Kỳ bí lăng mộ cổ: Lăng song thân Tả quân Lê Văn Duyệt

16/01/2016 07:33 GMT+7

Khu lăng mộ của song thân Tả quân Lê Văn Duyệt cùng thân quyến tại ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có không gian cảnh quan đẹp với hồ nước, các công trình kiến trúc.

Khu lăng mộ của song thân Tả quân Lê Văn Duyệt cùng thân quyến tại ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có không gian cảnh quan đẹp với hồ nước, các công trình kiến trúc.

Nhà mồ và bia mộ lăng cụ Nguyễn Thị Lập - Ảnh: L.C.TNhà mồ và bia mộ lăng cụ Nguyễn Thị Lập - Ảnh: L.C.T
Lăng song thân Tả quân Lê Văn Duyệt là cụ Lê Văn Toại và Nguyễn Thị Lập nằm cùng 8 ngôi mộ lớn nhỏ khác trên diện tích 8.500 m2. Hai lăng nằm song song, cách nhau khoảng 25 m, với kiểu kiến trúc thống nhất, hướng đông nam, đều có bình đồ kiến trúc hình chữ nhật.
Cả hai lăng đã bị phá hủy một phần vào năm 1835 ngoại trừ nhà mồ/nấm mộ và bình phong hậu, sau khi triều đình ghép Lê Văn Duyệt vào tội phản nghịch và phá hủy lăng mộ của ông cùng lăng mộ gia đình ở quê hương. Cấu trúc khu lăng mộ chỉ còn lại một số trụ biểu ở các điểm góc và bình phong hậu lớp tường thành phía trong.
Đáng chú ý, cả hai lăng mộ song thân của tả quân đều còn bia mộ cao 1,8 m, bằng chất liệu đá xanh vân trắng, được chạm nổi tinh xảo hình hoa lá hóa rồng tranh châu, hoa lá dây uốn lượn hình sin cách điệu. Nội dung bia mộ mặc dù đã bị đục một số dòng chữ Hán liên quan đến người con là Tả quân Lê Văn Duyệt theo chỉ đạo của triều đình, nhưng có lẽ những người thực thi nhiệm vụ khi đó vẫn giữ sự tôn kính đối với vị quan phụ mẫu nổi danh ở Gia Định, nên chỉ thực hiện một cách hình thức và đến nay bia mộ vẫn còn đọc được đầy đủ nội dung: Quốc hiệu Việt Cố, mộ của cha họ Lê là Vũ Huân tướng quân, chức Khâm sai Chưởng cơ, tặng Thống chế, tước Hầu, bia được lập vào ngày tốt tháng 2 năm Tân Tỵ - 1821; Mộ của mẹ là phu nhân của người họ Lê giữ chức Khâm sai Chưởng cơ, tước Hầu, bia lập vào ngày tốt tháng 5 năm Giáp Tuất - 1814. Cả hai bia mộ đều được đề danh người lập bia là Lê Văn Duyệt giữ chức Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Bình Tây đại tướng quân, tước Quận công.
Căn cứ vào nhiều nguồn sử liệu cho thấy khu di tích lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt được Lê Văn Duyệt lựa chọn quy hoạch ở quê hương khi ông chính thức nhận chức Tổng trấn thành Gia Định.
Giải mã lăng Tả quân Lê Văn Duyệt
Năm 1832, Tổng trấn thành Gia Định - Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời, thành thần Gia Định và thân quyến đã an táng ông tại vị trí đắc địa nhất nằm ở phía tây thành Gia Định - nơi được chính ông lựa chọn và quy hoạch nay là lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (TP.HCM). Một năm sau, cuộc biến loạn chấn động lịch sử do con nuôi là Lê Văn Khôi thực hiện chiếm thành Gia Định từ năm 1833 - 1835.
Vua Minh Mạng đã phải huy động khí tài và nhân vật lực của cả đất nước trong 3 năm mới dẹp yên. Sau đó, triều đình đã truy luận tội và san bằng lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt, đồng thời đặt xiềng xích và bia “phục pháp xứ” trên bề mặt huyệt mộ kéo dài đến năm 1849, sau khi vua Tự Đức lên ngôi, thực hiện ân xá xóa bỏ án cho ông, đồng thời cho phép người dân và thân quyến xây dựng lại phần mộ, qua nhiều đợt trùng tu tôn tạo để được như kiến trúc hiện nay.
Vì thế sử liệu và người dân không một ai biết được hình dáng, kiểu thức lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt ra sao, mặc dù trong tâm thức, nhiều người cảm nhận lăng tả quân khi mới xây dựng lớn ngang tầm với lăng tẩm hoàng gia.
Nghiên cứu sâu về kiến trúc lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt đã cung cấp cho lịch sử rất nhiều tư liệu ẩn chứa đằng sau di tích về quy chế, quy thức lăng mộ thời Nguyễn, cũng như những vấn đề liên quan đến hình dáng kiến trúc nguyên thủy của lăng Tả quân Lê Văn Duyệt trước khi bị san bằng theo chỉ dụ của vua Minh Mạng vào năm 1835 và lăng mộ của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong khai quật cải táng vào năm 1961.
Hiện nay, mặc dù chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa, lăng song thân Tả quân Lê Văn Duyệt đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2009. Tuy nhiên, toàn bộ khu lăng rộng lớn chỉ có một bà cụ mắt kém trông nom thờ tự. Nhiều cấu kiện kiến trúc của khu lăng xuống cấp, nghiêng đổ và hoang vắng, đang dần chìm vào quên lãng. Năm 2005, nhân dân trong vùng và hậu duệ đã trùng tu lại khu lăng, lợp tường gạch lỗ hiện đại kết hợp với xi măng xây phần bình phong tiền, tường thành và một số bộ phận khác, tạo ra hệ quả là khu lăng bị mất tính nguyên gốc của di tích.
Song thân Tả quân Lê Văn Duyệt là Thống chế Lê Văn Toại và phu nhân, người gốc H.Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Vào khoảng thế kỷ 17 - 18, tổ tiên vào lập nghiệp ở vùng đất nay là xã Long Hưng, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Theo lời truyền lại của nhân dân trong vùng, năm 1777, trong một đêm mưa to gió lớn, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, thuyền của Nguyễn Ánh (Gia Long) bị chìm gần vàm Trà Lọt (Tiền Giang).
Gia đình ông Lê Văn Toại phát hiện chèo xuồng ra cứu thoát và đưa về nhà tá túc. Thưởng công cứu giá, Nguyễn Ánh nhận con trai trưởng là Lê Văn Duyệt vào quân ngũ giao cho trọng trách Cai cơ Nội binh. Sau đó, người con thứ là Lê Văn Phong cũng tham gia quân đội của Nguyễn Ánh. Sau ngày Nguyễn Ánh lên ngôi, anh em Lê Văn Duyệt - Lê Văn Phong được phong tước hàm và giữ những vị trí quan trọng trong triều đình, trở thành những đại thần của triều Nguyễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.