Bánh kà tum chỉ có ở vùng đất Ô Lâm và hiện diện vào những dịp lễ, tết quan trọng của đồng bào Khmer như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Dolta, lễ hội Ooc-om-bok…
tin liên quan
Bí mật chữ 'Ký' ở những tiệm mì Tàu danh tiếng khiến người Sài Gòn luôn thắc mắcTheo bà Neáng Phương, nguyên liệu làm bánh chủ yếu là nếp, đậu trắng, dừa nạo, đường, muối. Nếp sau khi mua về ngâm qua một đêm, gút sạch, để ráo. Tiếp đến là cho đậu trắng, nước cốt dừa cùng chút muối và đường trộn đều cho thấm gia vị. Lá dùng gói bánh được chuẩn bị rất công phu, bà con phải trèo lên ngọn cây thốt nốt lựa những tàu lá non chặt đem xuống, lau sạch, rọc từng mảnh rồi đan thành hình vuông; riêng phần chóp có hình dáng giống như cánh hoa đang bung nở.
Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng để làm được một cái bánh kà tum thì rất kỳ công, nhất là phần tạo hình vỏ bánh từ lá thốt nốt. Muốn làm bánh vừa ngon, vừa đẹp, người thợ phải chuẩn bị trước phần khuôn bánh được thắt từ lá thốt nốt. Khi thắt được chừng một chục vỏ bánh xong, người thợ mới khéo léo bỏ phần nhân bánh vào bên trong.
|
Do hình dáng bánh đặc biệt nên dù đã thạo nghề, bà Neáng Phương vẫn phải mất hơn 5 phút mới làm xong 1 vỏ bánh kà tum.
“Với loại bánh này, khâu nào cũng khó. Thắt bông và làm thân cho vỏ bánh đã khó, đến khi cho nhân vào càng khó hơn. Người thành thạo như tôi dù có làm suốt ngày cũng chỉ được chừng 100 cái bánh. Hiện tôi có dạy 1 - 2 người học nghề làm bánh này nhưng họ chưa làm được, thắt khuôn chưa đồng đều...”, bà Neáng Phương chia sẻ.
Bánh sau khi gói xong được nấu trong nước sôi từ 30 - 45 phút, tùy bánh lớn hay nhỏ. Sau đó vớt ra, chần qua nước lạnh rồi để ráo. Nhìn bề ngoài, bánh kà tum có màu vàng nhạt, hình dáng lạ mắt. Khi lột bỏ lá, không dính vào vỏ bánh, vỏ bánh sáng bóng, lấm chấm những hột đậu trắng, nếp mềm mịn, dẻo thơm, đậu trắng và nước cốt dừa beo béo. Đặc biệt, bánh còn có mùi vị đặc trưng của lá thốt nốt sau nhiều giờ chìm trong nồi nước trên ngọn lửa đỏ.
Bình luận (0)