Khu di tích đền thờ và lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức tọa lạc tại ấp Dinh, P.Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An. Quần thể di tích gồm đền thờ, lăng mộ và nhà trưng bày tư liệu.
Đền thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức - Ảnh: L.C.T |
Ly kỳ bộ ván quý
Đền thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được hậu duệ xây dựng sau khi ông qua đời (1819) để thờ tự. Trong đền có nhiều cổ vật và tư liệu rất giá trị trong việc nghiên cứu về vùng đất Nam bộ thế kỷ 18 - 19, những vật dụng sinh thời của ông được con cháu gìn giữ đến hôm nay. Đáng chú ý trong đó là chiếc võng - kiệu khi ông còn là Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đây là cổ vật quý giá, độc bản duy nhất hiện có ở VN; chiếc ghế gỗ chạm hoa văn tinh xảo do vua Thái Lan tặng ông trong thời gian ông thực hiện công vụ tại Thái Lan theo sự chỉ đạo của triều đình. Bộ ván bằng gỗ quý ông sử dụng khi ngủ gắn liền với những câu chuyện về sự linh thiêng. Tổng đốc Trần Bá Lộc làm việc cho Pháp vào năm 1880 đã dám khinh khi, coi thường và nằm trên bộ ván khi có việc đi qua lăng, bị té xỉu, quân lính và người nhà phải cúng bái cụ Nguyễn Huỳnh Đức xin tha cho tội mạo phạm. Ông Bá Lộc kể lúc ngất đã mơ thấy 6 người lính cận thần của cụ Nguyễn Huỳnh Đức lôi ông ra chém vì dám nằm lên bộ ván. Ngoài ra, còn có hàng chục sắc phong, chỉ truyền, ấn triện liên quan đến thân thế và sự nghiệp của ông cũng như các con kế nghiệp có niên đại từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 rất quý giá hiện đang được trưng bày tại di tích.
Lăng mộ nhìn chính hướng nam, xây dựng bằng vật liệu hợp chất kết hợp với đá ong. Mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, thuộc loại hình đơn táng, chiều rộng 8,7 m, chiều dài 12 m. Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, bia mộ, nấm mộ và bình phong hậu. Bao quanh là lớp tường thành kết hợp các trụ biểu búp sen. Bia mộ tạc bằng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cao 1,55 m, rộng 0,9 m, dày 0,16 m, chạm nổi hoa văn tinh xảo hình mặt trời, hoa lá hóa rồng ở hai bên trán bia; diềm bia trang trí chạm nổi hình hoa cúc dây, hoa mai; trung tâm bia mộ đề quốc hiệu Việt Cố, mộ của Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng Tiền quân, tặng thời Trung Dực vận công thần, Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái phó Nguyễn Huỳnh tước Quận công, bia được lập vào tháng 11 năm Kỷ Mão (1819).
Sau nấm mộ là Bình phong hậu khép lại kiến trúc lăng mộ. Đáng chú ý là trên bức bình phong hậu có bài minh văn tương truyền nội dung minh văn do chính vua Gia Long ngự phê để ghi nhớ công lao của một đại thần đã cùng mình vào sinh ra tử, từng là người bảo toàn tính mạng cho vua và sự trung hưng của triều Nguyễn.
Bia mộ lăng Nguyễn Huỳnh Đức
|
Di tích cấp quốc gia
Toàn bộ khu di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1993. Tuy nhiên, hiện nhiều di vật tại đền thờ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó đáng chú ý là chiếc võng làm bằng vật liệu tre, gỗ, vải… đang bị mục, xập xệ và có nguy cơ tan vụn, rất cần có dự án nghiên cứu, bảo quản và phục nguyên hình dáng chiếc võng quý giá này.
Nhà nghiên cứu Vương Thu Hồng (nguyên Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Long An) cho biết: “Nhân dân ở đây coi ông như là một vị tiền hiền có công khai cơ, mở đất và là một vị thần tiêu biểu cho lòng trung nghĩa, nên đã cùng gia tộc tổ chức trọng thể lễ Chu Niên của ông vào 3 ngày 7, 8, 9 tháng 9 âm lịch hằng năm. Truyền thống này được kéo dài gần 200 năm, bắt đầu từ năm 1820 kể từ ngày giỗ đầu của ông”.
Nguyễn Huỳnh Đức (1748 - 1819) là người Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay thuộc P.Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An). Nhiều sự kiện lịch sử ghi lại hành trình trốn chạy của Nguyễn Ánh để tránh sự tiêu diệt của Tây Sơn, Nguyễn Huỳnh Đức một mình chống trả sự truy đuổi và ôm cho Nguyễn Ánh ngủ trên lưng ngựa suốt đêm thâu nơi sông sâu rừng rậm. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được trọng dụng và lần lượt giữ các chức vụ quan trọng của triều đình: Tổng trấn Bắc Thành, Tổng bộ sứ, Khâm sai chưởng Tiền quân, Tổng trấn thành Gia Định...
|
Bình luận (0)