Từ hơn 40 năm nay, ông Nguyễn Đường làm công việc gánh nước thuê để nuôi gia đình, trong đó có người con mắc bệnh tâm thần. Nhiều người cho rằng đó là “kỷ lục” chẳng có gì đáng tự hào, và việc xác lập kỷ lục như vậy không mang ý nghĩa nhân văn thậm chí gây cảm giác chua xót. Ông Đường được trao kỷ lục vào cuối tháng 12.2014.
|
Chiều hôm qua 12.3, PV Thanh Niên đã liên lạc với ông Dương Duy Lâm Viên (Giám đốc điều hành Tổ chức Kỷ lục VN) để hỏi về những tiêu chí xét tặng kỷ lục này, nhưng ông Viên từ chối trả lời vì bận việc và nói PV tham khảo thông tin trên trang web của tổ chức về việc trao kỷ lục cho ông Đường.
Theo những thông tin được đăng tải, Tổ chức Kỷ lục VN lý giải: gánh nước thuê được xem là một nghề ở Hội An và là nét văn hóa đặc sắc của người dân phố cổ, còn những người phu gánh nước giếng thuê được xem là một sản phẩm du lịch, làm đẹp hơn cho phố cổ. Việc trao kỷ lục cho ông Đường là để ghi nhận ý chí, nghị lực trong cuộc sống của ông cũng như tình yêu, sự gắn bó với quê hương.
Trong khi đó, TS mỹ học Nguyễn Thế Hùng nhìn nhận kỷ lục này chỉ khiến người ta thấy thương xót với nỗi cơ cực của ông cụ, không thấy ý nghĩa, giá trị văn hóa, nhân văn nào cả. “Kỷ lục này là rất nhảm nhí. Tổ chức trao kỷ lục thiếu tư duy xã hội và tư duy thẩm mỹ”, TS Hùng nói.
Những cái nhất kỳ khôi
Ngoài kỷ lục được trao cho ông Đường, nhìn vào danh sách các kỷ lục đã được Tổ chức Kỷ lục VN ghi nhận, không ít kỷ lục không mang ý nghĩa, giá trị xã hội, thậm chí kỳ khôi.
Năm ngoái, một câu lạc bộ doanh nhân nhận kỷ lục đoàn xe caravan doanh nhân nhiều nhất đi trao quà từ thiện trong chương trình tôn vinh “chữ tình của các doanh nhân”. Vừa qua, nhân một sự kiện, gần 1.000 nhân viên của công ty cùng nhau nhảy và hát để lập kỷ lục dàn đồng ca gần 1.000 người tham dự. Trong khi đó, để kỷ niệm 10 năm hoạt động, một công ty cũng cố gắng xác lập kỷ lục “Đơn vị có số lượng đội ngũ quản lý kinh doanh cấp cao đông nhất chinh phục Fansipan bằng cung đường bộ”.
Trong danh sách này, hàng dài những kỷ lục “lớn nhất, to nhất, dài nhất” được sáng tạo ra: Đĩa xôi xoài lớn nhất, Bộ sưu tập thời trang được kết từ nhiều bao cao su T (tên nhãn hàng) nhất, Thuốc ho bổ phế lâu đời nhất VN, Công ty có thời gian tài trợ chương trình bình chọn âm nhạc VN trên sóng đài phát thanh lâu nhất...
Mua kỷ lục từ 5 - 50 triệu đồng
Trong vai nhân viên của công ty, chúng tôi liên lạc với người của Tổ chức Kỷ lục VN hỏi về các thủ tục xin xác lập kỷ lục và được hướng dẫn tận tình. Người này nói nếu là doanh nghiệp muốn đăng lý xác lập kỷ lục thì phải trả phí, mức phí sẽ tùy theo kỷ lục muốn xác nhận.
Theo trang web của Tổ chức Kỷ lục VN, “Tổ chức Kỷ lục VN - Hội Kỷ lục gia VN là một tổ chức xã hội, hoạt động theo Quyết định thành lập của Bộ Nội vụ (Quyết định số 959/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 23.8.2013), là đơn vị xác lập các kỷ lục tại VN. Hiện nay, Tổ chức Kỷ lục VN đã xác lập trên 1.700 kỷ lục tại 63 tỉnh thành phố, kết nối với cộng đồng hàng ngàn kỷ lục gia trong và ngoài nước. Tổ chức Kỷ lục VN cũng là đại diện chính thức của Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings), Hiệp hội Kỷ lục thế giới (WRA), Đại học Kỷ lục thế giới (WRU), Tổ chức Kỷ lục châu Á (Asia Book of Records), Tổ chức Kỷ lục Đông Dương (Indochina Book of Records) tại VN”.
Trang web cũng đăng tải chi tiết các bước thực hiện hồ sơ đăng ký, cùng với đó là các mức thu phí xác lập kỷ lục. Chẳng hạn cá nhân muốn xác lập kỷ lục để quảng bá hình ảnh hoặc mang yếu tố thương mại cần trả 5 - 15 triệu đồng, với các tổ chức, doanh nghiệp, chi phí này là 30 - 50 triệu đồng. Để xác lập kỷ lục đặc biệt như cần có chuyên viên kỷ lục đến thẩm định, trao kỷ lục tại chỗ, mức phí tối thiếu là 50 triệu đồng. Ngoài ra, nếu địa điểm xác lập kỷ lục ngoài Hà Nội hay TP.HCM cần phải chi trả thêm chi phí ăn, ở, đi lại cho đại diện của Tổ chức Kỷ lục VN. Khoản chi phí này được cho biết dùng vào việc kiểm tra, xác minh thông tin, thẩm định, công bố kỷ lục, biên tập nội dung, đăng thông tin trên các phương tiện truyền thông của tổ chức này.
Nhìn nhận về việc xét kỷ lục hiện nay, TS mỹ học Nguyễn Thế Hùng nói: “Cơ quan nhà nước cần có cơ chế quản lý việc xét kỷ lục, chứ còn việc xét kỷ lục tùm lum như hiện nay thì ai thích cũng lập được kỷ lục, dẫn tới việc có không ít những kỷ lục nhảm nhí, vô giá trị”. GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia) nhìn nhận: “Kỷ lục có giá trị là để đánh giá sự sáng tạo, công lao, cố gắng của các cá nhân, tập thể. Trong khi đó, có những kỷ lục tôi nghe mà không hiểu nổi có ý nghĩa gì. Bỏ tiền ra để lấy kỷ lục một cách nhanh chóng thì phải gọi là kỷ lục mua bán”.
Bình luận (0)