Kỳ công gà cưỡi rùa, gà hóa phượng trên mâm cúng lễ giỗ vua Mai Hắc Đế

Phạm Đức
Phạm Đức
03/02/2023 20:16 GMT+7

Người dân ở xã Mai Phụ (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã kỳ công uốn nắn những con gà luộc với nhiều hình dáng độc lạ đặt trên mâm cúng trong lễ giỗ vua Mai Hắc Đế.

Ngày 3.2, tại đền thờ vua Mai Hắc Đế ở thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh), chính quyền và người dân đã long trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 1.300 ngày mất của vị vua này.

Độc lạ gà cưỡi rùa, gà hóa phượng trên mâm cúng lễ giỗ vua Mai Hắc Đế - Ảnh 1.

Sáng 3.2, chính quyền và người dân xã Mai Phụ tổ chức lễ giỗ cho vua Mai Hắc Đế

PHẠM ĐỨC

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Trọng Hợp, Phó chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết, để tỏ lòng thành kính tới vị vua đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, chống lại quân xâm lược nhà Đường vào đầu thế kỷ thứ VIII, chính quyền xã và nhân dân địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tâm linh, hướng về cội nguồn.

"Sáng nay là ngày chính lễ giỗ, người dân các thôn trên địa bàn đã tiến hành cung tiến lễ vật lên đền thờ Vua Mai ở thôn Mai Lâm. Các lễ vật như bánh chưng, xôi gà, hương thơm, hoa tươi, cau trầu... được dâng lên với tấm lòng thành kính, linh thiêng. Đặc biệt, năm nay người dân cũng đã tạo các thế gà cưỡi rùa, gà hóa phượng rất độc đáo để dâng tiến vua", ông Hợp nói.

Độc lạ gà cưỡi rùa, gà hóa phượng trên mâm cúng lễ giỗ vua Mai Hắc Đế - Ảnh 2.

Mâm cúng có gà cưỡi rùa, gà hóa phượng được người dân dâng lên vua Mai Hắc Đế trong lễ gỗ lần thứ 1.300

PHẠM ĐỨC

Theo ông Hợp, lễ giỗ vua Mai được tổ chức nhằm góp phần phát huy truyền thống uống nư­ớc nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, tâm linh của người dân. Thông qua đó để tạo không khí phấn khởi, cổ vũ, động viên người dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Độc lạ gà cưỡi rùa, gà hóa phượng trên mâm cúng lễ giỗ vua Mai Hắc Đế - Ảnh 3.

Gà được người dân tạo dáng, đứng trên con rùa giả đặt trong cỗ xôi

PHẠM ĐỨC

Người dân ở xã Mai Phụ cho hay, gà phục vụ làm cỗ phải được tuyển lựa kỹ càng, nuôi tại nhà trong vòng 2 năm. Người chọn gà phải thật sự thông thạo để dự tính được gà sau khi tạo thế có đẹp hay không. 

Khâu cắt tiết, vặt lông phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến da gà. Gà luộc xong phải giữ được màu sắc sáng đẹp, mào đứng, thân thẳng, dáng bay mới đạt yêu cầu.

Cười 'vỡ bụng' cảnh người chơi hào hứng bịt mắt bắt lợn nhưng lại vồ phải nhau

Độc lạ gà cưỡi rùa, gà hóa phượng trên mâm cúng lễ giỗ vua Mai Hắc Đế - Ảnh 4.

Gà phục vụ làm cỗ được tuyển lựa kỹ càng, nuôi tại nhà trong vòng 2 năm

PHẠM ĐỨC

Vua Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan (670-723), quê gốc ở xã Mai Phụ. Lúc sinh thời, ông là một hào kiệt, thông minh, tài trí và dũng cảm hơn người. Trong giai đoạn đất nước loạn lạc, không cam chịu ách đô hộ của giặc xâm lược phương Bắc, ông đã chiêu mộ anh tài và quân 32 châu, liên kết với các nước chống nhà Đường.

Độc lạ gà cưỡi rùa, gà hóa phượng trên mâm cúng lễ giỗ vua Mai Hắc Đế - Ảnh 5.

Tượng đài vua Mai Hắc Đế được đặt tại quảng trường tại H.Lộc Hà

PHẠM ĐỨC

Sau khi đất nước được giải phóng, vua liền ban lệnh xóa bỏ những thứ thuế do chính quyền đô hộ áp đặt từ bấy lâu. Dưới sự trị vì của Mai Hắc Đế, nước ta đã giành được độc lập, tự chủ trong gần 10 năm (713-722). Đền thờ Mai Hắc Đế được xây dựng năm 2010 trên diện tích khoảng 7.000 m2 ở thôn Mai Lâm. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.