Kỳ lạ Trường Lũy: Nguyễn Thân - Kẻ gian hùng

01/04/2022 06:47 GMT+7

Nguyễn Thân (1854 - 1914) tự Nho Bá, hiệu Thạch Trì, quê ở làng Thạch Trụ, H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là con trưởng của Nguyễn Tấn và là người con duy nhất của mẹ mình, bà Lê Thị Bình. Ông ta là võ quan nhà Nguyễn đồng thời là một cộng sự đắc lực của quân Pháp xâm lược.

Gia phả không nói rõ Nguyễn Thân sinh ra ở đâu, nhưng bằng vào hành trạng của thân phụ, rất có thể ông không chào đời ở Quảng Ngãi.

Khi Nguyễn Thân quản lãnh nhiệm vụ ở Sơn phòng thì cũng là lúc thực dân Pháp bắt đầu cuộc chiến xâm lược nước ta. Sau sự kiện thất thủ kinh đô đêm 22 rạng 23.5 âm lịch (5 - 6.7.1885), vua Hàm Nghi chạy ra Sơn phòng Quảng Trị, ban dụ Cần Vương, kêu gọi sĩ phu kháng Pháp. Nguyễn Thân lúc đầu tham gia Nghĩa hội Cần vương Quảng Ngãi, nhưng sau phản bội, cam tâm làm tay sai cho giặc, liên tiếp lập “công trạng” với quân cướp nước. Đầu tiên là vụ ra tay đàn áp cuộc khởi nghĩa Cần vương do Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân lãnh đạo (tháng 7.1885) ở chính quê nhà. Tiếp đến là đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng (1885 - 1887), Bùi Điền (tháng 8.1886) ở Bình Định; Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến (1887) ở Quảng Nam. Đặc biệt, năm 1895, Nguyễn Thân lĩnh chức Khâm mạng Tiết chế quân vụ, đem 3.000 quân ra Hà Tĩnh lùng diệt cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo.

Bia Thạch Sơn tự do Nguyễn Thân dựng trên núi Phú Thọ (TP.Quảng Ngãi) tự kể công mình

Thành quả từ sự phản bội và bản chất tàn bạo của Nguyễn Thân được Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ hạng rồi đệ tứ hạng, đệ tam hạng; trở thành Phụ chính đại thần trong triều Nguyễn, được phong tước Diên Lộc bá, sau thăng Diên Lộc Quận công.

Thời kỳ Nguyễn Thân nắm chức Tiễu phủ sứ, Sơn phòng Nghĩa Định từ một thiết chế quản lý, quân sự của triều đình Đại Nam, làm nhiệm vụ ngăn chặn xung đột, đảm bảo ổn định miền tây các tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định, đã dần dần trở thành một tổ chức quân sự nằm trong tay người Pháp, đóng vai trò trấn áp các cuộc khởi nghĩa yêu nước - Cần vương ở Trung kỳ.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã thuật lại bức thư của Nguyễn Thân gửi cho ông ta như sau:

“Hai người đứng đầu cuộc nổi dậy, được gọi là Cử Đình và Tú Tân, đã chiếm được thành Quảng Ngãi bằng lực lượng quân nổi dậy đông đảo của chúng. Từ vùng cao, tôi đã cùng với 2.000 lính hành quân xuống để đẩy lùi bọn phiến loạn này. Tôi đã chiếm lại được thành, bắt giữ 14 tên cầm đầu, và chặt đầu chúng ngay tại trận để răn đe đồng bọn của chúng. Khi tỉnh Quảng Ngãi đã yên bình trở lại, nhận chỉ dụ của Hoàng đế Đồng Khánh, tôi dẫn quân tiến về Bình Định để dẹp cuộc nổi loạn ở vùng này. Tôi đã lập lại trật tự ở đó và tổ chức lại chính quyền tại tất cả các huyện. Kẻ cầm đầu cuối cùng là Mai Xuân Thưởng, đang trốn tại vùng An Khê, tôi cử binh truy đuổi y ở đó.

Cùng lúc đó, Đốc phủ Lộc đem quân từ Nam kỳ ra tiễu trừ đám nổi dậy. Sau đó tôi nhận chỉ dụ của Hoàng đế đến tỉnh Quảng Nam để dẹp quân nổi dậy do kẻ cầm đầu khét tiếng Hường Hiệu chỉ huy, vì hắn mà quân đội Pháp đã phải lập 36 đồn bốt ở vùng này. Theo các tin tình báo do thuộc cấp cung cấp, tôi biết được hắn ẩn nấp tại vùng An Lâm; tôi bắt được 25 tên đầu lĩnh và đám đồng đảng cũng theo đó đầu hàng. Nhưng Hường Hiệu đã tẩu thoát và trốn ở vùng núi Ngũ Hành, song cuối cùng vẫn bị tôi bắt được. Hắn bị bắt sống, nhốt vào cũi và giải về Huế.

Để tưởng thưởng những cống hiến của tôi, chính phủ Cộng hòa đã trao tặng tôi Bắc đẩu Bội tinh hạng 5.

Tác giả bài viết (trái) trong một lần khảo sát phế tích Thạch Sơn tự - ngôi chùa do Nguyễn Thân lập vào cuối đời trên núi Phú Thọ (TP.Quảng Ngãi)

L.H.K

Một thời gian sau đó, những cuộc nhiễu loạn lại nổ ra ở Bình Định; tôi lại được cử đến đó và cuối cùng đã dẹp loạn thành công, trả lại cho tỉnh này sự yên bình thật sự. Sau đó, thể theo sự đề đạt từ ngài Toàn quyền Piquet và của ngài Khâm sứ Hector, tôi đã được trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng 4. […]

Một thời gian sau về Huế, tôi lĩnh chức Binh bộ Thượng thư. Sau đó tôi được thuyên chuyển tới Bình Định kiêm nhiệm Tổng đốc vùng này theo yêu cầu của ngài Toàn quyền De Lanessan, tại đây tôi đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng tồn tại từ rất nhiều năm. Vì vậy mà tôi được bổ nhiệm làm Khâm mạng Tiết chế quân vụ tỉnh Nghệ Tĩnh. Triều đình An Nam đã tin tưởng giao cho tôi sứ mệnh quan trọng này theo yêu cầu của ngài Toàn quyền Rousseau và của ngài Khâm sứ Brière. Đó là nhiệm vụ lùng diệt một thủ lĩnh phản loạn là Phan Đình Phùng, kẻ đã chiếm giữ vùng đất Hà Tĩnh và Nghệ An, mặc dù chúng ta đã dồn toàn bộ lực lượng để tiễu trừ hắn. Đứng đầu đội quân 1.400 binh lính, tôi đã liên tục săn đuổi hắn tại những vùng núi này và cuối cùng đã vây bắt hắn với sự giúp đỡ của các đồn trú lập trên các tuyến đường. Thế cùng lực kiệt, lại bị thương trong một trận ác chiến, Phan Đình Phùng đã uống thuốc độc tự tử. Tất cả những đầu lĩnh khác đã bị bắt; hàng nghìn kẻ nổi dậy đã đầu hàng. Như vậy, vùng bắc Trung kỳ đã được bình định hoàn toàn.

Để tưởng thưởng cho những cống hiến này, nước Cộng hòa đã trao cho tôi Bắc đẩu Bội tinh hạng 3 và Hoàng đế An Nam đã phong cho tôi chức Phụ chính Đại thần và tước Quận công” (Paul Doumer; Xứ Đông Dương; NXB Thế giới, 2016, tr.294 - 297).

Còn đây là những dòng của một người Việt Nam đáng kính - cụ Phan Bội Châu: “Nguyễn Thân, người Quảng Ngãi, trước cũng dự tên Nghĩa hội, sau phản Nghĩa hội theo Pháp... Đây là tay đầu sỏ nhất trong bọn nô lệ Pháp” (Phan Bội Châu; Việt Nam vong quốc sử, NXB Khoa học xã hội, 2004, tr.34).

Bấy nhiêu nhận xét đó kể cũng là quá đủ vẽ nên chân dung của một kẻ gian hùng. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.