Kỳ 9: Từ đôi mắt sáng mở ra một cuộc đời mới

09/01/2018 08:00 GMT+7

Không ai có thể đánh giá về trình độ bác sĩ, về khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất chính xác cho bằng Giáo sư Donald Tan, người đã nhiều lần ra vào phòng mổ của Bệnh viện FV.

Anh H. đã yên tâm hoàn toàn để giao đôi mắt và cả tương lai của mình cho Bệnh viện FV. Để rồi đến ngày ra viện, anh H. bịn rịn chia tay các bác sĩ FV như chia tay những người tri kỷ đã gắn bó lâu lắm rồi. Họ thực sự đã mở cánh cửa sổ tâm hồn để anh nhìn thấy bầu trời xanh bao la trước mắt.

Bán nhà cứu mắt

Tôi biết về danh tiếng Khoa Mắt của Bệnh viện FV từ một giáo sư nhãn khoa thuộc hàng nổi tiếng nhất thế giới, sau chuyến đưa ông bác sang Singapore ghép giác mạc. Quyết định chọn Singapore được đưa ra sau rất nhiều thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến từ các bác sĩ cả trong và ngoài nước. Mổ xẻ, lại đụng tới bộ phận tinh tế, nhạy cảm và quan trọng như đôi mắt hẳn phải cẩn trọng gấp trăm lần so với bình thường. Nhưng không hẳn là bác tôi chọn Singapore. Bác tôi chọn bác sĩ: Giáo sư Donald Tan. Đó là cái tên nổi tiếng trên toàn thế giới, được xếp thứ 3 trong danh sách 100 bác sĩ nhãn khoa có sức ảnh hưởng nhất toàn cầu. Ông được vinh danh vì tài năng xuất chúng trong lĩnh vực điều trị và ghép giác mạc, không chỉ vì ông làm điều đó rất thành thạo mà còn vì ông đã dày công nghiên cứu và phát minh ra những phương pháp ghép giác mạc tân tiến, hiệu quả, tỷ lệ thành công cao. Ông bay từ Anh, sang Úc, tới Mỹ... để huấn luyện bác sĩ bắt kịp những phương pháp phẫu thuật hiện đại cũng như những kỹ thuật tinh vi của mình.

Trở về nước với con mắt sáng lần đầu tiên sau 20 năm, cuộc đời của bác tôi rẽ sang một trang tươi sáng mới với sự tự lập và tự tin tuyệt vời mà bác đã đánh mất theo màn sương mờ đục giăng trước mắt trong gần 2 thập niên qua. Giáo sư Donald Tan đã trở thành ân nhân của gia đình tôi như thế. Nhưng dẫu sao, đó là những chuyến đi qua về, chữa trị và mổ xẻ rất tốn kém. Bác tôi đã phải bán căn nhà mà bác dự định sẽ trang trải cho tuổi già để cứu con mắt.

Giao tương lai cho Bệnh viện FV

Không may, một người con của bác là anh N.T.H sau này cũng bị bệnh lý giác mạc, thị lực bắt đầu giảm sút nghiêm trọng. Tất nhiên, Giáo sư Donald Tan là cái tên đầu tiên mà gia đình bác nghĩ tới dẫu áp lực tài chính lần này còn đè nặng hơn. Email từ Giáo sư Donald Tan khiến bác vô cùng mừng rỡ: không cần phải qua Singapore nữa, chính tay Giáo sư Donald Tan thực hiện ghép giác mạc tại Bệnh viện FV từ năm 2016. Gánh nặng tài chính được trút bỏ hơn phân nửa. Nhưng không thể không còn một chút lo lắng. Liệu một bệnh viện ở VN có thể đảm bảo an toàn cho con mắt mong manh nhạy cảm của anh H. - một thanh niên còn cả một tương lai rộng mở phía trước? Mắt phải của anh đã mất trong một tai nạn từ nhỏ, anh chỉ còn một con mắt duy nhất. Chỉ một chút sơ suất, tương lai đó có thể sẽ chỉ còn toàn màu đen theo đúng nghĩa đen.

Nhưng Bệnh viện FV là sự lựa chọn của một giáo sư nhãn khoa được xếp hàng thứ 3 thế giới, của người từng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Giác mạc châu Á, của bác sĩ được các bệnh viện khắp Âu, Mỹ xếp hàng mời đến…

Sẽ không thể có chuyện bác sĩ Donald Tan lại đánh cược uy tín của mình tại một nơi không đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất để đảm bảo sự thành công trong từng ca mổ của ông. Sự bình tâm suy xét khiến chúng tôi vững dạ. Lời khẳng định sau đó từ chính vị giáo sư tài ba càng khiến gia đình chúng tôi yên tâm hơn: "FV thật sự là siêu bệnh viện đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế JCI với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn rất cao; máy móc, thiết bị trong phòng mổ rất hiện đại; có những kỹ thuật không thể làm ở đâu khác ngoài FV". Không ai có thể đánh giá về trình độ bác sĩ, về khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất chính xác cho bằng Giáo sư Donald Tan, người đã nhiều lần ra vào phòng mổ Bệnh viện FV. Anh H. đã yên tâm hoàn toàn để giao đôi mắt và cả tương lai của mình cho Bệnh viện FV.

Bệnh nhân "kê toa" cho bác sĩ

Còn một điều vô cùng quan trọng khác mà chúng tôi đã cảm nhận được qua chính trải nghiệm từ những lần cùng anh H. đến khám, điều trị trước và sau ca mổ ghép giác mạc: sự tận tụy, toàn tâm toàn ý như không bao giờ biết mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ ở đây. Ra viện, anh H. bịn rịn chia tay các bác sĩ như chia tay những người tri kỷ đã gắn bó lâu lắm rồi. Họ thực sự đã mở cánh cửa sổ tâm hồn để anh nhìn thấy bầu trời xanh bao la trước mắt.

Sau này, trong một lần có cơ hội gặp bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Mắt của Bệnh viện FV, tôi phần nào hiểu được nguồn sức mạnh đã thôi thúc chị và các đồng nghiệp chiến đấu bền bỉ cả ngày lẫn đêm không mệt mỏi, giành giật lại ánh sáng cho bệnh nhân. Tôi được nghe vị bác sĩ dày dạn kinh nghiệm kể về những chuyến đi mổ từ thiện liên tục ở những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi chị đã mang lại ánh sáng cho không biết bao nhiêu cụ ông, cụ bà nghèo khó phải chịu cảnh mò mẫm trong bóng đêm, mở cánh cửa tương lai cho không biết bao nhiêu thanh niên, thiếu nữ bị bức tường bóng tối chắn ngang trước mắt…Chúng tôi nghe chị kể về những bệnh nhân loét giác mạc nghiêm trọng đến gần như là thủng mắt đến Bệnh viện FV với hy vọng mong manh cuối cùng vì nhiều nơi khác đã đề nghị múc mắt. Chị bảo trước khi nhận điều trị những ca này, chị cũng phải cân nhắc rất nhiều về khả năng đáp ứng của bản thân và bệnh viện nhưng chỉ cần thấy có một tia hy vọng, chị không bao giờ từ bỏ. Bởi đó đã là tiêu chí chung của cả bệnh viện.

Bác sĩ Mai kể về cụ bà lưng còng vừa nhìn thấy ánh sáng sau ca mổ đục thủy tinh thể đã lao đến quỳ xuống chân chị, làm chị vô cùng bối rối, vội vã đỡ cụ dậy. Chị nhớ lại: “Tôi vỡ ra một điều: người bác sĩ khi mang lại điều tốt đẹp cho bệnh nhân tức là đem lại hạnh phúc vô bờ cho họ”. Đó là ca mổ đầu tiên của chị và suốt mấy chục năm sau, điều chị nhận ra trong lần đầu tiên cầm dao mổ vẫn cứ mãi là sức mạnh vô biên thôi thúc chị mỗi ngày nỗ lực hết sức vì bệnh nhân, dẫu cương vị của chị giờ đây gánh nhiều trọng trách, áp lực và vất vả hơn rất nhiều so với xưa kia.

Đối lập với hình ảnh vị bác sĩ Mai trưởng khoa điềm đạm, đôn hậu là anh bác sĩ trẻ sôi nổi hừng hực nhiệt huyết Hoàng Chí Tâm. Anh ho hung hắng giữa những ngày Sài Gòn bất ngờ trở lạnh. Nhưng lòng anh rất ấm áp. Với nụ cười tươi rói, anh chỉ tay vào hộp kẹo ngậm ho để trên bàn làm việc và khoe: "Của bệnh nhân cho bác sĩ đấy". Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên vì "chuyện ngược đời", anh cười giòn tan kể có một bệnh nhân vào khám mắt thấy anh ho, hôm sau đã quay lại mang theo hộp kẹo ngậm, bảo rằng bác ấy đã ngậm loại kẹo ho này và thấy rất hiệu nghiệm nên mang đến cho bác sĩ. Với anh, những tình cảm ấm áp như thế là sức mạnh bất tận giúp cho đôi bàn tay khéo léo của anh thêm sự bền bỉ trong các ca vi phẫu, đụng chạm tới các mạch máu bé xíu, các tế bào cực kỳ nhạy cảm trong hành trình bền bỉ mở ra những cánh cửa sổ tâm hồn, mở toang tương lai cho các bệnh nhân ở Bệnh viện FV.

(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.