'Kỷ lục 1,4 triệu USD sẽ bị phá vỡ trong một ngày rất gần'

03/06/2019 05:16 GMT+7

Từ Pháp, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi (ảnh) đã chia sẻ và phân tích về lý do tranh của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương đang được ưa chuộng tại các sàn đấu giá quốc tế .

Ngô Kim-Khôi là nhà nghiên cứu độc lập về hội họa VN, ông có những am hiểu sâu sắc về thế hệ nghệ sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine). Ông cũng là người chấp bút viết phê bình các tác phẩm tranh Đông Dương cho các nhà đấu giá tại Paris như Aguttes, Art Valorem.
Ông có thể lý giải về việc tranh của các họa sĩ Đông Dương được giá trên thị trường quốc tế? Giá trị tranh của các họa sĩ Đông Dương đã được đánh giá chính xác hay chưa?
Trường Mỹ thuật Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường hội họa thế giới. Điều đặc biệt này do sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông Tây, đó là công lao của họa sĩ người Pháp Victor Tardieu và Nguyễn Nam Sơn - hai họa sĩ đã thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng nhiều giáo sư khác.
Vào thời kỳ Trường Mỹ thuật Đông Dương, việc giảng dạy rất nghiêm túc, dựa theo phương pháp giảng dạy của Trường Mỹ thuật Paris. Thầy giáo cũng được tuyển chọn rất khắt khe, là những người từng được giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine), và mỗi khóa chỉ trúng tuyển khoảng 10 thí sinh. Chính vì thế, trường đã đào tạo ra một thế hệ họa sĩ có khả năng rất lớn. Thêm về giá trị thời gian, tranh Đông Dương càng ngày càng đặc biệt hơn.
Khi thưởng thức một bức tranh Đông Dương, người ta nhận ra ngay đó là tranh của mỹ thuật VN, không lẫn lộn vào dòng mỹ thuật nào cả.
Tôi cho rằng giá trị tranh Đông Dương trên thị trường quốc tế hiện tại vẫn còn chưa chính xác. So sánh với các dòng tranh khác tại châu Á, như Trung Hoa hay Nhật Bản trên thị trường tranh quốc tế, giá trị tranh Đông Dương phải hơn như thế. Tôi tin rằng kỷ lục 1,4 triệu USD gần đây (cho tác phẩm Khỏa thân (sơn dầu, 90,5 x 180,5 cm, 1931) của cố họa sĩ Lê Phổ) sẽ bị phá vỡ trong một ngày rất gần.
Nhiều người bất ngờ với việc tranh của các họa sĩ Đông Dương bán được triệu đô, với cương vị là một nhà nghiên cứu mỹ thuật thì ông có bất ngờ hay không? Ông có thể cho biết một vài dẫn chứng về các bức tranh VN thật sự có giá trị trên thị trường nhưng lại bị lãng quên một cách đáng tiếc vì những lý do khách quan?
Đối với tôi, việc tranh của các họa sĩ Đông Dương vượt mức 1 triệu USD là điều không có gì ngạc nhiên. Hiện nay trong các bộ sưu tập tư nhân có rất nhiều tranh chưa tiết lộ, và giá trị của nó không nhỏ. Không phải tranh bị lãng quên, mà do những điều kiện khách quan hay chủ quan tranh chưa xuất hiện trên thị trường. Dĩ nhiên, vì tính bảo mật, tôi không thể tiết lộ tranh cũng như danh tính của nhà sưu tập.
Ngoài tranh Đông Dương, ông nhận định còn có dòng tranh của tác giả hay thời kỳ nào có thể tiếp tục đạt đỉnh cao?
Các họa sĩ trẻ hiện nay đang tạo ra nhiều xu hướng sáng tác đặc biệt, trộn lẫn các chất liệu cũng như phong cách. Riêng tôi, nghệ thuật sắp đặt là một trong những xu hướng thành công. Thủy Nguyễn là một thí dụ, vì ngoài vai trò họa sĩ, cô còn là một nhà thiết kế áo dài có tài. Ở Pháp, tôi cũng ưa thích lối vẽ mới mẻ và táo bạo của họa sĩ trẻ Hom Nguyen.
Theo dõi và tham gia nhiều trong các cuộc đấu giá tranh tại nước ngoài, ông nhìn nhận thế nào về thị trường đấu giá trong nước?
Tôi rất hân hoan vì thị trường đấu giá trong nước ngày càng rộng mở, đến gần với mọi người yêu tranh. Sự gần gũi này khiến các nhà sưu tập không còn rụt rè đắn đo như trước, mà đã mạnh dạn tiếp cận các cuộc đấu giá, tại hiện trường cũng như trên điện thoại… Tuy nhiên, vì đây là một thị trường mới nên không khỏi vấp phải những khó khăn và còn nhiều bất cập. Chính vì vậy những tranh có giá trị người ta thường giao cho các nhà đấu giá quốc tế. Có lẽ thị trường VN cần học hỏi thêm cách bao quát và phổ biến rộng rãi ra nước ngoài, để các cuộc đấu giá có tính chất quốc tế hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.