Nông dân trồng cà phê ở Tây nguyên vẫn theo thói quen ký gửi cà phê vào các cơ sở buôn bán nông sản, chờ giá được sẽ bán. Bù lại, nếu nông dân cần tiền, những cơ sở này sẵn sàng cho vay với lãi suất có thể chấp nhận được, căn cứ trên số lượng hàng ký gửi. Giao dịch này giúp nhiều nông dân không có điều kiện về kho bãi hoặc nơi giữ cà phê không đảm bảo an toàn, chất lượng sẽ có nơi gửi cà phê, lại có thể mượn được tiền nhanh gọn. Thế nhưng, tất cả hoạt động này chỉ là những tờ giấy tay đơn giản.
Trong khi đó, các công ty, đại lý thu mua cà phê vẫn có những hoạt động mua bán cà phê hằng ngày, hằng tuần. Và nếu thiếu hàng cà phê đã ký hợp đồng với đối tác, họ sẵn sàng “nhón tay” sang hàng ký gửi của nông dân để đắp vào. Đến một thời điểm nào đó, khi tiền vay ngân hàng, tiền dự trữ không đủ, lượng cà phê ký gửi đã bị xuất lén đủ lớn trong lúc nông dân đến chốt giá ồ ạt, các công ty, đại lý này tuyên bố vỡ nợ. Tại các tỉnh Tây nguyên trong nhiều năm qua đã có không ít vụ vỡ nợ cà phê với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng và người chịu thiệt nhất không ai khác là nông dân.
Mới tuần đầu của tháng 6 này, chủ đại lý thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh ở xã Kdang, H.Đăk Đoa (Gia Lai) do bà Nguyễn Thị Nguyệt đứng đầu tuyên bố vỡ nợ, kéo theo khoản tiền khoảng 40 tỉ đồng khó có điều kiện thanh toán. Nhiều hộ dân đã kéo tới nhà bà Nguyệt, hy vọng lấy lại tài sản của mình nhưng đành thất vọng. Cùng tuyên bố vỡ nợ của bà Nguyệt, nhiều nông dân bị đẩy vào cảnh trắng tay sau những tháng ngày lăn lưng trên vườn cà phê, như hộ chị Đỗ Thị Út (xã Đắk D’Jrăng, H.Mang Yang) ký gửi 53 tấn cà phê, ông Năm Phúc (xã Hải Yang, H.Đăk Đoa ký gửi 49 tấn cà phê... Ông Lê Viết Phẩm, Chủ tịch UBND H.Đăk Đoa, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo bên công an xác minh, làm rõ vụ việc. Tài sản của vợ chồng bà Nguyệt mà ngành chức năng mới thống kê được gồm 2 căn nhà và 4 ha cà phê”.
Trước đó, vụ vỡ nợ cà phê gây rúng động vùng biên khi gia đình bà Đoàn Thị Niềm, một chủ đại lý nhận ký gửi cà phê tại xã Ia Krái, H.Ia Grai (Gia Lai), tuyên bố vỡ nợ. Khoảng 200 tấn cà phê của 47 hộ nông dân trồng cà phê ký gửi đã không còn trong kho vì bà này tự cho mình quyền định đoạt cà phê của nông dân ký gửi.
Ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu nông sản Tây Nguyên - một doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn ở khu vực này, phân tích: “Sau khi nhận số cà phê ký gửi, đại lý thu mua vì nhiều lý do bất minh có thể đem số cà phê đó đi mua bán trên thị trường hoặc dùng vào mục đích riêng rồi thua lỗ. Cơ quan chức năng, chính quyền cần có những khuyến cáo, hướng dẫn nông dân đến những cơ sở có uy tín, được các cơ quan chức năng thẩm định để giao dịch, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
Bình luận (0)