Kỳ án kim cương xanh

23/04/2016 11:31 GMT+7

PV Thanh Niên đã gặp gỡ người gây ra vụ trộm chấn động khiến quan hệ ngoại giao giữa Ả Rập Xê Út và Thái Lan trắc trở đến tận ngày nay.

PV Thanh Niên đã gặp gỡ người gây ra vụ trộm chấn động khiến quan hệ ngoại giao giữa Ả Rập Xê Út và Thái Lan trắc trở đến tận ngày nay.

Nhà sư Wachila Yano, tức Kriangkrai Techamong, tại chùa Tha Makwaen	- Ảnh: Lam YênNhà sư Wachila Yano, tức Kriangkrai Techamong, tại chùa Tha Makwaen - Ảnh: Lam Yên
Gần 30 năm trước, một viên kim cương xanh 50 carat thuộc hàng lớn nhất thế giới bị một người Thái Lan đánh cắp từ cung điện hoàng gia Ả Rập Xê Út. Từ đó kéo theo hàng loạt những vụ giết người bí ẩn, bê bối chính trị và căng thẳng ngoại giao chưa có hồi kết giữa hai nước.
Vụ trộm thế kỷ
Năm 1989, Kriangkrai Techamong làm giúp việc trong cung điện của hoàng tử Faisal bin Fahd (1945 - 1999), con trai Quốc vương Fahd (trị vì từ 1982 - 2005) ở thủ đô Riyadh. Tuy mức lương khá cao, đủ để dành dụm gửi về quê nhà nhưng Kriangkrai vẫn không bằng lòng.
Vào một đêm, nhân lúc cung điện vắng người, ông đột nhập phòng riêng của hoàng tử Faisal, phá két lấy đi gần 90 kg đồ trang sức và đá quý trị giá khoảng 20 triệu USD theo thời giá lúc đó. Đặc biệt trong số này có viên kim cương xanh 50 carat, được xem là một trong những viên đá quý lớn nhất thế giới.
Kriangkrai giấu tất cả trong một thùng đựng máy hút bụi rồi gửi chuyển phát nhanh về Thái. Sau đó, ông bỏ trốn về quê nhà ở tỉnh Lampang, miền bắc Thái Lan và nhanh chóng tẩu tán số của cải trộm được với giá rẻ mạt.
Sau khi nhận tin báo từ Ả Rập Xê Út, Thái Lan lập tức mở cuộc điều tra do trung tướng cảnh sát Chalor Kerdthes đứng đầu. Năm 1990, Kriangkrai bị bắt và hầu hết số trang sức được hoàn trả. Mọi chuyện tưởng đã có kết thúc êm đẹp, nhưng bất ngờ chính quyền Ả Rập Xê Út tuyên bố phần lớn đều là đồ giả và quan trọng hơn, viên kim cương xanh to như quả trứng gà vẫn mất tích. Cùng lúc, truyền thông Thái Lan đăng tải nhiều bức ảnh chụp tại một buổi dạ tiệc cao cấp cho thấy vợ của một số quan chức địa phương đeo trang sức rất giống với những thứ bị Kriangkrai lấy cắp.
Sau đó, chính quyền Riyadh phái 3 nhà ngoại giao đến Bangkok để điều tra nhưng cả ba bị một số tay súng lạ mặt bắn chết ngay giữa thủ đô Thái Lan. Vài ngày sau, đến lượt một đặc phái viên của hoàng gia Ả Rập Xê Út mất tích bí ẩn. Đến nay, tung tích viên kim cương và những vụ án này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Ả Rập Xê Út vẫn giữ quan điểm rằng “vẫn còn rất nhiều mờ ám liên quan đến cảnh sát Thái Lan” trong những vụ việc nói trên. Tại nước này cũng có rất nhiều ý kiến cáo buộc giới chức cấp cao Thái Lan chiếm đoạt số của cải bị mất cắp.
Hậu quả là quan hệ song phương một thời nồng ấm trở nên lạnh nhạt. Đã gần 30 năm trôi qua nhưng Ả Rập Xê Út vẫn không bổ nhiệm đại sứ tại Thái Lan, cấm công dân của mình sang Thái du lịch, ngừng cấp giấy phép lao động cho người Thái và đình chỉ giao thương.
Đi tu giải nguyền
Về phần “siêu trộm” Kriangkrai, ông bị tuyên án 7 năm tù giam vào năm 1990 nhưng được trả tự do vào năm 1993 nhờ thành khẩn khai nhận. Về làng, ông an phận làm ruộng, chở gạch đá... để kiếm tiền sinh sống nhưng cuộc đời lại liên tục gặp nhiều chuyện xui rủi, không như ý.
Đến tháng 3.2016, Kriangkrai bất ngờ tuyên bố đi tu với pháp danh Wachila Yano (nghĩa là “người có trí tuệ như kim cương”) tại ngôi chùa nhỏ gần nhà.
Tôi đến ngôi chùa nhỏ Tha Makwaen ở huyện Thoen, tỉnh Lampang vào một ngày cuối tháng 4 trong cái nóng gần 40 độ C. Với nụ cười hiền hòa, cách nói chuyện nhỏ nhẹ, từ tốn, khó có thể tin được người trước mặt tôi chính là kẻ trộm khét tiếng. Biết tôi là phóng viên, ông cho biết từ khi mình đi tu, báo chí cũng đến thường xuyên. Nếu là trước đây có lẽ ông đã tránh mặt vì không muốn nhắc lại chuyện quá khứ. Tuy nhiên, một trong giới luật của nhà chùa là không được từ chối tiếp người dân đến thăm nên ông đồng ý tiếp chuyện nhưng chỉ được một chút.
“Hồi đó thấy tài sản hớ hênh nên tôi nổi lòng tham chứ cũng đâu biết gì về kim cương. Sau này khi bị bắt, tôi mới biết giá trị thật sự của số đá quý đó nhưng biết sợ thì đã muộn”, ông kể với Thanh Niên.
Kriangkrai quyết định đi tu ở tuổi 59 nhằm chuộc lại tội nghiệt sau khi đã xong trách nhiệm với gia đình. “Tôi tin rằng tất cả những bất hạnh gặp phải là hậu quả của lời nguyền từ viên kim cương tôi lấy trộm. Tôi quyết định dành phần đời còn lại để sám hối, chuộc lại nghiệp xấu đã gieo. Phần nữa gia đình tôi có 7 anh chị em, nhưng chưa ai đi tu, nên tôi muốn đi tu để báo hiếu cha mẹ. Tôi có một đứa con trai hơn 30 tuổi đang làm việc ở Bangkok. Vợ con tôi và cha mẹ đều rất ủng hộ”, ông bộc bạch với Thanh Niên.
Tài sản hiện giờ của Kriangkrai là những chiếc bình bát, vài cuốn sách, mấy chai nước. Tất cả được xếp gọn một góc trong chính điện. Sáng dậy lúc 4 giờ, vệ sinh cá nhân rồi đi khất thực đến 7 giờ. Phần lớn thời gian trong ngày để tĩnh tâm và đọc sách. Nếu buồn ngủ thì đi bộ quanh vườn rồi vào đọc sách tiếp. Tối đi ngủ lúc 9 giờ.
“Đi tu ông có gặp khó khăn gì không?”, tôi hỏi. “Có chứ. Đi tu tôi chỉ ăn một bữa trước 12 giờ trưa nên đói lắm (Thái Lan theo hệ phái Phật giáo Nguyên thủy, chỉ ăn 1 bữa trước ngọ), thời gian đầu rất khó chịu. Tháng đầu tiên tôi sụt mất 5 kg. Giờ thì quen rồi”, ông cười trả lời.
Khi chuẩn bị chào tạm biệt, ông tò mò mượn cuốn sổ của tôi để xem tiếng Việt viết thế nào, hỏi lại tôi làm báo nào, cách phát âm chữ “xin chào” ra sao. Ông hí hoáy ghi chú gì đấy bằng tiếng Thái rồi bất chợt đọc to: “Xin chào Báo Thanh Niên” và bật cười thích thú. Nụ cười an nhiên sau bao nhiêu thăng trầm trong cuộc đời.
Lời nguyền viên kim cương xanh
Từ lâu, tại Thái Lan đã lưu truyền đồn đại về một lời nguyền quái ác nhằm vào những ai dính líu đến viên kim cương xanh bị lấy cắp. Chẳng biết có phải do lời nguyền ứng nghiệm hay không mà Kriangkrai sau khi mãn hạn tù đã liên tục gặp bất trắc, làm ăn không thuận lợi, gia đình không yên ấm. Đầu năm nay, ông gặp tai nạn giao thông suýt chết và sau đó ông quyết định đi tu.
Rùng rợn hơn nữa là hồi năm 1994, vợ và con trai 14 tuổi của một người thợ kim hoàn tên Santi Srithanakhan bị bắt cóc và sát hại. Santi bị nghi là giúp Kriangkrai tẩu tán phần lớn số trang sức lấy được, thậm chí là người làm giả hàng để Thái Lan trả lại cho Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho những cáo buộc này.
Do áp lực từ Riyadh, chính quyền Bangkok nỗ lực điều tra vụ án mạng và sau đó bắt giữ trung tướng Chalor, lãnh đạo cuộc điều tra vụ trộm. Năm 2009, ông này bị tuyên án tử hình về tội chủ mưu bắt cóc, giết người với mục đích chiếm đoạt số hàng từ Santi. Sau đó, ông được giảm án còn 50 năm tù giam và đến năm 2013 thì được ân xá phóng thích với lý do tuổi cao, bệnh tật. Cựu sĩ quan này từng nói với báo chí Thái: “Đồ trang sức và đá quý trộm từ Ả Rập Xê Út đã mang lại vận rủi cho những người không phải là chủ sở hữu thật sự”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.