Ký kết liên minh kết nối thị trường thương mại quốc tế

31/03/2024 20:02 GMT+7

Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội Giao lưu thân hữu Nhật - Việt và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) vừa ký kết văn bản thỏa thuận toàn diện thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực chip bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy giao lưu thương mại - văn hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Ký kết liên minh kết nối thị trường thương mại quốc tế- Ảnh 1.

Các đại biểu đến từ Nhật Bản và Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với ông Yan ZhiFa, Cố vấn chính sách quốc gia của Đài Loan (Trung Quốc)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) bày tỏ sự hân hạnh được song hành và ký kết 3 biên bản ghi nhớ hợp tác lần này về thúc đẩy kết nối hợp tác ngành chip bán dẫn, kết nối hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực bán dẫn và kết nối thị trường thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp của Việt Nam, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

"Đây là một điểm khởi đầu, 3 bên sẽ xây dựng những nội dung hợp tác hết sức cụ thể hiệu quả và thiết thực, nhằm để hỗ trợ đóng góp một phần trên con đường phát triển kinh tế của Việt Nam. Về phía Việt Nam, chúng tôi sẽ chọn TP.Đà Nẵng và một số địa phương ở miền Bắc, miền Nam làm mô hình hợp tác thí điểm, thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ cao, chip bán dẫn từ Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), song song đó sẽ hỗ trợ kết nối các sản phẩm của Đà Nẵng và các địa phương của Việt Nam đến với thị trường thương mại của Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc)", ông Hồng Huệ cho biết.

Bà Ngô Phẩm Trân (Wu Pin-Chen), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) (VTBA) cho biết, được Bộ Nội vụ Đài Loan cấp phép hoạt động từ năm 2016, có gần 40 hội viên là các tập đoàn điện tử, bán dẫn, công nghệ kỹ thuật cao. Những năm gần đây, do sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu, rất nhiều nhà sản xuất của Đài Loan bắt đầu dịch chuyển về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2023, Hiệp hội đã xúc tiến thành công 7 tập đoàn điện tử Đài Loan đầu tư vào Việt Nam với giá trị đầu tư hơn 600 triệu USD (tiêu biểu là Tập đoàn Foxlink đầu tư xây dựng nhà máy điện tử tại Đà Nẵng tháng 11.2023; các tập đoàn Wieson, Bellwether, Arizon, Agosy, TGlobal, Richain… đầu tư ở Hưng Yên).

Ông Trương Thành, Cục Phát triển kinh tế thành phố Đào Viên, Đài Loan (Trung Quốc) phát biểu: Tôi đánh giá cao việc ký kết hợp tác giữa 3 hiệp hội, các bên đã tiên phong hợp tác liên minh giúp các doanh nghiệp Đài Loan phát triển thị trường thương mại quốc tế với Nhật Bản và Việt Nam, về phía chính quyền địa phương của chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu phương pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan có những bước tiếp theo để kết nối thị trường thương mại quốc tế sau buổi ký kết này.

Đại diện đoàn Nhật Bản, Tổng hội Bảo vệ doanh nghiệp Nhật Bản - Chủ tịch Chi hội thành phố Kumamoto kiêm Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu thân hữu Nhật - Việt, ông Yasunaga Kojiro chia sẻ: Chúng tôi đánh giá rất cao về sự hợp tác này, đây là một ý tưởng, sự sáng tạo mới, sẽ mở ra một cơ hội hợp tác cho chuỗi cung ứng ngành bán dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp của Nhật Bản, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) mở ra một thị trường thương mại liên minh quốc tế.

Ký kết liên minh kết nối thị trường thương mại quốc tế- Ảnh 2.

Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), Hiệp hội Giao lưu thân hữu Nhật - Việt ( JVFA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) (VTBA) ký kết văn bản thỏa thuận toàn diện thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực chip bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy giao lưu thương mại - văn hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc)

Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư 

Tại buổi ký kết hợp tác, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) ra mắt thành lập Ủy ban Kết nối hợp tác ngành bán dẫn và Ủy ban Kết nối hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.

Cạnh đó, 3 hiệp hội đã xúc tiến thành công 2 hợp đồng hợp tác thương mại và 2 hợp đồng hợp tác phát triển thị trường thương mại của doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng vào thị trường Nhật Bản. Đại diện của 3 bên cũng đã thống nhất tổ chức đoàn doanh nghiệp Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) về chip bán dẫn và công nghệ cao sẽ về khảo sát môi trường đầu tư vào Việt Nam dự kiến cuối tháng 4 và trong tháng 5 năm nay theo lời mời của lãnh đạo TP.Đà Nẵng và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh, Việt Nam đã thu hút 5 tập đoàn điện tử lớn nhất của Đài Loan đến đầu tư (Foxlink, Arizon, Wieson , Bellwether, Agosy). Thời gian tới, với chính sách cởi mở của Việt Nam, sẽ còn nhiều công ty điện tử chuỗi cung ứng của Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đến Việt Nam hợp tác thương mại và đầu tư.

Ký kết liên minh kết nối thị trường thương mại quốc tế- Ảnh 3.

Lễ ra mắt Ủy ban Kết nối hợp tác bán dẫn và Ủy ban Kết nối hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc)

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA (với tổng vốn ODA đến nay gần 30 tỉ USD), thứ 2 về lao động (hiện có hơn 520.000 người Việt Nam tại Nhật Bản và khoảng 22.000 người Nhật Bản tại Việt Nam), thứ 3 về đầu tư (với 5.304 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 74,4 tỉ USD) và thứ 4 về thương mại (với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2023 đạt 45 tỉ USD).

Đài Loan (Trung Quốc) hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 4 và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam với quy mô đầu tư FDI đã đạt trên 37 tỉ USD, nhiều gấp rưỡi tổng FDI của 27 nước EU (24 tỉ USD). Hiện nay, các doanh nghiệp Đài Loan đang rất quan tâm và tiếp tục xu thế mở rộng hợp tác đầu tư và kinh doanh với Việt Nam trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, bán dẫn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.