Thực ra, ngay từ khi trận khai mạc World Cup chưa bắt đầu thì đã có một “kỷ lục” không mấy vui vẻ được thiết lập: Đây sẽ là trận khai mạc giữa 2 đội có thứ hạng thấp nhất trên bảng tổng sắp của FIFA trong lịch sử các kỳ World Cup. Nga xếp thứ 70, thấp nhất trong 32 đội dự giải; còn Ả Rập Saudi thứ 67, tức chỉ đứng trên Nga mà thôi (tổng hạng 137). Không sao, điều quan trọng là chất lượng trận đấu như thế nào, có đủ gay cấn và hấp dẫn giữa đội chủ nhà – từng là một thế lực của bóng đá thế giới ngày xưa – nay đang tràn đầy khát khao chứng tỏ khả năng của mình, với một đại diện của bóng đá châu Á đã vắng mặt tại đấu trường này suốt 12 năm qua.
Thật tiếc khi tình thế không hẳn như trông đợi. Nói đúng hơn, chỉ có Nga thể hiện được mình. Họ đã thể hiện được tất cả những gì người hâm mộ của xứ sở bạch dương chờ đợi: Tinh thần thi đấu đầy quyết tâm và “máu lửa”, phối hợp khá chặt chẽ, ăn ý; chủ động phong tỏa đối phương từ xa; và điều quan trọng nhất là tính hiệu quả trong lối chơi rất rõ rệt. Còn Ả Rập Saudi thì ngược lại. Họ chỉ có vẻ “bốc lên” trong ít phút đầu, sau đó mau chóng bộc lộ hàng loạt điểm yếu, từ cách giữ bóng nhiều nhưng chủ yếu là chuyền ban qua lại; chuyền hỏng cũng nhiều và rối rắm, thiếu hẳn độ sắc nét, thậm chí gần như bế tắc trước lối chơi pressing từ giữa sân của đối thủ. Sau khi Nga mở tỷ số, rồi nâng tiếp tỷ số lên 2-0, thì cục diện xem như sớm định đoạt.
|
Bây giờ hãy nhìn vào thông số chuyên môn đáng chú ý của trận đấu. Ả Rập Saudi cầm bóng tới 60%, nhưng cả trận chỉ dứt điểm được 6 lần và đều... không trúng đích. Còn Nga, dù chỉ kiểm soát bóng 40%, nhưng tung ra tới 13 cú dứt điểm, 7 lần trúng đích và 5 lần biến thành bàn thắng.
Diễn biến trên sân chỉ ra rằng Ả Rập Saudi gần như không có mảng miếng nào rõ rệt trong tấn công. Họ cứ loanh quanh chuyền (511 lần, so với 306 của Nga) rồi mất bóng. Còn trong phòng ngự, họ dễ dàng như đàn ong vỡ tổ mỗi khi đối phương bất ngờ tăng tốc hoặc trước các tình huống liên tục bị ép sân. Các cầu thủ Ả Rập Saudi cũng to, cao, thoạt nhìn có vẻ khỏe khoắn không thua gì Nga, nhưng khi tranh chấp tay đôi họ tỏ ra sút kém hơn nhiều; khả năng di chuyển vị trí không bóng và xử lý tình huống lắm khi cũng rất đỗi “ngờ nghệch”.
tin liên quan
Nhật ký World Cup: Tiếng gầm của gấu Nga dưới ánh nắng MoscowAlexander, người đàn ông trung niên đứng kế quầy uống bia với bạn bảo trước khi vào giải, rất nhiều chỉ trích khiến sự kỳ vọng vào tuyển Nga xuống tận đáy. Nhưng FanFest đã phải đóng cửa vì sợ "vỡ sân" chỉ sau nửa hiệp 1…
Tấn công bế tắc, còn phòng ngự lại lỏng lẻo và thiếu tính kỷ luật. Một thông số chuyên môn đáng chú ý khác chỉ ra rằng quãng đường các cầu thủ Nga di chuyển tổng cộng là 118km, hơn rất nhiều so với con số 105km của cầu thủ đến từ châu Á!
Sự chênh lệch về thế trận rõ ràng đến nỗi ai cũng có thể thấy: Nếu Nga tấn công sắc hơn một chút, ăn ý hơn một chút, dứt điểm chuẩn hơn một chút, thì cách biệt tỷ số có khi còn lớn hơn nhiều. Có lẽ chưa hẳn Nga quá hay (sức mạnh thật sự của Nga có lẽ cần tới 2 trận sau với Ai Cập và Uruguay mới được kiểm chứng), mà vì Ả Rập Saudi quá dở!
Xem trận khai mạc, nhiều người hẳn đã tiếc thay cho sự vắng mặt của Ý hay Hà Lan. Và kỷ lục mới về độ chênh lệch tỷ số trong trận khai mạc của World Cup đã được lập nên theo cách dễ dàng như thế...
Bình luận (0)