So với Điều 126 Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung mở rộng thêm hai đối tượng được sở hữu nhà ở tại VN. Cụ thể: người VN định cư ở nước ngoài có quốc tịch VN (vẫn là công dân VN), nếu được phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên thì được quyền sở hữu nhà để ở tại VN. Đối với người VN định cư ở nước ngoài gốc VN (theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008), nếu được phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên và thuộc các diện: về đầu tư trực tiếp tại VN; người có công với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học, người có chuyên môn kỹ thuật đặc biệt mà VN có nhu cầu và đang làm việc tại VN; người có vợ hoặc chồng là công dân VN ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng, cũng được sở hữu nhà để ở tại VN. Đối với người gốc VN không thuộc đối tượng thứ hai nêu trên, nếu được cơ quan có thẩm quyền của VN cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú từ 3 tháng trở lên thì được sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư.
Tuy mở rộng hơn về đối tượng được sở hữu nhà nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định: “Chính sách này chỉ cho phép người VN định cư ở nước ngoài có nhu cầu thực sự về chỗ ở được mua nhà để ở tại VN".
Về việc sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói: “So với quy định của Điều 121 hiện hành thì người VN định cư ở nước ngoài sẽ có thêm 2 quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở (quyền cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không sử dụng nhà ở), nhưng so với công dân VN ở trong nước thì các đối tượng này bị hạn chế hơn 2 quyền, đó là quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất".
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH cũng bày tỏ sự đồng tình với đề nghị trên của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Bá Thiều (Hải Phòng) cũng ủng hộ: "Theo tôi là nên mở rộng đối tượng". Thế nhưng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận lại phản đối: “Quê tôi ở Bắc Ninh, nhiều nhà đất bỏ không lắm, nhưng tôi cũng không muốn mở rộng thêm đối tượng ra". Ông Thuận đặt câu hỏi: “Mở ra là để giải quyết kinh tế hay mục đích gì? Liệu có phải là để giải quyết những nhà cửa ế đọng không?”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền, trong quá trình thẩm tra dự án luật, có ý kiến đề nghị tất cả nhóm đối tượng là người VN định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại VN. Tán đồng quan điểm này, ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH Ngô Minh Hồng (đại biểu TP.HCM) đề nghị luật ghi rõ là chỉ được sở hữu một nhà.
Đồng ý là chỉ được sở hữu một nhà nhưng một số đại biểu muốn mở rộng thêm quyền cho Việt kiều trong trường hợp này. Cả đại biểu Nguyễn Đăng Trừng và Trần Du Lịch (TP.HCM) đều không đồng ý loại trừ các quyền của Việt kiều khi sở hữu nhà theo Điều 107 Luật Đất đai (quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất). “Có đất, có nhà nhưng khi Nhà nước thu hồi mà không được bồi thường thì nghe kỳ quá”, ông Trần Du Lịch nói.
QH sẽ trở lại thảo luận về dự luật này vào ngày 2.6, trước khi thông qua vào ngày 18.6.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai: Lao động nước ngoài tràn ngập là trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp QH hôm qua 22.5, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai nhìn nhận hiện nay các cơ quan chức năng chưa đưa ra được con số chính xác về số lao động trong các làng nghề, lao động trong các HTX, lao động tự do mất việc làm là một thiếu sót.
- Các giải pháp bước đầu của Chính phủ đưa ra liên quan đến kích cầu đã có tác động tích cực. Đối với người lao động, Chính phủ đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp vay để giải quyết tiền lương cho công nhân. Tuy nhiên, theo tôi biết, đến giờ phút này có rất ít doanh nghiệp gửi hồ sơ đến vay tiền để trả lương cho công nhân bởi nhiều lý do khác nhau. Năm nay, chúng ta cũng mở thêm bảo hiểm thất nghiệp nhưng phải đến ngày 1.1.2010 thì người đầu tiên tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp mới được hưởng tiền từ chính sách này. Tôi nghĩ đó cũng là các giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là đào tạo nghề, cả trong giai đoạn ngắn hạn cũng như dài hạn. Cho vay để trả lương chỉ là giải pháp tức thời.
- Các giải pháp mà Chính phủ đưa ra đều là ngắn hạn, nó vận hành trong khoảng 12 tháng hoặc 24 tháng, chúng tôi sẽ đánh giá thêm. Nhưng tôi nghĩ, khi chúng ta điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chỉ tiêu tạo 1,7 triệu việc làm trong năm nay. Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) cũng chưa đưa ra dự báo xem năm nay chỉ tiêu tăng trưởng giảm như thế thì chỉ tiêu việc làm sẽ đạt thế nào. Chúng tôi muốn chuẩn bị dài hơi hơn về chính sách xã hội và đã đề xuất cùng với Chính phủ chuẩn bị một đề án tổng thể về chính sách an sinh xã hội từ năm 2010 đến năm 2020. * Nhiều đại biểu bức xúc trước tình trạng: trong khi lao động trong nước bị mất việc thì lao động phổ thông nước ngoài lại tràn vào rất nhiều. Vấn đề này phải xử lý như thế nào, thưa bà? - Hiện nay đang rà soát lại các văn bản có liên quan đến việc người lao động nước ngoài vào làm việc tại VN. Tôi nghĩ Chính phủ cần có một đánh giá đầy đủ về tình hình này cũng như việc thực hiện các văn bản pháp luật đã có về vấn đề trên. Ủy ban chúng tôi cũng sẽ làm việc lại với Bộ LĐ-TB-XH về vấn đề này. * Để lao động phổ thông của nước ngoài vào Việt Nam làm việc ào ạt, theo bà trách nhiệm thuộc cơ quan nào? - Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm chính thuộc về Bộ LĐ-TB-XH. Xuân Toàn (ghi) |
Thảo luận Dự án sửa đổi Luật Điện ảnh: Phim truyền hình xa lạ với đời sống người dân Ai quản lý phim truyền hình là vấn đề được các đại biểu QH tập trung thảo luận trong phiên họp tổ cho ý kiến về Dự án sửa đổi một số điều của Luật Điện ảnh chiều qua. Ông Lê Như Tiến, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên của QH cho ví dụ: ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông có lần nói rằng dù là Bộ trưởng nhưng cũng không thể kiểm soát được đài truyền hình nào chiếu phim nào, và phim đó có vấn đề gì hay không, bởi theo phân cấp thì các đài truyền hình tự chịu trách nhiệm về nội dung mà đài đó phát sóng rồi. “Duyệt phim là ai, ở trung ương là bộ, ở địa phương là UBND tỉnh, thành phố. Là đài truyền hình trung ương hoặc các đài địa phương. Theo tôi, phân cấp quản lý như thế là có vấn đề. Phim truyền hình vì thế chỗ thì lố lăng, chỗ thì bạo lực. Nhưng có lần tôi trao đổi với lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam, các anh ấy nói đài là cơ quan ngang bộ, lãnh đạo đài là cán bộ trung ương, các anh ấy có thể chịu trách nhiệm”, ông Lê Như Tiến nói. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đặt vấn đề, quản lý nhà nước về điện ảnh trên truyền hình đúng là đang lúng túng khi các đài hoạt động theo Luật Báo chí và chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Thông tin - Truyền thông, trong khi phim do các nhà đài phát sóng lại thuộc lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng bộ này lại không có quyền kiểm soát nội dung. Đại biểu Phạm Phương Thảo (TP.HCM) đề nghị cùng với việc phải thống nhất quản lý việc phát sóng phim truyền hình thì cũng phải xem xét lại đầu ra của phim truyền hình để xem có bao nhiêu phim phát trên 200 kênh. Bà Phạm Phương Thảo nhận xét phim VN phát trên sóng truyền hình đa phần xa lạ với đời sống vì nhà cửa sang trọng, cách sinh hoạt rất khác xa cuộc sống của đa số người lao động. QH sẽ còn một phiên thảo luận tại hội trường về dự luật này vào ngày 28.5, trước khi thông qua vào ngày 18.6. Lưu Quang Phổ |
Xuân Toàn - Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)