Giải bài toán từ khâu sản xuất, tìm đầu ra ổn định
GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết, đến nay đã có 10 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch hằng năm trên 1 tỉ USD, trong đó có nhiều sản phẩm đạt vị thế cao trên thị trường thế giới. Tuy nhiên sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của nông sản không cao.
|
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, để tối ưu hóa các khâu trong chuỗi giá trị nông sản, cần phải tháo được nút thắt trong sản xuất, kế đến là khâu bảo quản, tối ưu chi phí vận chuyển và tìm đầu ra ổn định. “Cần tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp có tâm và có tầm tham gia trong môi trường sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phát triển dịch vụ logistics hiện đại”, ông nhấn mạnh.
Đầu tư hạ tầng, mở trung tâm logistics nông sản “tất cả trong một”
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để nông sản Việt Nam phát triển bền vững, đòi hỏi các chính sách ưu tiên cho khu vực trọng điểm, trong đó có ĐBSCL. Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là chiến lược trăm năm, trong đó, đầu tư cho logistics, hạ tầng giao thông phải có những ưu tiên kịp thời.
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý tăng thêm cho ĐBSCL 2 tỉ USD phát triển hạ tầng giao thông trọng yếu. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) nhận định, ĐBSCL gần đây cũng đã đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa loại hình vận tải để nông sản thông thương thuận lợi… Đơn cử như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khi thông xe sẽ giúp lưu thông hàng hóa nhanh hơn.
Riêng logistics, chuyên gia Nguyễn Phương Lam cho biết lâu nay ở ĐBSCL, các địa phương mới chỉ chú ý đến các khâu từ cánh đồng đến nhà máy nhưng các khâu từ nhà máy tới tàu cảng, vận chuyển, đóng gói, kiểm định… ít được quan tâm, dù đóng vai trò quyết định khả năng cạnh tranh của nông sản. Đó là lý do rất cần những trung tâm logistics làm hết tất cả các thủ tục để hàng hóa từ ĐBSCL chuyển đến các cảng và xuất đi, không còn chờ đợi quá lâu hay qua những thủ tục rườm rà.
Giải pháp cho nhu cầu cấp bách này đòi hỏi sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp logistics tiên phong. Tin vui là mới đây, Hanh Nguyen Logistics - một trung tâm logistics phục vụ trọn gói mọi thủ tục quy trình xuất khẩu nông sản đã đi vào vận hành giai đoạn đầu tại tỉnh Hậu Giang, thuộc khu vực đắc địa, kết nối thuận tiện về mọi hướng của ĐBSCL và Đông Nam bộ.
|
Ông Phạm Tiến Hoài - Tổng giám đốc Hanh Nguyen Logistics, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tien Thinh Group cho biết: “Sau nhiều năm gắn bó với người nông dân, chúng tôi mong muốn làm điều gì đó đột phá để nông dân đỡ vất vả hơn và nhận được thành quả xứng đáng. Một trong những giải pháp căn cơ nhất là mở ra trung tâm logistics kết nối tất cả các thành phần trong chuỗi cung ứng nông sản và tạo đầu ra cho sản phẩm. Khách hàng, bà con nông dân chỉ việc đem hàng hóa đến, mọi việc còn lại, từ làm sạch, bảo quản, chiếu xạ - vận chuyển, thông quan, xuất khẩu, thủ tục tài chính và tìm đầu ra cho hàng hóa… đều có chúng tôi lo”.
Hội thảo “Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL”Dự kiến trong tháng 3.2021, hội thảo với chủ đề “Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL” sẽ diễn ra với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế và logistics, đại diện doanh nghiệp nông sản hàng đầu. Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề tồn đọng gây cản trở sức bật cho nông sản ĐBSCL, từ đó đưa ra giải pháp giúp nông sản ĐBSCL vươn xa. Hội thảo do Đài PT-TH Hậu Giang phối hợp cùng Hanh Nguyen Logistics thực hiện.
|
Bình luận (0)