Có rất nhiều lời đồn đoán về kho gia bảo tùy táng của Chưởng hữu quân Quận công Nguyễn Văn Nhân và phu nhân, còn gọi là 'Lăng quan lớn Sen', trong khu nghĩa trang dòng họ của Nguyễn Văn Nhân thuộc địa phận ấp Đông Quới (Quế), xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Toàn cảnh lăng mộ Quận công Nguyễn Văn Nhân - Ảnh: L.C.T |
Theo gia phả họ Nguyễn được lưu tại đền thờ Kinh Môn Quận công Nguyễn Văn Nhân, do các hậu duệ là Nguyễn Bá Sung, Nguyễn Bá Yên soạn lại, năm 1920 nước sông Tiền lên cao, xói mòn khu lăng mộ. Dòng họ và chính quyền địa phương đã cải táng đưa lăng mộ của ông và phu nhân về an táng tại vị trí hiện nay. Tương truyền, khi đào đến huyệt mộ, có rất nhiều châu báu là những vật dụng được vua ban tặng và gia sản của đại thần Nguyễn Văn Nhân được chôn theo.
Hiện tại, lăng mộ Nguyễn Văn Nhân và phu nhân vẫn còn giữ lại 2 tấm bia mộ của ông bà. Bia được đặt dựng ốp sát tường hậu của nhà mộ, bia ông bên tả, bia bà bên hữu, kích thước bằng nhau: cao 110 cm, rộng 80 cm. Cả hai bia mộ đều chung một phong cách kỹ thuật là trán bia chờm ngang ra hai bên, chạm khắc hình hoa lá hóa long thuộc đồ án lưỡng long tranh châu; diềm bìa chạm khắc hình hoa cúc, hoa mai dạng dây uốn lượn hình sin rất tinh xảo. Theo tư liệu hiện biết, thì đây là hai tấm bia mộ có hoa văn đặc sắc và tinh xảo nhất trong hệ thống lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ. Trong quần thể khu lăng mộ còn có một số ngôi mộ của thân quyến, trên bia mộ đều khắc ghi nội dung là những người được triều đình ban sắc chức tước, tập ấm...
Việc có những lời đồn đoán về kho gia bảo tùy táng của hai ông bà không phải là ngẫu nhiên. Nguyễn Văn Nhân từng được giao nắm giữ nhiều trọng trách trong triều đình nhà Nguyễn. Tương truyền trong thời gian làm Tổng trấn thành Gia Định, ông từng được vua Gia Long ban tặng thanh gươm vàng nạm đá quý. Năm 1822, khi Nguyễn Văn Nhân chết, ông được vua Minh Mạng ban tặng 1.000 quan tiền, 300 lạng bạc, 2 cây gấm chân kim, 3 cây gấm Tống, 30 tấm lụa. Đến hôm đám đưa về Gia Định, vua ngự giá đến nhà, thân rót rượu cúng. Ngày an táng, vua ban nghỉ chầu, cấp cho 10 người mộ phu. Năm 1824, nhà vua cho con của Nguyễn Văn Nhân là Nguyễn Văn Thiện lấy trưởng công chúa là Ngọc Khuê; người con gái Nguyễn Văn Nhân là Nguyễn Thị Nhiệm được vào cung làm Lệnh phi của vua Thiệu Trị... Quyền thế và gia thế của dòng họ Nguyễn Văn Nhân hẳn đã thu hút sự chú ý của những kẻ đạo tặc. Người ta đồn rằng đã có người nhìn thấy những thỏi vàng ròng, thanh gươm vàng nạm đá quý do vua Gia Long ban tặng, cân đai mũ mão đại triều và thường triều... ở khu mộ Nguyễn Văn Nhân, nhưng trong chốc lát những bảo vật này biến mất.
Không rõ nguồn gia bảo tùy táng của Nguyễn Văn Nhân và phu nhân với số lượng là bao nhiêu và gồm những loại gì, tuy nhiên, hậu duệ và nhân dân trong vùng cho biết thời Pháp thuộc nguồn gia bảo này đã bị người Pháp đem đi, sau đó không rõ hiện nguồn báu vật này đang lưu lạc ở đâu.
Năm 1969, hậu duệ Nguyễn Văn Nhân tu bổ và tôn tạo lại toàn bộ khu nghĩa trang của gia tộc, hiện còn khá khang trang. Tuy nhiên, đến nay hầu như chưa có một công trình nào nghiên cứu tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cũng như những giá trị của di tồn vật chất hiện còn liên quan đến ông.
Đại thần không phải quỳ trước vua
Kinh Môn Quận công Nguyễn Văn Nhân (1752 - 1822) người Vĩnh Nhân, tỉnh An Giang (nay là xã Tân Khánh Đông, TX.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Năm 1785, trước sự tiến công của Tây Sơn, Nguyễn Ánh phải trốn chạy sang Xiêm, Nguyễn Văn Nhân theo hầu.
Sau khi lấy lại được Gia Định năm 1788, Nguyễn Ánh phong Nguyễn Văn Nhân làm Khâm sai thuộc nội cai cơ vệ Thần sách dinh Trung quân, giao nhiệm vụ đi đón thân mẫu và cung quyến của mình ở đảo Phú Quốc về Gia Định. Tháng 2.1801, Đông cung hoàng tử Cảnh lưu giữ thành Gia Định mất, Nguyễn Ánh liền dụ sai Nguyễn Văn Nhân và quần thần lưu ở Gia Định lo việc tang, đồng thời cử Nguyễn Văn Nhân lưu giữ Gia Định.
Năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Gia Long, ông phong ngay Nguyễn Văn Nhân tước Quận công và giao trấn thủ thành Gia Định. Năm 1805, vua Gia Long triệu Nguyễn Văn Nhân về kinh giữ trọng trách như một đại thần tham gia bàn bạc việc công. Năm 1808, triều Nguyễn giao Nguyễn Văn Nhân làm Tổng trấn Gia Định, Trịnh Hoài Đức làm Hiệp tổng trấn. Năm 1810, vua Gia Long sai Nguyễn Văn Nhân đi kinh lược Nam Vang (Chân Lạp), sau đó về kinh làm việc, kiêm giữ ấn vụ Chưởng trung quân. Sau khi Tổng trấn thành Gia Định là Nguyễn Huỳnh Đức chết, vua Gia Long lại lấy Chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhân làm Tổng trấn Gia Định; sau đó trở về kinh làm đại thần cố vấn cho vua Minh Mệnh. Năm 1821, vua Minh Mệnh thấy Nguyễn Văn Nhân già yếu, dụ rằng khi lễ thường thì miễn vào chầu, tâu việc thì không phải quỳ.
|
Bình luận (0)