Sự tan vỡ hôn nhân dẫn đến hậu quả vợ chồng ly dị “đường ai nấy đi” đã trở thành một hiện tượng xã hội đáng báo động ở Trung Quốc (TQ) hiện nay. Theo Tân Hoa Xã, số vụ ly dị ở TQ tăng lên hằng năm với tỉ lệ đến mức kỷ lục mà các nhà xã hội học gọi là “kỷ lục buồn” và truy tìm nguyên nhân để khắc phục
Theo thống kê chính thức của Bộ Nội vụ TQ, hằng năm, số vụ ly hôn trong cả nước tăng 7%. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, mức tăng là 30%, “kỷ lục cao nhất nước” như báo China Daily nhận xét!
Thống kê cụ thể cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, toàn TQ có 2,8 triệu cặp vợ chồng ra tòa ly dị, tức là mỗi ngày có hơn 10.000 vụ “chia tay”, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2010! Theo nghiên cứu của giáo sư luật Mã Nghĩa Nam - Trường Đại học Bắc Kinh - tình trạng ly hôn bắt đầu bột phát từ thập kỷ 70 thế kỷ trước do hậu quả của phong trào kết hôn cưỡng ép vì mục đích chính trị thời kỳ cách mạng văn hóa (1966-1976).
Trong công trình nghiên cứu của mình, giáo sư Mã cho rằng công cuộc cải cách mở cửa xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại hóa đất nước kể từ năm 1978 cũng là tác nhân làm thay đổi lối sống của giới trẻ và quan niệm về hôn nhân của xã hội. Các cặp vợ chồng không còn hài lòng với các cuộc hôn nhân chỉ thuần túy theo phong tục truyền thống “lễ nghĩa nòi giống”. Đối với giới nữ TQ hiện nay, độc lập về kinh tế cũng có nghĩa là độc lập về tâm tư, tình cảm khiến họ mạnh dạn chia tay với các cuộc hôn nhân không mang lại “hạnh phúc theo ước nguyện”.
Kết quả điều tra của Tân Hoa Xã cho thấy hơn một nửa số vụ ly hôn đưa ra tòa án giải quyết là do phụ nữ chủ động yêu cầu. Cuộc điều tra kết luận rằng sự bao dung ngày càng tăng của xã hội cũng là nhân tố thúc đẩy chị em phụ nữ mạnh dạn vượt qua sự kỳ thị “phụ nữ bỏ chồng” tồn tại trong xã hội TQ từ bao đời nay.
Bác sĩ Khuất Dương, chuyên gia tâm lý, cố vấn về vấn đề hôn nhân của Học viện Thể thao Bắc Kinh, nói: “Xã hội cần cởi mở, không nên coi ly hôn là “tủi hổ” vì là “sự lựa chọn tự do của mỗi cá nhân và hoàn toàn riêng tư”. Có kết hôn thì có ly hôn là quy luật tự nhiên, miễn sao cách xử lý phải mang đậm tình người!”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)