Buổi Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức đã diễn ra sôi động tại Trường THPT Phú Mỹ (Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vào chiều 28.1.
Học sinh đặt câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi tại Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Buổi tư vấn tập trung vào việc tìm hiểu thông tin các ngành nghề cũng như cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Hơn 1.000 học sinh (HS) các trường THPT Phú Mỹ, Trần Hưng Đạo, Hắc Dịch đã được nghỉ học buổi chiều để tham dự chương trình. Đầu chương trình, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Theo dự kiến, khả năng kỳ thi vẫn giữ nguyên như năm 2015, nếu có sẽ điều chỉnh để tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.
Theo đó, dự kiến tháng 4, thí sinh sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Do vậy, thí sinh cần đăng ký môn học phù hợp, bên cạnh các môn bắt buộc xét tốt nghiệp còn phải đăng ký thêm môn trong tổ hợp xét tuyển của các trường ĐH, CĐ.
Thạc sĩ Vũ cho biết hầu hết các trường xét tuyển thí sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường có đề án tuyển sinh riêng xét thí sinh dựa trên học bạ THPT.
Thừa giáo viên, có nên thi sư phạm ?
Rất nhiều câu hỏi của HS ở địa phương này dành cho khối ngành sư phạm. Ngoài việc tìm hiểu thông tin ngành nghề, nhiều HS băn khoăn về việc làm sau khi tốt nghiệp. Một HS đặt vấn đề: “Em có nên nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành sư phạm không khi tình trạng sinh viên các ngành này ra trường không tìm được việc làm?”. Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2015 thì nhu cầu tuyển dụng giáo viên vẫn có với số lượng từ 18.000 - 20.000 người. Thực tế, tình trạng thừa giáo viên tồn tại song song với việc thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học và tiếng Anh. Hơn nữa, thời điểm hiện nay, chúng ta đang thực sự thiếu giáo viên có chất lượng.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi về ngành marketing, thạc sĩ Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho rằng bên cạnh kiến thức nền về kinh tế, sinh viên còn được học thêm kiến thức cần thiết khác như: thiết kế, thị trường, truyền thông…
Nữ có nên theo học ngành kỹ thuật ?
Một nữ sinh Trường THPT Hắc Dịch thắc mắc: “Nếu là nữ có nên theo học ngành kỹ thuật không?”. Tiến sĩ Phan Đức Hùng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giải đáp: “Nếu là nữ khi theo học các ngành kỹ thuật, sinh viên sẽ có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên theo thống kê từ trường, ngày càng nhiều nữ sinh theo học ngành này tại trường. Và để hỗ trợ, trường có chính sách đặc biệt là giảm 50% học phí cho sinh viên nữ”.
Về cơ hội việc làm của ngành Đông phương học, thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ ngành này hiện đang đào tạo 3 chuyên ngành: Nhật Bản học, Trung Quốc học và Hàn Quốc học. Khi tốt nghiệp, hầu hết sinh viên được tuyển dụng vào vị trí phiên dịch cho các doanh nghiệp nước ngoài với mức thu nhập thấp nhất dành cho sinh viên mới ra trường khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Chọn ngành hay chọn trường ?
Một câu hỏi khá thú vị được HS Trường THPT Trần Hưng Đạo nêu ra: “Tiêu chuẩn để theo nghề thủy thủ là gì, em đi xe khách bị say xe thì có học được ngành này không? Em còn nghe nói lương của thủy thủ rất cao, điều này có đúng không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ giải đáp ngay: “Để trở thành thủy thủ, em có thể theo học ngành khoa học hàng hải và xét tuyển vào 2 chuyên ngành: điều khiển tàu biển và vận hành khai thác máy tàu thủy. Hiện ở khu vực phía nam chỉ có Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo bậc ĐH”. Thạc sĩ Vũ lưu ý, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp 2 chuyên ngành này đều có thể làm việc trên biển, vì 80% nhân lực sẽ làm việc liên quan đến lĩnh vực hàng hải và chỉ 20% làm việc trực tiếp trên tàu. Điều kiện đầu tiên để trở thành thủy thủ là phải có sức khỏe, vì vậy ngay từ đầu vào trường phải xét thí sinh có đủ điều kiện sức khỏe như đã công bố chi tiết trên website trường. “Thủy thủ đi làm sẽ được nhận mức lương theo tiêu chuẩn quốc tế”, thạc sĩ Vũ cho biết.
Cũng từ sân trường, HS Nguyễn Ngọc (Trường THPT Phú Mỹ) đã đặt một lúc 2 câu hỏi về cơ hội khi theo học các ngành kinh doanh quốc tế và công nghệ thực phẩm. Về ngành kinh doanh quốc tế, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, lưu ý có 3 tên ngành khác nhau, nhưng có nội dung chương trình đào tạo như nhau gồm: kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế, kinh tế đối ngoại. Tốt nghiệp các ngành này, sinh viên sẽ làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế tại các đơn vị có yếu tố nước ngoài. Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu bổ sung thêm HS theo học các ngành này cần phải rất giỏi tiếng Anh. Còn về ngành công nghệ thực phẩm, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết được xét tuyển bằng 2 tổ hợp toán - lý - hóa và toán - hóa - sinh. Dịp này, tiến sĩ Trần Đình Lý khuyên HS nên chọn ngành trước rồi mới đến chọn trường khi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển.
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ban giám hiệu 3 trường THPT: Phú Mỹ, Hắc Dịch và Trần Hưng Đạo đã hỗ trợ tổ chức chương trình. Cảm ơn Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) đã trao 10 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các HS vượt khó học giỏi.
|
Bình luận (0)