Kỳ họp HĐND TP.HCM: Lo ngập lụt như Hà Nội!

03/12/2008 23:14 GMT+7

Hôm qua 3.12, không khí tại ngày làm việc thứ hai kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP.HCM khóa VII tiếp tục nóng lên, khi các đại biểu (ĐB) tiếp tục phân tích, mổ xẻ, đồng thời hiến kế nhằm khắc phục những yếu kém trong quản lý, điều hành của chính quyền thành phố liên quan đến những vấn đề quốc kế dân sinh.

Cần quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch

“Vài góp ý nhỏ cho thành phố lớn”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa mở đầu phần phát biểu một cách khiêm tốn khi góp ý một loạt vấn đề đang là mối quan tâm của người dân cũng như nỗi đau đầu của các cơ quan chức năng. Nhằm giải quyết tình trạng di chuyển ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành, ĐB Nghĩa đề nghị thành phố sớm hoàn tất quy hoạch và chấn chỉnh một cách khoa học hơn các cụm công nghiệp để thuận tiện cho việc quản lý và bảo vệ môi trường ở nông thôn, hạn chế ô nhiễm ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của người dân. Cương quyết không cấp phép mới cho các dự án sân golf, nếu dự án nào đã được cấp phép rồi mà chưa triển khai thì phải đề nghị chuyển đổi sang các chức năng khác, như: xây dựng các khu thể thao, công viên hoặc các khu vườn sinh học… Mặt khác, ĐB Nghĩa lưu ý thành phố cần xem lại chủ trương phân cấp quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho các quận, huyện khi chưa hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể. “Bởi nếu mạnh ai nấy làm, thì khi gắn 24 bức tranh màu của 24 quận, huyện để thành bức tranh quy hoạch chung của thành phố, sẽ không khác gì bức tranh theo trường phái của… danh họa Picasso”.

Tháng 2.2009 biết rõ nguyên nhân sự cố hầm dìm Thủ Thiêm

Trả lời thắc mắc của một số ĐB liên quan đến các vết nứt ở các đốt hầm dìm Thủ Thiêm thuộc Dự án Đại lộ Đông - Tây, ông Trần Quang Phượng cho biết, sáng 3.12 các chuyên gia thuộc một đơn vị tư vấn độc lập của Úc đã ra hiện trường, bắt đầu tiến hành khảo sát, đánh giá nguyên nhân gây ra sự cố trên. Đầu tháng 2.2009, đơn vị tư vấn trên sẽ có trả lời được nguyên nhân, mức độ của sự cố đồng thời đưa ra hướng khắc phục. (M.N)

Nhiều đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, nhất là sau vụ ngập lụt lịch sử diễn ra ở Hà Nội. Các ĐB đề nghị UBND thành phố cần đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống ngập, chuẩn bị các phương án khả thi để tránh rơi vào tình thế bị động tương tự Hà Nội.

Đừng làm theo kiểu phong trào

Trước bức xúc của ĐB và cử tri về lô cốt mọc đầy trên đường, làm xấu đi hình ảnh thành phố và ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn minh đô thị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Phượng thừa nhận đến ngày 30.11.2008, toàn thành phố có 231 rào chắn, tăng 34 vị trí so với kỳ họp HĐND trước. Để giảm bớt phiền hà cho người dân, ông Phượng khẳng định từ đây trở về sau, các đơn vị thi công không được dựng rào chắn quá 100m, thi công không quá 60 ngày. Theo ông Phượng, dù việc áp đặt thời gian có thể vi phạm hợp đồng với các nhà thầu, nhất là các nhà thầu nước ngoài, nhưng thành phố vẫn đương đầu, đồng thời đã mạnh tay, kiên quyết loại bỏ những nhà thầu không đủ năng lực thi công, không đáp ứng yêu cầu công trình. Ông Phượng cho biết trước Tết Nguyên đán, sẽ giảm 127 rào chắn để bà con dễ dàng đi lại trong dịp Tết. Nhiều đại biểu tỏ vẻ vui mừng trước thông tin này, nhưng niềm vui chợt tắt khi ông Phượng thông tin sau Tết sẽ xuất hiện thêm 59 rào chắn mới và trong năm 2009, thành phố sẽ đào thêm 52 km đường… để thực hiện các công trình thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM!

Trong khi đó, đánh giá kết quả một năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, ĐB Nguyễn Minh Hương cho rằng, có 80% người dân được hỏi đều biết năm 2008 là năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhưng thực tế lại không có chuyển biến nhiều về hành động. Tại sao như vậy? Tự đặt câu hỏi, ĐB Hương tự trả lời: "Do TP chưa có chiến lược truyền thông tốt nhằm tuyên truyền, tạo thói quen thay đổi hành vi của người dân; chưa có quy định, quy chuẩn và điều kiện để người dân thực hiện. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta vẫn tư duy điều hành theo kiểu phong trào, do đó kết quả cũng mang tính phong trào và đương nhiên là không bền vững”. Để thực hiện tốt năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, ĐB Hương đề nghị thành phố nên tổ chức đấu thầu ý tưởng thực hiện sao cho hiệu quả, đề ra chiến lược truyền thông; giảm bớt công việc của các cơ quan chức năng để tập trung vào điều hành, giám sát; đồng thời quy định cụ thể, rõ ràng về quản lý rác, vệ sinh…

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.