Kỳ lân Chợ Lớn: Nhập 'lò' 1

Trác Rin
Trác Rin
01/06/2018 10:06 GMT+7

Để hiểu rõ về nghề múa lân sư rồng Chợ Lớn, PV Thanh Niên gia nhập đoàn lân để cùng ăn ở, lang bạt biểu diễn khắp nơi...

Trong vai người mê múa lân và không chốn nương thân, tôi lân la tới đoàn lân sư rồng Huy Nghĩa Đường (đường Phan Văn Khỏe, Q.5) xin gia nhập. Sư phụ Ôn Gia Huy (50 tuổi, ngụ Q.5) thương tình dung nạp bởi tuổi tôi khá lớn so với đám đệ tử của ông.
Đội trống với những động tác nhịp nhàng, đẹp mắt
Đi... show
Ngày đầu tiên, sư phụ Gia Huy dặn dò: “Ngày mai đoàn đi tỉnh biểu diễn, con theo học nghề nhé! Nhớ siêng năng, cố gắng múa cho giỏi rồi sau này tạo cơ nghiệp cho riêng mình”.
Tối đó, sau khi họp mặt ở quán nước ven đường gần công viên Thăng Long (đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5), nhóm đệ tử trong nghĩa đường quyết định đi... cày game tại một tiệm internet trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, thức trắng đêm đợi ngày mai biểu diễn.
Phụng Kim Phát (22 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) cho biết: “Tụi tui đi múa lân từ năm 9 - 13 tuổi tới nay, khi có show sư phụ mới gọi về. Giờ mỗi đứa một nghề nên trong này tập trung đủ thành phần hết”.
Kim Phát (22 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) chơi game trắng đêm đợi tới sáng đi biểu diễn
Rạng sáng hôm sau, cả nhóm lật đật quay lại nghĩa đường. Công việc đầu tiên là khiêng dụng cụ từ nhà kho chất lên chiếc xe khách. Lúc này khí thế của các thành viên đã hừng hực, họ thi nhau lấy tay gõ lia lịa lên... đùi, lên đầu, người thì gõ lên yên xe máy. Tiếng lẩm bẩm “tùng, cách tùng, cách tùng tùng” vang vọng không ngưng nghỉ.
Thấy tôi loạng choạng ôm cái trống to đùng chất lên xe, sư huynh Trần Bá Gia Hòa, 23 tuổi, liền chạy lại hướng dẫn: “Ê! Lấy hai tay bám chặt phần mặt trống rồi... ụp mặt trống lên đầu mới dễ đi. Còn nữa, ông bỏ đồ vô thùng, buộc thắt lưng cho ngon lành nhé, đấy là thể diện của cả nghĩa đường mình đó”.
Đúng 6 giờ, mọi thứ xong xuôi. Chiếc xe khách 49 chỗ cũ xì, hàng ghế đã bong tróc gần hết bon bon về H.Đức Hòa (Long An). Dường như giờ mới thấm mệt, các thành viên “cày đêm” hồi tối mắt lim dim, gật gà gật gù rất khổ sở. Tầm hai tiếng sau thì tới nơi, sư phụ Gia Huy đứng giữa xe dõng dạc tuyên bố: “Thức dậy thôi các con! Xuống khiêng đồ rồi bày dàn trống, chuẩn bị chiến đấu nào!”.
Là lính mới nên tôi chỉ đứng quan sát các sư huynh biểu diễn để học. Quả thực mọi thứ đều quá mới mẻ: bày dàn trống hơn chục cái, những động tác nhào lộn, hô khẩu hiệu của các thành viên gạo cội khiến ai mới xem đều không khỏi thán phục. Thậm chí cách thắp nhang trước khi diễn cũng phải học.

Sư phụ Gia Huy kêu tôi lại nói nhỏ trước thời khắc quan trọng: “Trước khi múa sẽ tiến hành thắp nhang, con nhìn theo sư phụ mà làm theo, phải răm rắp đấy! Còn cái khẩu hiệu khi đánh trống được hiểu giống như mình đang “trừ yêu diệt ma” vậy đó”.
Nghề tay trái
Hầu hết những thanh niên múa lân sư rồng đều có cuộc sống không mấy khá giả nên ngoài lúc đi diễn vào các ngày lễ, tết họ phải làm thêm nghề khác. Sau khi gia nhập nghĩa đường, tôi được Trần Bá Gia Hòa cảnh báo: “Đi múa lân nghèo lắm nghen! Trong đoàn ai nấy đều đi phụ hồ, chở hàng thuê ở Chợ Lớn... nên có gì tui nhờ mấy đứa giới thiệu ông đi làm luôn”.
Theo học múa lân sư rồng từ năm 11 tuổi, Kim Phát cho biết nếu chỉ đi múa lân thì khó sống nổi ở đất Sài Gòn. “Bình thường ban ngày tui đi chở hàng thuê ở Chợ Lớn. Vào mùa trung thu với tết là show nhiều, tiền bạc cũng ổn chứ ngày thường tui mà không đi làm thêm thì có nước đói chết”, Phát đúc kết.
Sau mỗi chuyến diễn, những thành viên trụ cột, múa giỏi được sư phụ Gia Huy phát lương từ 150.000 - 300.000 đồng. Lính mới, đi theo học hỏi và khiêng đồ được sư phụ phát 100.000 đồng. “Lương bên mình vầy là ổn so với mấy nghĩa đường khác, mà thiệt ra múa lân vì đam mê là chính, tiền bạc bấy nhiêu thấm vào đâu...”, Thế Kiệt (21 tuổi, quê ở H.Đầm Dơi, Cà Mau) trải lòng. Hiện tại, anh thuê nhà trọ bên Q.Bình Tân và ngày thường đi phụ hồ kiếm sống.
Giấc ngủ tạm bợ của các thành viên trong đoàn lân sư rồng
Đặc biệt hơn là trường hợp của Lê Hiếu (17 tuổi, ngụ Q.8) và Quốc Trí (14 tuổi, ngụ H.Bình Chánh), ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” cũng miệt mài làm thêm khi không có show. Ai thuê gì làm nấy. Đều đặn những ngày rằm, Hiếu và Trí được bà chủ quán cơm chay trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7) “đặt hàng” để giữ xe và phụ bán. “Tụi em làm từ sáng tới 8 giờ tối mới nghỉ lận. Bà chủ trả 200.000 đồng/ngày. Tiền này tụi em tiêu xài, dư thì dành dụm để gửi cho gia đình”, Trí cho biết. (còn tiếp)
Học võ để nâng cao tay nghề
Ngày nọ, sư phụ Ôn Gia Huy dặn tôi chuẩn bị đi... học võ Thiếu Lâm, trang bị kỹ năng này để thực hiện các động tác múa lân dễ dàng. Ông ân cần: “Thấy con hiền với chịu khó nên ráng đi, sư phụ sẽ cố gắng đào tạo và hỗ trợ để sau này con mở đoàn riêng. Từ nay ta sẽ dạy con đánh trống và các động tác kỹ thuật. Sư phụ học múa lân sư rồng từ năm 13 tuổi và bắt đầu luyện võ, muốn trở thành “ngôi sao” trong nghề phải như vậy”.
Điều tối kỵ trong nghề
Với những người múa lân sư rồng, việc “nhảy” từ nghĩa đường này sang nghĩa đường khác là điều tối kỵ. Trong một lần họp mặt ở quán nước ven đường, các thành viên Huy Nghĩa Đường gặp người quen tới thăm. Đó là Hùng, thành viên cũ. Vẻ mặt buồn thiu, Hùng kể mình bị bỏ rơi khi gia nhập nghĩa đường mới, giờ mong được trở lại Huy Nghĩa Đường. “Việc chuyển sang nghĩa đường khác là điều cấm kỵ của nghề lân sư rồng. Thằng Hùng nó tệ lắm, lúc trước nhất quyết dứt áo ra đi. Giờ nó cũng như phản đồ, không ai nhận nó về đâu”, mặt Kim Phát lạnh lùng khi nhắc về đồng môn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.