Kỷ luật cho người giữ kỷ luật

01/08/2011 09:25 GMT+7

Vụ một thanh niên mặc thường phục bất ngờ dùng cây sắt tấn công một CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào trưa ngày 28.7 hóa ra không phải là chuyện “dân đánh cảnh sát” như những người chứng kiến nghĩ, vì người thanh niên hung hăng bất chấp pháp luật kia chính là một... cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Dù không mặc sắc phục, nhưng đã là công an, lại là CSCĐ - lực lượng chuyên giữ an ninh trật tự, trấn áp tội phạm - mà Trần Đại Phúc (tên người CSCĐ) lại hung hãn tấn công ngay đồng đội của mình đang làm nhiệm vụ chỉ với lý do “thổi còi” mình không đội mũ bảo hiểm - nghĩa là mình đang phạm luật - thì thật là khó tin và quá đáng.

Lâu nay, chuyện cảnh sát hành xử thô bạo đã xảy ra đây đó. Cũng đây đó, đã có những vụ thường dân hành hung cảnh sát. Nhưng tới chuyện cảnh sát đánh... cảnh sát giữa ban ngày, thì rất đáng cho lực lượng công an phải nghĩ về kỷ luật trong ngành mình.

Công an là lực lượng bảo vệ pháp luật, giữ gìn trật tự nên không thể cho phép trong lực lượng của mình có những cá nhân hành xử phi pháp, coi pháp luật không ra gì, thậm chí dùng bạo lực với cả đồng đội của mình. 

Khi người mặc sắc phục công an hành xử theo kiểu “đứng trên pháp luật” thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn, người dân lương thiện nhìn vào đó mà không còn dám tin vào chính lực lượng bảo vệ mình nữa. Đó là sự suy giảm niềm tin mà chúng ta không thể coi thường, vì nó đã và sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.

Khi một công dân mặc sắc phục cảnh sát, là đã phải tự đặt mình vào kỷ luật, kỷ cương của ngành mình, một ngành coi kỷ luật và sự chấp hành kỷ luật cao hơn hết.

Tình trạng vô kỷ luật ở một số cá nhân công an, cảnh sát ít nhiều làm ảnh hưởng không tốt đến những tấm gương hy sinh của người chiến sĩ công an. Đó thực sự là điều đau lòng. Vì vậy, ngành công an cần rất nghiêm khắc với những chiến sĩ phạm kỷ luật và pháp luật.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.