Hạn hán lớn cỡ nào thì 2 giếng nước tại đảo Tam Hải (H.Núi Thành, Quảng Nam) cũng không cạn nước.
Người dân Tam Hải lấy nước tại giếng cổ - Ảnh: Hoàng Sơn |
Nguồn nước ngọt thanh bao đời nuôi sống những làng chài trở thành thứ nước thiêng đối với người dân nơi này.
Giếng hàng trăm tuổi
Ai một lần nếm nước giếng cổ cũng khen ngon, vị ngọt thanh, mát lành khó lý giải. Nhưng dễ tả nhất là đem nước pha trà thì trà thơm, nấu cơm cho cơm dẻo. Đặc biệt, rượu gạo Tam Hải được nấu từ nước giếng ngon nức tiếng.
Cụ bà Lê Thị Lanh (86 tuổi) thậm chí còn bảo rằng, cháu bà đứa nào ở xa về hay đau ốm, xanh xao cứ ở chơi vài bữa, uống nước lấy từ giếng cổ là da dẻ lại hồng hào, mập mạp trông thấy. Cụ Lanh cho biết, nguồn nước này được “cất” từ ngọn núi Bàn Than linh thiêng, nhỉ ra qua từng vỉa tầng đất đá mà đổ về 2 cái giếng nằm ở bãi Nồm và bãi Bấc ngày nay. “Gắn bó với mảnh đất này dễ gần cả thế kỷ, tui chưa bao giờ thấy nước giếng cạn khô. Năm hạn nhất nước nhỉ ra có chậm hơn một tí nhưng độ ngọt thì không khi nào vơi đi”, cụ Lanh nói.
Hôm chúng tôi có mặt trước giếng cổ ở bãi Bấc đúng dịp rằm tháng 7. Mùa này mực nước xuống thấp nên thấy cả đáy giếng với những khối đá đen huyền bí. Miệng giếng rộng chừng 2 m, sâu khoảng chừng chục mét. Xung quanh thành giếng rêu phong phủ đầy nhưng để ý kỹ thì thấy được ốp xây bằng loại đá ong, tỉa tót vuông vức. Đáy giếng hơi nghiêng. Nước từ khối đá đen cứ thể chảy tràn ra ngoài rồi tích tụ vào một cái hang nhỏ dưới đáy. Người đi múc nước giếng cũng phải biết cách mới lấy được nước bởi không phải cứ thả gàu xuống là có ngay. Mà phải chờ, để chiếc gàu lăn vào trong hang xuống chỗ trũng, ngập xuống vũng nước rồi nhẹ nhàng kéo lên. Các mẹ, các chị nhiều người loay hoay cả buổi nhiều khi chỉ “vét” được vài chục lít nước. Ấy vậy mà ai cũng sẵn lòng chờ, miễn là có nước từ giếng đem về nhà nấu ăn.
Lớp người già nhất làng Thuận An ai cũng có thể vanh vách “độ ngon” của nguồn nước nhưng không ai biết rõ giếng được đào từ năm nào. “Chỉ có thể nói là giếng rất… cổ. Thuở còn nhỏ, tui nghe nhiều người già bảo cả 2 cái giếng đều được người Chiêm Thành đào cùng lúc. Đến bia đá cũng mòn, không còn giữ lại được một ký tự thì đủ biết giếng cổ đến mức nào”, bà Phạm Thị Bông (60 tuổi) chỉ tay vào tấm bia đá cẩm thạch được dựng cạnh đó nói. Nhiều tài liệu viết về đất Tam Hải ghi người Việt vào vùng đất này cùng với cuộc di dân lần thứ nhất là năm 1403. Chiếu theo sử cũ, nếu 2 giếng cổ thực sự là do người Champa đào nên thì nay đã có tuổi thọ ít nhất trên 600 năm.
“Bầu sữa” của đảo
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, khi bàn về những giếng cổ được cho là xây dựng từ thời Champa xưa cho rằng nguồn nước từ các giếng này đều rất tốt, xanh trong và không bị nhiễm phèn. Đối với người Tam Hải có lẽ không gì quan trọng bằng việc cả 2 giếng cổ trở thành “bầu sữa” nuôi sống biết bao thế hệ. Do vậy, người trong làng ý thức phải bảo vệ nguồn nước thiêng liêng ấy luôn được trong lành.
Nhiều bậc cao niên trong làng cho biết, các gia đình ở xã đảo có tàu ra khơi đánh bắt đều chuẩn bị cho mình ít nước giếng cổ để dành uống dần. Bởi nhờ nguồn nước ngọt giữa bốn bề nước mặn sẽ giúp người đi biển khỏe khoắn hơn. Không ít hộ dân trên xã đảo có giếng đào, giếng khoan nhưng tuyệt nhiên không nhà nào có được nguồn nước như ở 2 giếng cổ. Theo lời kể của các cụ già, năm 1964 nghe tiếng nước giếng cổ ngọt ngon, quân Mỹ đến đóng tại Tam Hải đã tìm cách đào thêm giếng cạnh đó nhưng nước không như giếng cổ. Đến năm 1970, Sư đoàn 2 (thuộc quân đội VNCH) đào một cái giếng khác ở bãi Nồm cũng không “bắt” được mạch nước.
Ngày nay, người dân có thể tự lọc nước để dùng hoặc thậm chí mua nước đóng bình cỡ lớn về sinh hoạt vẫn rẻ hơn so với việc phải bỏ công đi xa hàng km để lấy nước từ 2 giếng cổ. Ấy vậy mà không chỉ trong thôn Thuận An mà cả xã Tam Hải, hay ở những nơi xa hơn, người dân nghe tiếng vẫn tìm về 2 giếng nước này để lấy nước. “Dù đông đúc và luôn có người chầu chực nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng tranh giành nhau. Nếu quá đông, người đến trước tự ý bỏ xô chờ, người đến sau tiếp tục nối vào đó đợi đến lượt. Có khi người dân phải “canh” suốt đêm, xếp hàng dài cả cây số để có vài chục lít nước”, ông Nguyễn Hữu Khoa, Bí thư Chi bộ thôn Thuận An cho biết. Vì lượng người đổ về lấy nước ngày càng đông nên chính quyền địa phương đã lên phương án giữ gìn và bảo vệ giếng cổ, tránh sự xâm hại từ con người. Giếng cổ giờ có người trông coi, có kinh phí để đảm bảo việc duy tu. Từ năm 1934 đến nay, 2 giếng cổ đã trải qua 4 lần tu bổ.
Trọng điểm phát triển du lịch Quảng Nam
Một lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho hay hiện Sở đã có chủ trương phát triển du lịch phía nam và tây của tỉnh. Theo đó, Tam Hải là một trong những điểm trọng điểm để đầu tư về hạ tầng du lịch thu hút du khách.
Sở sẽ hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng như ở Hội An. “Trước đây, từng có dự án đầu tư hàng tỉ USD di dời người dân Tam Hải đến nơi khác để nhường đất làm du lịch nhưng cuối cùng đã rơi vào quên lãng. Có khi đó lại là cái may cho Quảng Nam vì tránh được sự xáo trộn quá lớn khi phải giải tỏa hàng trăm hộ dân”, vị này nói.
|
Bình luận (0)