà phê cải thiện hiệu suất làm việc đáng kể, văn hóa “coffee break” đã phổ biến không chỉ ở Âu Mỹ mà ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Văn hoá cà phê đã góp công không nhỏ trong việc phát triển lối sống duy lý, tôn thờ năng lực sáng tạo và chủ nghĩa cá nhân trong lịch sử xã hội phương Tây. Từ việc liên tục sáng tạo công nghệ pha chế cà phê ngày một tối tân, cùng với việc phát triển nhiều thể loại cà phê phù hợp với mong muốn của từng lớp khách hàng cụ thể như “cà phê có đạo đức”, “cà phê bản địa”, “cà phê đặc sản”, “cà phê hương liệu”,… cà phê phương Tây đã có những bước tiến nhảy vọt, sau đó ảnh hưởng đến các xu hướng văn hóa khác trên toàn cầu.
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao
Đón đọc kỳ sau: Cà phê trong cách vận hành của quyền lực mềm.
Bình luận (0)