"Không nên loại bỏ..."
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự được Chính phủ xây dựng theo hướng nhân đạo hóa, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến một số vấn đề bức xúc nhất của thực tiễn.
Tờ trình của Chính phủ đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với: Tội hiếp dâm (Điều 111); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); Tội buôn lậu (Điều 153); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội đưa hối lộ (Điều 289)...
Tuy nhiên các nội dung trên đã không được Ủy ban Tư pháp của QH tán đồng một cách toàn diện. Đa số các thành viên Ủy ban Tư pháp không đồng tình với dự luật quy định bỏ án tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, với lập luận: “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có khách thể bị xâm hại là trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước nhưng lại có liên quan tới tính mạng, sức khỏe của nhiều người trên phạm vi rộng. Do đó, trong một số trường hợp hành vi phạm tội trở nên đặc biệt nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, hành vi này còn xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh, vững chắc của nền kinh tế”. Vì thế, Ủy ban này đề nghị “duy trì hình phạt tử hình đối với tội danh này để có cơ sở trừng trị nghiêm minh trong những trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm của Ủy ban: “Không nên loại bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh này, vì hiện nay tệ nạn tham nhũng được coi là quốc nạn”. Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc tiếp tục duy trì và áp dụng hình phạt tử hình đối với 2 tội danh này là cần thiết nhằm đề cao tác dụng giáo dục, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn tham nhũng, đồng thời cũng thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xử lý nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với bộ máy nhà nước.
Phạm vi thí điểm quá rộng?
Trong tờ trình Đề án thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, nếu được QH thông qua thì việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường sẽ được thực hiện ở 10 trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước; nhân dân sẽ bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã ở 385 xã thuộc 39 tỉnh, thành. Khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, huyện được sẽ chuyển cho HĐND và UBND cấp trên và cho UBND cùng cấp.
Nội gián trong chứng khoán sẽ bị xử lý hình sự Trước những diễn biến mới của tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, dự luật đã bổ sung một số tội danh mới: Tội in, phát hành, mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước; Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Tội gian lận và lừa đảo trong giao dịch chứng khoán; Tội thao túng giá chứng khoán. |
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH băn khoăn: “Tại sao lại chỉ thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường, trong khi vẫn duy trì HĐND cấp thị xã, thành phố thuộc tỉnh - là đơn vị hành chính tương đương với cấp huyện, quận”?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cho biết, trong Ủy ban này đa số các ý kiến cho rằng, phạm vi áp dụng thí điểm như tờ trình của Chính phủ là quá rộng, trong khi Chính phủ lại chưa đưa ra được các phương án xử lý khi có trường hợp phát sinh. Ngay cả cơ sở pháp lý để thực hiện thí điểm, trong Ủy ban Pháp luật của QH cũng có hai luồng ý kiến khác nhau, một số thành viên đề nghị phải sửa Hiến pháp thì mới tiến hành thí điểm được, một số lại cho rằng, không cần phải sửa đổi Hiến pháp, vì đây chỉ thực hiện thí điểm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận, nhiều thành viên Ủy ban đặt câu hỏi: “HĐND phường là cấp cơ sở, vì sao lại bỏ? Vì sao bỏ HĐND mà vẫn duy trì các cơ quan, tổ chức khác thuộc hệ thống thuộc cấp chính quyền đó?”. Ông Thuận cho rằng: “Cùng một lúc tồn tại nhiều mô hình tổ chức khác nhau sẽ gây khó khăn trong điều hành và thống nhất thực hiện”.
Hôm nay 4.11, QH sẽ thảo luận tại tổ về các dự án luật trên.
Xuân Toàn
Bình luận (0)