(TNO) 'Cô gái vàng' của điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Huyền, người giành 3 HCV (cá nhân, đồng đội), phá kỷ lục tại SEA Games 28, giành 2 vé tham dự Olympic 2016 đến nay vẫn chưa được mua bảo hiểm y tế.
Nguyễn Thị Huyền, "cô gái vàng" của điền kinh Việt Nam không có bảo hiểm y tế bao nhiêu năm nay - Ảnh: Khả Hòa
|
Vậy thì bao nhiêu năm qua, cô gái này đã được chăm lo sức khỏe như thế nào? Sự thật là thời gian ở tuyển trẻ, Nguyễn Thị Huyền được một vài lần kiểm tra sức bền cơ thể. Khi được vào đội tuyển Quốc gia, bắt đầu Nguyễn Thị Huyền được kiểm tra sức khỏe định kỳ, mỗi năm một lần, gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang… Lần cuối cùng, Nguyễn Thị Huyền được nhìn thấy bảo hiểm y tế của mình, đó là ngày cô là học sinh THPT. Từ ngày tốt nghiệp THPT đến nay, chưa bao giờ cô gái này được cầm trong tay bất cứ một loại bảo hiểm gì cho bản thân mình. Chưa nói đến bảo hiểm cho đôi chân, hay bảo hiểm nhân thọ trọn đời, ngay bảo hiểm y tế cho việc chăm sóc sức khỏe định kỳ tại bệnh viện tuyến gần nhất, Huyền cũng chưa được cấp.
“Thật may mắn là em chưa lần nào bị chấn thương nặng phải nhập viện hoặc bị đau bụng, cấp cứu bao giờ. Chứ không cũng chẳng biết ai sẽ chi trả số tiền đó cho mình. Một số người bạn em trong đội điền kinh của Nam Định có bị đau dạ dày, phải nhập viện, không có bảo hiểm y tế, gia đình bạn đó phải bỏ tiền túi để khám, mua thuốc, tất tần tật”, Nguyễn Thị Huyền bộc bạch.
Huyền không dám nghĩ đến chấn thương, bởi nếu nó xảy ra, cô cũng không biết ai sẽ là người chịu cùng mình những tổn thất về tài chính, chứ chưa nói đến nỗi đau thể xác, tinh thần - Ảnh: Khả Hòa
|
|
Với mỗi VĐV, việc chấn thương (dù không ai mong muốn) có thể diễn ra như cơm bữa hàng ngày, đặc biệt với những VĐV thi đấu đỉnh cao như Nguyễn Thị Huyền. Song, suốt 8 năm qua tập luyện, thi đấu tại Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Nam Định, Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn, Hà Nội cho đến bây giờ, cô gái trẻ này vẫn chưa được biết, nếu trong thời gian là VĐV, nếu bất ngờ có rủi ro nào xảy ra với mình, ai sẽ là người cùng cô chịu những tổn thất về tài chính (chứ chưa nói đến nỗi đau thể xác, tinh thần)?
Một HLV (đề nghị được giấu tên) đang công tác tại Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nam Định cho hay: “Tôi nghĩ trường hợp của Nguyễn Thị Huyền, nếu có chấn thương, hoặc vấn đề gì về sức khỏe, sẽ có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm, vì Huyền có nhiều thành tích cho Quốc gia, được báo chí biết đến. Tuy nhiên, còn những VĐV khác ở Nam Định, chưa có tên tuổi gì, nếu không may bị chấn thương trong lúc tập luyện, thi đấu cũng không biết kêu ai vì không được ai mua cho bảo hiểm y tế”.
“Bản thân trong đội tuyển của tôi, có mấy em đang bị chấn thương, nhưng tôi kêu gọi mãi, cũng không được cấp trên hỗ trợ gì, gia đình các em lại phải bỏ tiền đóng viện phí hết”, HLV này chua chát.
Thi đấu 8 năm chưa được vào biên chế
Nỗi buồn này vẫn ám ảnh người vừa giành 2 vé tham dự Olympic 2016 Nguyễn Thị Huyền và HLV của cô suốt những năm tháng qua.
“Tôi đưa ý kiến trong bao nhiêu cuộc họp, nói ra rả rất nhiều lần, đề nghị xem xét trường hợp của Nguyễn Thị Huyền để em có một xuất biên chế, song, đến nay Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nam Định vẫn bảo đang đề nghị lên trên Tỉnh, chưa có kết quả”, ông Phạm Văn Chinh, Trưởng bộ môn điền kinh Nam Định, đồng thời là HLV tuyển trẻ Quốc gia bộ môn điền kinh buồn rầu.
Nguyễn Thị Huyền (giữa) tại hôm tuyên dương VĐV, HLV điền kinh sau SEA Games 28 tại Hà Nội ngày 3.7 - Ảnh: Thúy Hằng
|
Là người chứng kiến những bước đi của Huyền từ những ngày đầu tiên tới hôm nay, ông Chinh hiểu Huyền xứng đáng cho một xuất biên chế như thế nào, song, ông không thể tự quyết định.
Đến với điền kinh từ năm học lớp 8, lớp 11, Huyền được vào đội tuyển Quốc gia. Trong 8 năm qua, Nguyễn Thị Huyền liên tiếp khẳng định bản thân bằng những thành tích ngày một tốt hơn.
Ngoài 3 HCV ở SEA Games 28 vừa qua, ở giải Grand Prix điền kinh châu Á diễn ra ở Thái Lan, Nguyễn Thị Huyền lập cú đúp vàng cho điền kinh Việt Nam.
Tại buổi tuyên dương VĐV, HLV điền kinh sau SEA Games 28 tổ chức hôm 3.7 ở Hà Nội, ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Việt Nam (VAF) không ngớt lời khen Huyền, cho rằng đây là thành tích khiến ông và nhiều lãnh đạo “mát mày mát mặt”.
Tuy nhiên, có một sự thật chua chát là, đây là SEA Games lần đầu tiên, "Lọ lem" Nguyễn Thị Huyền, một VĐV có hoàn cảnh khó khăn, biết đến tiền thưởng, nhờ sự quan tâm của VAF.
Nguyễn Thị Huyền đại diện cho các VĐV nhận phần thưởng 130 triệu đồng từ Liên đoàn điền kinh Việt Nam (VAF) - Ảnh: Thúy Hằng
|
Trước đây, khi được giải thưởng cao ở giải trẻ Đông Nam Á, Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nam Định đều cho biết “đang xem xét” để thưởng cho Huyền.
Năm nay, SEA Games 28 kết thúc được quá nửa tháng, Grand Prix cũng đi qua gần được 1 tuần, Sở này cũng bảo, sẽ lại xem xét tiếp, để thưởng cho các VĐV có thành tích cao.
Tuy nhiên, có lẽ, sự "xem xét" này còn lâu mới biết kết quả, khi mà VĐV điền kinh Dương Văn Thái (sinh năm 1992), cũng của Nam Định, giành HCV cả 3 mùa SEA Games 26, 27, 28, nhưng số tiền thưởng của địa phương cho anh trong 2 mùa SEA Games 26, 27 chỉ là... không có gì.
Dương Văn Thái (số 313) chiến thắng tại SEA Games 28 với 2 HCV. Cả 3 mùa SEA Games vừa qua, anh đều có HCV, song phần thưởng của Nam Định cho anh là... không có gì - Ảnh: Khả Hòa
|
Dương Văn Thái cũng là một niềm tự hào của thể thao Nam Định tuy nhiên đến nay chưa biên chế, không có bất kỳ một bảo hiểm gì, kể cả bảo hiểm y tế.
“Chúng tôi luôn muốn những trường hợp như Nguyễn Thị Huyền, Dương Văn Thái được vào biên chế, được chăm lo chế độ tốt nhất để làm tấm gương, là chỗ dựa tinh thần cho đàn em nhìn vào để học tập, cố gắng phấn đấu. Chứ không, người giỏi cũng bỏ đi hết, ai dám cho con em theo thể thao nữa. Nhưng đề nghị mãi, mỏi mồm, rồi lời đề nghị của mình cũng chìm vào hư không”, một HLV đang công tác tại Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nam Định chán nản bày tỏ với Thanh Niên Online.
Cũng phải nói thêm rằng, trong buổi khen thưởng VĐV, HLV đạt thành tích cao tại SEA Games 28, ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Việt Nam (VAF) đưa ra "tham vọng", muốn điền kinh Việt Nam phải qua mặt được Thái Lan. Liệu có thể đạt được giấc mơ này không, khi mà nhiều VĐV giỏi hàng ngày vẫn phải chạy trên mạo hiểm với nỗi buồn không bảo hiểm?
Những thành tích của VĐV chưa biên chế, không bảo hiểm y tế Nguyễn Thị Huyền
Năm 2014, thi đấu tại ASIAD không thành công, nhưng tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, Huyền mang về tới 4 HCV ở các nội dung 400m, 400m rào, tiếp sức 4x200m và tiếp sức 4x100m nữ.
Tháng 6.2015 là mùa vàng của Huyền khi cô gái sinh năm 1993 này phá kỷ lục SEA Games ở cự ly 400m vượt rào nữ với thành tích 56,15 giây (kỷ lục cũ 56,78 giây do VĐV người Thái lập tại Manila, Philippines năm 1995).
Ngày 11.6, nội dung tiếp sức 4x400m nữ, Nguyễn Thị Huyền cùng Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy phá kỷ lục tồn tại suốt 24 năm của SEA Games, giành HCV và cả suất dự Olympic 2016.
Ngày 12.6, cô giành thêm HCV ở đường chạy 400m, lấy thêm một vé đến Olympic Brazil vào năm sau.
Tại Grand Prix điền kinh châu Á 2015, Huyền mang về 2 HCV, cùng với Quách Công Lịch đưa tên tuổi của điền kinh Việt Nam tỏa sáng trên đấu trường châu Á.
|
Bình luận (0)