Kỹ năng sư phạm thời công nghệ

Hà Ánh
Hà Ánh
06/10/2024 06:06 GMT+7

Nhiều tình huống gây tranh cãi xảy ra giữa giáo viên và học sinh trong thời gian gần đây cho thấy vai trò quan trọng của kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay.

Chẳng hạn giáo viên (GV) sửa khăn quàng cho học sinh (HS), GV vuốt tóc HS..., trước đây là hình ảnh đẹp, ấm áp, gần gũi của tình thầy trò. Hành động này của thầy cô khiến HS cảm thấy được yêu thương, phụ huynh cũng ấm lòng. Nhưng hiện nay, các hành động này có thể không được khuyến khích thực hiện, theo chuyên gia.

NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM LÀ NỘI DUNG QUAN TRỌNG

Trong chương trình đào tạo ở các trường ĐH sư phạm hiện nay, nội dung nghiệp vụ sư phạm chiếm vai trò quan trọng. Tiến sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: "Nhà trường rất quan tâm đến việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên ngay từ năm nhất. Kỹ năng sư phạm là một chuyên môn quan trọng và là điều kiện tiên quyết để có thể trở thành một GV".

Kỹ năng sư phạm thời công nghệ- Ảnh 1.

Với sự thay đổi tâm sinh lý ở học sinh hiện nay, giáo viên trẻ đòi hỏi phải có phong cách giao tiếp sư phạm hết sức khéo léo, linh hoạt

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo tiến sĩ Mỹ Hạnh, chương trình đào tạo của trường cung cấp kiến thức về tâm lý HS, nguyên tắc giao tiếp sư phạm, kỹ năng giao tiếp sư phạm và đặc biệt là các yêu cầu đạo đức nhà giáo. Những nội dung này được trải dài từ năm học đầu tiên đến quá trình thực tập sư phạm thông qua các học phần, như: nhập môn nhà giáo, tâm lý học giáo dục, tâm lý học lứa tuổi và sư phạm, giao tiếp sư phạm và các kỹ năng mềm. Các kỹ năng ứng xử sư phạm còn thường xuyên được tổ chức thông qua các buổi chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ sinh viên, hội thi nghiệp vụ sư phạm, tọa đàm thực tập nghề nghiệp...

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng khoa Giáo dục Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho biết trong chương trình học các ngành đào tạo GV ngoài cung cấp kiến thức chuyên ngành, phương pháp dạy học, kỹ năng lên lớp thì có một phần quan trọng liên quan đến tâm lý học. Trong tổng thời lượng 120 tín chỉ của chương trình, có tới 5 tín chỉ thuộc phần cơ sở ngành liên quan đến tâm lý học và hoạt động GV chủ nhiệm. Cụ thể gồm các học phần như: tâm lý học đại cương (30 tiết), tâm lý học lứa tuổi - tâm lý học sư phạm (30 tiết), người GV chủ nhiệm (20 tiết)… Ngoài chương trình học chính thức, thông qua các câu lạc bộ, hội thi nghiệp vụ sư phạm, sinh viên cũng có dịp học tập, thực hành ứng xử tình huống sư phạm thực tế.

TÂM SINH LÝ HS PHÁT TRIỂN, THAY ĐỔI SO VỚI TRƯỚC

"Dù chương trình đã dành một thời lượng đáng kể cho hoạt động rèn luyện kỹ năng giao tiếp và tình huống sư phạm, nhưng có thể nói là chưa đủ trong bối cảnh GV có nhiều áp lực như hiện nay. Đặc biệt là khi sự phát triển tâm sinh lý của HS có sự thay đổi nhiều so với trước đây. Hiện tuổi dậy thì của người học không còn sau 10 tuổi mà có khi chỉ 8 tuổi, tức HS lớp 3", tiến sĩ Ngọc ý kiến thêm.

Kỹ năng sư phạm thời công nghệ- Ảnh 2.

Giáo viên trong thời đại công nghệ vừa là người thầy vừa là "người bạn lớn" của học sinh

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trước những thay đổi trong thực tế, tiến sĩ Ngọc cho rằng không chỉ thời lượng mà nội dung đào tạo cũng cần kịp thời cập nhật để đáp ứng yêu cầu mới. Ví dụ về sự thay đổi này trong hoạt động đào tạo kỹ năng sư phạm, tiến sĩ Ngọc chia sẻ: "Xét dưới góc độ đào tạo, việc GV sửa khăn quàng cho HS, GV vuốt tóc HS... từng là hình ảnh đẹp, ấm áp, gần gũi của tình thầy trò. Hành động này của thầy cô khiến HS cảm thấy được yêu thương, phụ huynh cũng ấm lòng. Nhưng đó là trước kia, còn bây giờ các hành động này có thể không được khuyến khích thực hiện".

Lý giải điều này, tiến sĩ Ngọc phân tích: "Hiện nay, khoảng cách giữa GV trẻ và HS về mặt trưởng thành sinh học đã quá gần. Những hành động gần gũi nếu không thực hiện đúng cách có thể gây hiểu lầm, ngộ nhận từ nhiều phía. Do đó, trong các bài giảng liên quan, sinh viên sư phạm được lưu ý cần giữ khoảng cách an toàn với người học, ngay cả HS bậc tiểu học. Trong hoạt động lớp học, GV có lúc cần thực hiện hoạt động bắt tay, thậm chí ôm động viên học trò nhưng cần thực hiện để người học cảm nhận sự che chở của bậc cha mẹ".

ĐỂ KHÔNG VI PHẠM CHUẨN MỰC, ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO

Những sự cố tình huống sư phạm liên tục xảy ra thời gian qua càng cho thấy nghề giáo hiện có nhiều áp lực. GV và đặc biệt GV trẻ cần làm gì để vượt qua những áp lực này?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc cho rằng: "GV chỉ cần nhớ mục tiêu chính trong công việc hằng ngày của mình là dạy dỗ, hướng dẫn HS những điều đúng, điều hay, điều tốt. Ngay trong quá trình làm việc, chính GV có lúc gặp tình huống khó khăn cần xử lý, luôn cần lưu ý ứng xử theo đúng mục tiêu trên" và nói thêm: "GV là người được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn, rèn luyện để ra trường dạy những điều hay, điều đúng, điều đẹp nên trước hết cần ứng xử chuẩn mực. Khi ứng xử chuẩn mực thì hiếm có HS nào dám vượt qua sự chuẩn mực đó".

Kỹ năng sư phạm thời công nghệ- Ảnh 3.

Là "kỹ sư tâm hồn", giáo viên làm nghề không chỉ bằng kiến thức mà còn cả những kỹ năng giao tiếp ứng xử, sự tinh tế

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Mai Mỹ Hạnh cũng nói: "Với sự thay đổi tâm sinh lý ở HS hiện nay, yêu cầu từ xã hội và những khác biệt tâm lý giữa phụ huynh xưa và nay, GV trẻ đòi hỏi phải có phong cách giao tiếp sư phạm hết sức khéo léo, linh hoạt".

Cũng theo tiến sĩ Mỹ Hạnh, GV trẻ phải thể hiện được bản lĩnh và làm chủ bản thân theo yêu cầu mô phạm nhưng cũng thể hiện sự năng động, sáng tạo trong công tác.

Tiến sĩ Mỹ Hạnh nhấn mạnh: "Vấn đề gốc là GV đã xây dựng phong cách giao tiếp như thế nào? Là GV, phải có sự mô phạm, thân thiện nhưng không "cá mè một lứa", lắng nghe nhưng không dung túng cho cái sai, yêu thương học trò nhưng không dễ dãi, tôn trọng HS nhưng không thể "sao cũng được". Từ tác phong, cử chỉ, ánh mắt, nét mặt đến ngôn ngữ, từ các yêu cầu trong ứng xử giữa cô và trò cần làm rõ trong buổi học đầu tiên dưới sự đóng góp chung các quy tắc ứng xử giữa GV và HS, được thống nhất và trình bày công khai trên các bảng nội quy lớp học".

Từ thực tế giảng dạy, tiến sĩ Mỹ Hạnh nhìn nhận: "Nếu GV thực hiện tốt các yêu cầu về giao tiếp sư phạm và cách thức tổ chức lớp học thì sẽ không để hành vi quá mức. Quan trọng, GV cần xác định mình là ai khi đến trường. Bước vào lớp thì bản thân nhà giáo phải chuẩn mực và gạt bỏ các yếu tố riêng tư, thiên vị, cá nhân. Nếu không định vị được bản thân sẽ dễ dàng vi phạm các chuẩn mực đạo đức nhà giáo".

"Các GV trẻ cần ý thức cao về trách nhiệm của mình với nghề giáo, những người gánh trên vai sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. GV làm nghề không chỉ bằng kiến thức mà còn cả những kỹ năng giao tiếp ứng xử, sự tinh tế bởi vì GV là "kỹ sư tâm hồn". Công cụ quan trọng nhất để làm nghề giáo chính là đạo đức nhà giáo. Việc rèn luyện các yếu tố này đến từ chính lòng yêu nghề, chính trực và cả lòng tự trọng của bản thân dưới rất nhiều tác động của bối cảnh hiện nay. Trường sư phạm cung cấp cho sinh viên rất nhiều nghiệp vụ sư phạm, nhưng cuối cùng thì lương tâm nhà giáo do chính các bạn nuôi dưỡng để hoàn thiện", tiến sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ thêm với các GV trẻ.

Thường xuyên bồi dưỡng cho GV kỹ năng giao tiếp sư phạm

Tiến sĩ Mai Mỹ Hạnh cũng cho rằng cần triển khai bồi dưỡng thường xuyên cho GV và bổ sung các chuyên đề về giao tiếp ứng xử, nâng cao đạo đức nhà giáo trong bối cảnh mới; các nội dung về tâm lý của HS, nghệ thuật xử lý các tình huống trong giao tiếp với HS, phụ huynh và các bên có liên quan.

Đặc biệt, theo tiến sĩ Hạnh, việc bồi dưỡng thường xuyên cho GV các kỹ năng giao tiếp sư phạm sau khi ra trường cần được chú trọng và triển khai có hiệu quả hơn. Tâm lý HS thay đổi và bối cảnh xã hội tác động rất nhiều lên tâm thế của phụ huynh trong giao tiếp với GV ngày nay. Việc GV cần được tập huấn theo chu trình để kịp thời nắm bắt các vấn đề mới là điều thực sự cần thiết. Điều này cần thực hiện liên tục, không thể học một lần có thể làm nghề cả đời. Với GV, tự học quyết định rất lớn đối với sự hoàn thiện bản lĩnh sư phạm và chuyên môn trong công tác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.