Hàng chục đoạn phim kỹ năng do PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thực hiện đang thu hút sự chú ý của nhiều người.
|
|
Hình ảnh trong các đoạn phim kỹ năng do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn thực hiện - Ảnh: cắt từ clip
|
Mỗi đoạn phim đem đến người xem những kỹ năng bổ ích trong cuộc sống. Cách thoát hiểm khi bị giăng bẫy mua điện thoại iPhone “dỏm” giá rẻ, thoát hiểm bẫy lừa trúng thưởng, hoặc kỹ năng thoát khỏi đám cháy, thoát khỏi chiêu khơi gợi lòng thương, cách thoát hiểm trên sông nước, thoát khỏi bẫy tình... đều được hướng dẫn chi tiết.
Cảnh báo “của mất tật mang”
Nhu cầu chụp ảnh của giới trẻ ngày càng nhiều, và máy ảnh trở thành tâm điểm chú ý của những kẻ cướp. Để tránh bị giật máy ảnh khi mải mê chụp, ông Sơn đưa ra những thủ thuật như quàng dây máy qua cổ hoặc quàng chéo ngang vai, hạn chế quàng qua tay nhiều vòng để tránh chuyện “của mất tật mang”, đề phòng chuyện trong quá trình giằng co, lôi kéo giữa nạn nhân và tên cướp, dây máy ảnh quàng quá chắc vào tay sẽ khiến nạn nhân dễ bị chấn thương. Khi chụp hình trên những con phố dài hoặc những nơi ít người thì nên đi theo nhóm và trông đồ đạc cẩn thận. Đoạn phim kỹ năng này đã được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn và nhận nhiều ý kiến tích cực.
Với đoạn phim chia sẻ chiêu thoát khỏi tình cảnh bị lừa mua đề thi dỏm, PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cảnh báo trước các kỳ thi, nhiều người giả danh quen thân với thầy cô giáo, ban giám hiệu nên biết trước đề thi và lừa bán. Ông Sơn khuyên giới học sinh, sinh viên nếu như không có sự đầu tư, nỗ lực, cố gắng thì đừng bao giờ tự tưởng tượng và mong kết quả học tập cao, bởi khi đó dễ sập bẫy lừa này.
Không chỉ trang bị những vốn liếng cần thiết để giới trẻ bước vào đời một cách khôn ngoan, tỉnh táo, nhiều đoạn phim trong dự án xã hội giáo dục kỹ năng sống trong thế giới phẳng này còn là công cụ trực quan sinh động góp phần hình thành kỹ năng thoát hiểm cho mọi người.
Cẩn trọng không thừa
Trước thực trạng đáng lo ngại hiện nay là không ít kẻ xấu vạch mưu lừa đảo bằng cách đưa ra số tiền thưởng cực lớn với những hình thức hoa mỹ: được lên ti vi, được nhiều người biết đến, được đối đãi chu đáo, ân cần… để đánh vào lòng tham, chiêu dụ mọi người, đã có không ít người bị thuyết phục và sập bẫy lừa.
Với những “bẫy nhung êm ái” này, PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn nhắc nhở mọi người cần cảnh giác kẻo trở thành “món mồi ngon” và thực hiện những giải pháp như: có thể từ chối ngay lập tức, hoặc bình tâm xác minh thông tin, gọi điện thoại cho người thân để đối chiếu sự việc... chứ đừng vì khoản lợi trước mắt mà mất tiền oan.
Khi rơi vào tình huống khẩn cấp của đám cháy thì cần làm gì? Theo ông Sơn, yếu tố tâm lý là hết sức quan trọng. Để bình tĩnh, tránh bấn loạn, hãy nắm chặt tay hay hét thật to để trấn an bản thân và đối mặt nguy hiểm. Đồng thời hãy trấn an mọi người, sau đó cùng nhau khống chế tình huống bằng những cách: bỏ đi những vật dụng không cần thiết, dùng những vật dụng có sẵn để dập tắt đám cháy, nhờ những số điện thoại quen thuộc như 114 để cứu giúp…
Ngoài việc tạo nên những tình huống gần gũi với đời sống, được đan cài qua những nhân vật cụ thể được thể hiện logic, hài hước đem đến những suy nghĩ và hành động mang tính tích cực cho cộng đồng, thì chính sự góp mặt của các nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực cũng là yếu tố thu hút sự chú ý của người xem. Có thể kể như các chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tứ, Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Nguyễn Thị Trang Nhung, Lý Thị Mai; hay người mẫu Thiên Trang (á quân Vietnam’s Next Top Model 2012), top 10 Hoa hậu VN 2012 Mỹ Hạnh, người mẫu Phương Dung, MC Trà Mi…
Cũng theo PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, quá trình thực hiện dự án kỹ năng này đã gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên vì mong muốn có được những thước phim trọn vẹn, chuyển tải đầy đủ những kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm cho mọi người nên cố gắng vượt qua, sử dụng quỹ cộng đồng của cá nhân để thực hiện.
Bình luận (0)