Vườn kinh có một không hai
Chùa Phước Hậu nằm ven sông Hậu (ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, H.Tam Bình, Vĩnh Long) từ lâu là một nơi tu hành trang nghiêm và là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Vĩnh Long. Đến chùa Phước Hậu ai cũng phải ngở ngàng trước vẻ đẹp của ngôi chùa, những hàng cây cao lớn tỏa bóng mát.
Ấn tượng nhất đối với nhiều khách tham quan chính là những bài kinh khắc trên đá rất công phu, được nhà chùa bố trí hài hòa thành những khu vườn kinh theo chủ đề khác nhau.
Để có vườn kinh đá độc đáo này, theo thượng tọa Thích Phước Cẩn (Trụ trì chùa Phước Hậu), năm 2014, trong một lần đi bên Myanmar, ông thấy một số chùa tại đó khắc kinh trên đá rất đẹp nên trở về nước quyết tâm học theo.
tin liên quan
Kỳ lạ ngôi chùa nhiều tượng Phật nhưng chỉ có một nhà sư ở miền Tây“Nhưng khắc kinh gì, khắc như thế nào quả là một vấn đề nan giải. Sau nhiều lần họp bàn tính, cuối cùng chúng tôi quyết định làm vườn kinh pháp cú. Bởi đây là tinh hoa của Phật giáo do cố Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng viện Đại học Phật giáo Việt Nam, dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt”, thượng tọa Phước Cẩn nói.
|
Theo thượng tọa Phước Cẩn, vườn kinh pháp cú gồm 213 phiến đá màu xanh kích thước 0,4x0,6m, khắc 423 bài kinh trên 2 mặt, ngoài ra còn có một bài thơ nói về đại ý của bộ kinh pháp cú, 1 bài nói về công hạnh của người tu, phật tử và một phiến đá khắc hình Hòa thượng Thích Minh Châu.
Những phiến đá được sắp xếp bố trí theo hình kết 8 lá bồ đề tượng trưng cho bát chánh đạo. “Do đất của chùa còn rộng, nên song song với vườn kinh pháp cú, tôi quyết định làm thêm vườn kinh A di đà và kinh Bắc truyền trích diễm. Những phiến đá để khắc các bài kinh tại 2 vườn kinh này lớn hơn 0,9x1,5 m”, thượng tọa Phước Cẩn cho biết.
|
Giáo dục tình yêu biển đảo qua những phiến đá
|
Theo thượng tọa Thích Phước Cẩn, trước đây chùa Phước Hậu chỉ là một cái am nhỏ. Năm 1894, ông Hương cả làng Đông Hậu là Lê Văn Gồng vốn có lòng mộ đạo, vận động thiện nam tín nữ trong làng xây dựng một ngôi chùa sườn gỗ, mái ngói âm dương, vách ván, nền gạch. Ngôi chùa này là một dạng chùa làng nên được đặt tên là chùa Đông Hậu.
Đến năm 1910, ông Gồng mất, con gái ông là bà Lê Thị Huỳnh và phật tử địa phương đã thỉnh Hoà thượng Hoằng Chỉnh ở chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) vào trụ trì. Hoà thượng Hoằng Chỉnh đã đổi hiệu chùa Đông Hậu thành Phước Hậu.
|
Sau nhiều lần trùng tu, xây mới, chùa Phước Hậu hiện nay gồm nhiều công trình như chánh điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp… Chánh điện chùa Phước Hậu hình chữ “sơn”, nhìn xuống dòng sông. Mặt tiền chùa xây theo kiểu cổ lầu, giữa trang trí mô hình ngôi tháp bảy tầng cao chót vót. Nội điện rộng rãi trang trí đơn giản, nền lót gạch bông, lại có nhiều cửa ra vào nên trông trống trải. Chùa Phước Hậu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cách mạng ngày 25.1.1994.
|
|
|
Hiện nay, trong 3 vườn kinh đá tại chùa Phước Hậu, có thể nói vườn kinh A di đà mang ý nghĩa thiêng liêng nhất. Bởi 31 phiến đá khắc kinh được bố trí theo hình chữ S của nước Việt Nam, ở giữa chữ S được trồng sen. Trong đó có các phiến đá khắc kinh bố trí đúng vị trí tượng trưng cho các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc.
“Khi phật tử, khách đến tham quan và xem vườn kinh A di đà họ sẽ hình dung được non sông đất nước ta như thế nào, ở đó có phần đất liền, các đảo để chung sức xây dựng, gìn giữ”, thượng tọa Phước Cẩn nói.
Anh Huỳnh Phan Hoàng (ngụ P.3, TP.Vĩnh Long) cho biết: “Tôi rất ấn tượng với các vườn kinh bởi nó có tính thẩm mỹ, tính giáo dục cao. Đặc biệt, khi đến xem vườn kinh hình đất nước Việt Nam khiến lòng tôi lân lân khó tả. Nó giúp tôi hiểu và yêu Tổ quốc mình hơn”.
|
Giờ đây, đến chùa Phước Hậu khách thập phương không chỉ tham quan, thưởng ngoạn, hít thở không khí trong lành giúp lòng thanh thảng mà còn được chiêm ngưỡng những vườn kinh đá độc đáo, có ý nghĩa giáo dục cao. Nó giúp chúng ta thêm yêu quê hương, đất nước, sống có nghĩa có tình, thủy chung son sắc.
Bình luận (0)