Kỷ lục nhiệt độ lại bị phá, có thể chỉ là khởi đầu của thảm họa

Khánh Như
Khánh Như
16/06/2023 09:58 GMT+7

Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào đầu tháng 6 năm nay là mức cao nhất so với cùng kỳ các năm từng được cơ quan giám sát khí hậu châu Âu ghi nhận.

Copernicus, cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu, hôm 15.6 cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu vào đầu tháng 6 năm nay là mức cao nhất mà họ từng ghi nhận, đài France24 đưa tin.

Cụ thể, sơ bộ nhiệt độ trung bình toàn cầu được đo đầu tháng 6 cao hơn gần 1 độ C so với mức được ghi nhận kể từ năm 1979. Theo dữ liệu, nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng ngày bằng hoặc cao hơn ngưỡng 1,5 độ C trong khoảng thời gian từ ngày 7-11.6, đạt mức cao nhất là 1,69 độ C vào ngày 9.6.

Kỷ lục nhiệt độ lại bị phá, có thể 'chỉ là khởi đầu' của thảm họa - Ảnh 1.

Cháy tại một cánh đồng lúa mì ở Tây Ban Nha trong đợt nắng nóng thứ hai ở nước này vào năm 2022

REUTERS

Copernicus cho hay đây không phải lần đầu nhiệt độ toàn cầu chạm đến mức cao như vậy. Trước đó, giới hạn này đã bị vượt qua nhiều lần vào mùa đông và mùa xuân của những năm gần đây.

Bên cạnh đó, Copernicus cũng thông báo rằng nhiệt độ các đại dương trên toàn cầu trong tháng qua đã ấm lên, và cao hơn bất kỳ tháng 5 nào từng được ghi nhận.

Thế giới 'hầm hập' vì El Nino

Các điều kiện nóng lên trong thời gian dài do đốt nhiên liệu hóa thạch có thể phải tiếp nhận thêm xung nhiệt từ El Nino, một hiện tượng tự nhiên diễn ra khoảng 2-7 năm một lần, trong đó các phần của Thái Bình Dương nóng lên, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến.

Kiểu thời tiết này xảy ra lần cuối vào năm 2018-2019. Hầu hết những năm nóng nhất từng được ghi nhận đều xảy ra trong thời kỳ El Nino. Các nhà khoa học lo ngại rằng mùa hè năm nay và năm sau có thể chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục trên đất liền và trên biển.

Tuần trước, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết các điều kiện El Nino đang xuất hiện và sẽ "dần dần mạnh lên" vào đầu năm tới. Theo bản cập nhật ngày 14.6 của cơ quan này, vào tháng trước, thế giới đã trải qua tháng 5 nóng thứ ba trong 174 năm. Cả Bắc Mỹ và Nam Mỹ đều có tháng 5 nóng nhất từng được ghi nhận.

Ngoài ra, nhiệt độ cao trong lòng đại dương cũng ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu và phá hủy các quần thể cá, tẩy trắng các rạn san hô và khiến mực nước biển ven bờ dâng cao.

Bà Ellen Bartow-Gillies, một nhà khoa học khí hậu tại NOAA nói với tờ The Guardian rằng cơ quan này vẫn chưa xử lý dữ liệu nhiệt độ tháng 6 nhưng có vẻ như nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng này.

Bất kể năm 2023 có trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận hay không, các nhà khoa học cảnh báo rằng tác động leo thang của khủng hoảng khí hậu đang rõ ràng, và sẽ không thể giảm bớt trừ khi khí thải nhà kính được cắt giảm triệt để.

Bà Natalie Mahowald, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Cornell (Mỹ) cảnh báo: "Nếu không cắt giảm phát thải mạnh hơn, những thay đổi mà chúng ta đang thấy chỉ là khởi đầu của những tác động bất lợi mà chúng ta có thể thấy".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.