Với một đề thi nhằm 2 mục đích như năm 2015, theo nhiều giáo viên, điều quan trọng trước tiên là học sinh cần ôn tập bám sát kiến thức trong sách giáo khoa.
Môn vật lý: Nắm vững kiến thức và bài tập cơ bản
Nội dung kiến thức đề thi môn lý chủ yếu ở lớp 12, tuy nhiên học sinh (HS) cần ôn tập lại một số kiến thức liên quan đến lớp 10 và 11.
Chẳng hạn, lớp 10, nên xem lại kiến thức về động học và động lực học đồng thời chú trọng đến các khái niệm vận tốc, gia tốc, lực quán tính, các định luật Newton và các lực cơ học... Ở lớp 11 là các kiến thức của lực điện trường, chuyển động của hạt mang điện dưới tác dụng của lực điện trường, từ trường và cảm ứng điện từ, chuyển động của hạt mang điện dưới tác dụng của từ trường, thấu kính và lăng kính, sự truyền ánh sáng qua thấu kính và lăng kính, các công thức thấu kính và lăng kính...
HS chỉ cần nắm vững kiến thức và các dạng bài tập cơ bản trong SGK là có thể làm tốt bài thi. Việc nóng vội, chỉ lao ngay vào luyện giải các đề trắc nghiệm sẽ làm HS không thể nắm được tổng thể và hiểu sâu được kiến thức, bởi ở mỗi câu hỏi trắc nghiệm, vấn đề được đề cập thường không có tính hệ thống. Khi đã nắm chắc kiến thức, HS chỉ còn phải rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, điều này không tốn quá nhiều thời gian.
Võ Lý Văn Long
(Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM)
(Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Môn hóa học: Trang bị thêm kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống
Có thể ôn tập lý thuyết theo phân nhóm kiến thức để sự tư duy thuận lợi liền lạc. Ví dụ giải quyết theo hóa đại cương, vô cơ, hữu cơ, kim loại...
Để giải quyết được phần bài tập nhanh, HS cần chắc kiến thức và sử dụng tốt các định luật bảo toàn: khối lượng, nguyên tố, electron trao đổi, điện tích, chuyển đổi hỗn hợp các chất tương đương. Trong quá trình ôn tập, HS lưu ý những năm gần đây đề thi thường có một câu liên quan đến hình vẽ thực nghiệm. Vì vậy, đừng bỏ qua việc tham khảo các thí nghiệm mô tả trên sách giáo khoa.
Các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết có xu hướng đề cập đến tính ứng dụng trong cuộc sống như có kiến thức liên quan đến ô nhiễm môi trường, chất gây nghiện… Từ đó đòi hỏi HS vừa trang bị kiến thức vừa trang bị kỹ năng sống trong khi giải quyết tìm đáp án cho câu hỏi.
Trần Trung Trực
(Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM )
(Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM )
Bình luận (0)