Số là, khuya 1.12, dù giờ học đã tan lâu nhưng con gái 11 tuổi của anh N.V.L (38 tuổi, ngụ P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) vẫn chưa về. Mất liên lạc với con gái, anh L. đăng tin tìm con và để lại số điện thoại trên Facebook. Lập tức P.V.C (25 tuổi, ngụ xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nhắn tin tống tiền, đòi chuyển khoản 500.000 - 1 triệu đồng sẽ cung cấp thông tin con anh L., nhưng gia đình đã tỉnh táo, báo công an truy xét, bắt được C.
P.V.C bị bắt sau khi tống tiền gia đình để lại số điện thoại khi đăng MXH tìm con gái mất tích |
NGUYỄN TÚ |
Không thể phủ nhận tính lan tỏa của MXH đã hỗ trợ đắc lực cho người dân cũng như cơ quan chức năng trong các vụ việc cần huy động sức mạnh cộng đồng và dư luận, như: tìm đồ thất lạc, người thân, tố giác vi phạm…Nhưng mặt trái của MXH cũng là môi trường cho tội phạm hoạt động, như: thu thập thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại, địa chỉ, thói quen, hành vi của người dùng, để trộm cắp, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản…
Vài năm gần đây, MXH phát triển như vũ bão, tuy nhiên, sức đề kháng trước thông tin xấu, tin giả, các thủ đoạn của tội phạm của người dùng vẫn chưa cao. Điển hình là hình thức lừa đảo qua điện thoại phổ biến trước đây thì vài năm gần đây đã chuyển sang lừa đảo qua MXH bởi tính ẩn danh, tìm kiếm thông tin bị hại, tương tác quá thuận tiện và nhất là sự mất cảnh giác của người dùng.
Nhiều địa phương, lực lượng công an, Đoàn thanh niên đã có các mô hình tuyên truyền cảnh giác nhưng chỉ dừng ở phong trào. Các ngành liên quan như thông tin truyền thông, văn hóa, giáo dục cần phát triển kỹ năng sử dụng MXH từ sớm cho trẻ, thậm chí đưa vào một chương trình ở trường. Được vậy, không chỉ kiềm chế mặt trái của MXH mà còn xây dựng thế hệ mới dùng MXH văn minh, hạn chế rác trên cộng đồng mạng.
Bình luận (0)