Kỳ lạ căn bệnh có thể lây lan qua nụ hôn

Trà Linh
Trà Linh
06/06/2023 08:13 GMT+7

Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn là tên gọi khác của 'bệnh nụ hôn', là một bệnh truyền nhiễm thường lây truyền qua nước bọt.

Bệnh gây ra bởi vi rút Epstein-Barr (EBV). Chúng có sẵn trong cơ thể của khoảng 95% người trưởng thành. Không phải lúc nào vi rút cũng phát triển thành bệnh. Đa phần các trường hợp phát bệnh là do chưa tiếp xúc với vi rút này khi còn nhỏ, theo báo The Times of India.

Kỳ lạ căn bệnh có thể lây lan qua nụ hôn

 - Ảnh 1.

Dù tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn lây lan chủ yếu qua nước bọt, nhưng nụ hôn không phải là cách truyền bệnh duy nhất

Minh họa: Shutterstock

Dù tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn lây lan chủ yếu qua nước bọt, nhưng nụ hôn không phải là cách truyền bệnh duy nhất. Bệnh cũng có thể lây lan qua hoạt động tình dục, dùng chung đồ dùng hoặc đồ uống…

Các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là mệt mỏi, đau họng, sốt trên 38 độ C, đổ mồ hôi suốt ngày đêm, buồn nôn, nhức đầu, ho, chán ăn, khó nuốt thức ăn…

Thông thường, các triệu chứng này khá dễ lầm tưởng với các rối loạn truyền nhiễm khác. Các chuyên gia y tế khuyến nghị nếu có các triệu chứng trên, đặc biệt là đau họng nhiều và kèm theo sưng hạch bạch huyết (ở cổ, bẹn và nách). Người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra.

Cũng theo các chuyên gia, cách phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của vi rút gây bệnh.

Còn đối với người bệnh, để mau chóng khoẻ lại, cần tăng lượng nước uống vào và nghỉ ngơi nhiều hơn. Họ cũng nên ngủ nhiều hơn bình thường, đặc biệt là giấc ngủ chính vào ban đêm để cơ thể được phục hồi.

Dù tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng vẫn có thể dẫn đến các biến chứng như viêm gan, lách to và có thể dẫn đến vỡ lách khi hoạt động mạnh. Do đó, các chuyên gia cũng khuyên rằng người bệnh nên nghỉ ngơi và nên hạn chế chơi thể thao trong vòng 1 tháng sau khi hồi phục để tránh trường hợp tổn thương lá lách do va chạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.