Kỳ bí giếng cổ - Kỳ 2: Giếng nước ngọt giữa biển khơi

10/11/2015 06:07 GMT+7

Một giếng cổ trong xóm Cấm nằm ở đảo Cù Lao Chàm ngoài khơi TP.Hội An, Quảng Nam đã và đang là nơi cung cấp nguồn nước ngọt mát lành quanh năm cho người dân trên đảo.

Một giếng cổ trong xóm Cấm nằm ở đảo Cù Lao Chàm ngoài khơi TP.Hội An, Quảng Nam đã và đang là nơi cung cấp nguồn nước ngọt mát lành quanh năm cho người dân trên đảo.

Giếng cổ xóm Cấm giữa biển khơi là nơi du khách rất thích thú tìm đến khi tham quan đảo Cù Lao Chàm - Ảnh: Trịnh LyGiếng cổ xóm Cấm giữa biển khơi là nơi du khách rất thích thú tìm đến khi tham quan đảo Cù Lao Chàm - Ảnh: Trịnh Ly
Đặt chân đến Cù Lao Chàm sau hành trình lắc lư trên chiếc thuyền gỗ, vài người trong chúng tôi vẫn còn cảm giác say sóng váng vất trong đầu. Một người dân bản địa thấy vậy liền kéo chúng tôi đi thoăn thoắt về hướng khu dân cư, vừa đi vừa giới thiệu là đang trên đường vào xóm Cấm. Đến đoạn ngã ba đường bê tông của khu dân cư này, người tốt bụng ấy dừng lại ở một cái giếng rộng miệng. Cả nhóm ào đến, người lấy gàu múc nước rửa mặt, người đưa nguyên mặt xuống vòm giếng để hít cái khí mát dịu ngọt tỏa lên từ thành giếng. Cảm giác ngây ngây say sóng dường như biến mất trước vị ngọt lành của nước giếng. Ai cũng đùa “Nước ở giếng này thật thần kỳ!”. Và thật bất ngờ, thì ra giếng nước mà chúng tôi tiếp cận khi ấy lại là một giếng cổ nổi tiếng ở đảo Cù Lao Chàm.
Giếng cổ xóm Cấm khá kỳ lạ, khi tồn tại ở giữa hòn đảo giữa biển khơi nhưng lại có dòng nước ngọt lành. Những bậc cao niên trong làng đều cho rằng giếng này đã có từ rất lâu đời. Đời ông, đời bà của họ cũng đã sử dụng giếng này để làm nguồn nước uống chưa một ngày vơi cạn dù là mùa khô hanh. Giếng cổ có cấu trúc giống giếng Chăm cổ ở Hội An với thân giếng hình ống tròn, nền giếng hình vuông, có độ sâu khoảng 5 m. Anh Võ Hồng Việt, Phó phòng Di tích Trung tâm quản lý và bảo tồn di tích TP.Hội An, Quảng Nam, cho hay kết cấu của giếng cổ xóm Cấm qua nhiều lần người dân trong vùng trùng tu, sửa chữa, đã phần nào thay đổi.
Cũng theo thông tin từ Trung tâm quản lý và bảo tồn di tích Hội An, từ những nguồn tư liệu thư tịch cổ mà trung tâm sưu tầm được, từ thế kỷ thứ 15 - 18, Cù Lao Chàm đóng vai trò quan trọng trên bản đồ hàng hải quốc tế ven Biển Đông và là điểm dừng chân quen thuộc của thương thuyền nhiều nước phương Tây lẫn phương Đông trên hải trình dọc theo các con đường hương liệu, tơ lụa, gốm sứ trên biển... Và không ít thương thuyền chọn Cù Lao Chàm là điểm để tích trữ lương thực, mua bán nước ngọt... dành cho hành trình dài của mình. Chiếc giếng cổ xóm Cấm vì vậy, theo nhiều nghiên cứu đặt ra, chính là nguồn cung cấp nước ngọt không chỉ cho người trong vùng mà cả hằng hà sa số những thương thuyền, mang lại nguồn thu vô cùng lớn cho người dân ở hòn đảo này. Nhờ vậy người dân ở đảo Cù Lao Chàm có cuộc sống no ấm.
Những bí ẩn chưa có lời giải
Võ Hồng Việt vốn là cán bộ chuyên nghiên cứu, khảo sát về giếng cổ tại Hội An. Anh chia sẻ, trong nhiều lần đối chiếu với những nguồn tư liệu cổ, cùng với cấu trúc của giếng, các nhà chuyên môn cho rằng giếng cổ xóm Cấm có tuổi đời trên 200 năm. Trên đảo Cù Lao Chàm còn có 2 giếng cổ khác, nhưng chỉ có giếng xóm Cấm vẫn còn sử dụng. “Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa sưu tầm được những tư liệu, văn bản nào đề cập đến việc xây dựng giếng để có thể xác định niên đại cụ thể”, anh cho biết. “Để xác định rõ niên đại giếng cũng cần phải có một nghiên cứu khảo cổ và kiểm nghiệm những vật dụng làm nên giếng cổ”.
Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm quản lý và bảo tồn di tích TP.Hội An, làm thế nào cách đây vài thế kỷ người Chăm xác định được nơi đào giếng để có nguồn nước ngọt giữa biển khơi vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải. Chỉ biết rằng người Chăm xưa - vốn hết sức nổi tiếng trong việc phát hiện mạch nước ngầm - cũng là những người hết sức kỹ lưỡng trong việc đào giếng. Bằng kinh nghiệm của mình, họ đã tìm ra mạch nước ngọt giữa biển, đào đúng độ sâu và khơi thông nó. Đáng nói, mạch nước này luôn đầy quanh năm với nguồn nước ngọt dồi dào. Họ làm thế nào để xếp chồng những viên gạch lên nhau mà không có vữa kết dính, tạo ra các kẽ hở để nước từ trong lòng đất chảy vào giếng, tạo cho mực nước luôn duy trì ở mức cao cũng là điều đang cần phải nghiên cứu.
“Dù có sử dụng phương pháp nào đi nữa thì người đào và xây giếng này phải là những nghệ nhân có tay nghề rất cao, sở hữu vốn kinh nghiệm vô cùng phong phú để nước trong và ngọt, đặc biệt không bao giờ khô kiệt”, anh Việt khẳng định.
Di tích quốc gia
Hiện nay, giếng cổ xóm Cấm đã trở thành một trong những điểm thu hút du khách đến đảo Cù Lao Chàm. Rất nhiều câu chuyện “tích xưa” được thêu dệt, như uống nước giếng có thể chữa say sóng biển; hay yêu nhau uống nước giếng sẽ được sống đến răng long đầu bạc cùng nhau... Nhưng đó chỉ là những câu chuyện có thể được dựng lên để cho chiếc giếng thêm ly kỳ, thú vị. Năm 2006, giếng cổ này đã được công nhận là di tích quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.